Phiên tòa chuyến bay giải cứu:Nên giảm hay tăng nặng hình phạt các bị cáo?

Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng hình phạt cho các bị cáo trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' đang khiến dư luận quan tâm.

LTS: Những ngày qua, phiên tòa xét xử các bị cáo trong “chuyến bay giải cứu” đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan tố tụng đang quá nương nhẹ cho các bị cáo khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ quá nhiều mà không xem xét tới tình tiết tăng nặng. Trong khi, các bị cáo tham nhũng với số tiền lớn và trong hoàn cảnh dịch bệnh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Công Thương xin giới thiệu một số ý kiến của đọc giả.

Luật sư Trần Quốc Toản, trưởng Văn phòng Luật sư Trần Quốc Toản:

Các bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ

Theo quy định của pháp luật, người nào phạm tội có 1 tình tiết tăng nặng và có 2 tình tiết giảm nhẹ thì coi như được đối trừ nhau. Trong trường hợp có 1 tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng thì được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, nếu có tình tiết nặng thì 1 tình tiết giảm nhẹ không thể đối trừ.

Căn cứ vào quá trình theo dõi phiên tòa, tôi nhận thấy, các đối tượng thực hiện hành vi thường có 2 tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh, phạm tội nhiều lần, dùng thủ đoạn để trục lợi. Theo bản cáo trạng và lời khai được công bố cho thấy, một số bị cáo đã dùng thủ đoạn “ép” doanh nghiệp phải chi tiền, ví dụ như: Ngày mai bay nhưng nay mới được phê duyệt đồng ý. Hành vi buộc các doanh nghiệp phải chi tiền mới phê duyệt nó không còn nằm là “gợi ý đưa hối lộ” mà là bị “ép buộc”.

Luật sư Trần Quốc Toản (người đứng) trong một phiên tòa tại Quảng Ninh

Tôi cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đúng quy định. Bởi các bị cáo ít nhất đã có 2 tình tiết tăng nặng như kể trên… Theo quy định, chỉ được xem đến tình tiết giảm nhẹ nếu như không có tình tiết tăng nặng nào hoặc có tình tiết tăng nặng nhưng có ít nhất 3 tình tiết giảm nhẹ trở lên vì theo nguyên tắc có 2 tình tiết giảm nhẹ thì được đối trừ 1 tình tiết tăng nặng. Trong vụ án này, một số ý kiến mới nhìn vào tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo song phải áp dụng nguyên tắc tình tiết giảm nhẹ được đối trừ với tình tiết tăng nặng. Hiện phần lớn bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ thì đều mắc 2 tình tiết tăng nặng. Vì vậy, các nhóm bị cáo này phải có 5 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì mới được hưởng 1 tình tiết giảm nhẹ. Trong khi chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ thì chưa đủ điều kiện. Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự khi phải có 2 tình tiết giảm nhẹ thì mới được xem xét giảm hình phạt trong khung hình phạt.

Luật sư Nguyễn Chiến, nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội:

Phiên tòa thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp

Trước hết qua tài liệu diễn biến vụ án, quá trình xét hỏi, tôi cho rằng phiên tòa đã đảm bảo được tính dân chủ, khách quan. Hội đồng xét xử đã để cho các bị cáo được trình bày, khai báo thành khẩn tất cả các hành vi sai phạm. Trên cơ sở luận tội của đại diện Viện kiểm sát đã căn cứ vào tất cả các chính sách pháp luật về hình sự của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về đường lối xử lý đối với tất cả các loại tội phạm nói chung, không riêng gì đối với các bị cáo trong vụ án.

Luật sư Nguyễn Chiến, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội

Viện kiểm sát đã vận dụng tất cả các tình tiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để đưa ra các nhóm tội khác nhau. Vì vậy, Viện đã phân loại, đánh giá, tính chất, mức độ từng hành vi trong nhóm tội và của mỗi bị cáo để đề nghị mức hình phạt tương xứng bảo đảm tính phân hóa. Đối với đề nghị khung hình phạt của Viện kiểm sát, từ mức án nghiêm khác nhất là tử hình cho đến các bị cáo khác đã tương xứng, có tính chất khoan hồng.

Đồng thời, qua việc tranh tụng tại phiên tòa, giữa luận tội của đại diện Viện kiểm sát với lời bào chữa của luật sư thì phần đối đáp trở lại đã có sự cân nhắc toàn diện, nghiên cứu để đánh giá toàn diện sâu sắc hơn về bối cảnh phạm tội của từng người. Từ đó, vận dụng các quy định của pháp luật phân hóa vị trí, vai trò nguyên nhân phạm tội, đưa ra mức đề nghị phù hợp với diễn biến phiên tòa và quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị của Viện kiểm sát đã bám sát vào quá trình tranh tụng tại phiên tòa, thể hiện được tinh thần của cải cách tư pháp. Cao hơn, đây còn là sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng về trừng trị nghiêm khắc với tội tham nhũng, những người ngoan cố, không khắc phục hậu quả nhưng khoan hồng, giảm nhẹ đặc biệt cho những ai thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, tự nguyện nộp lại toàn bộ tài sản mà được hưởng lợi. Để từ đó, hội đồng xét xử đưa ra đường lối xét xử phù hợp, có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Đồng thời, khuyến khích những người không may vi phạm có thái độ tự nguyện đầu thú, khai báo, nộp lại tài sản.

Với chủ trương chính sách này, Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03 để hướng dẫn cụ thể xét xử đối với các loại tội phạm về tham nhũng, thể chế hóa tinh thần nghị quyết của Đảng để có đường lối xử lý mang tính nghiêm khắc nhưng nhân đạo, có tính giáo dục nhưng cao hơn là thu hồi được tài sản cho Nhà nước.

Trong phiên tòa này, hành vi vi phạm của từng bị cáo đã được làm rõ, song vẫn còn có những cá nhân không thành khẩn đã khiến cho dư luận bất bình. Bên cạnh đó, hội đồng xét xử cũng đã làm rõ được bối cảnh dẫn đến phạm tội của một số bị cáo, theo quy định thì các đối tượng này cần được hưởng được khoan hồng để có sự phân hóa.

Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" - ảnh TTXVN

Đối với ý kiến cho rằng, các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quá nhiều trong khi lẽ ra phải áp dụng tình tiết tăng nặng trong điều kiện tham nhũng với số tiền lớn và trong hoàn cảnh dịch bệnh, tôi cho rằng: Tham nhũng với số tiền lớn thì đã có tình tiết định khung ở khung hình phạt cao nhất. Còn đối với tình tiết tăng nặng thì phải tuân theo Điều 52 Bộ luật Hình sự. Quá nhiều tình tiết giảm nhẹ là dựa trên cơ sở đối với từng bị cáo của vụ án này được hưởng theo quy định tại khoản 1, Điều 51, không phải ai đó tự tạo ra.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty TNHH luật Hừng Đông:

Các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ sẽ được xem xét tuân thủ đúng quy định

Tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 và tình tiết tăng nặng được quy định tại điều 52 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trong vụ án hình sự là một yếu tố quan trọng trong quá trình xét xử để hội đồng xét xử xác định tội danh và khung hình phạt cho bị cáo. Tình tiết giảm nhẹ được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2, Điều 51, còn tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Sự hiện diện của tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng là căn cứ để Tòa án đánh giá, xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, coi đó là một trong những căn cứ để quyết định hình phạt.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty TNHH luật Hừng Đông

Theo quy định trong quá trình xét xử vụ án, các cơ quan tiết hành tố tụng sẽ xem xét để chấp nhận các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để áp dụng. Theo nguyên tắc đối trừ một tình tiết tăng nặng thì trừ đi 1 tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ, bị cáo có một tình tiết giảm nhẹ và một tình tiết tăng nặng thì sẽ không được áp dụng, xem xét.

Đối với vụ án chuyến bay giải cứu, các bị cáo thường có từ 1 đến 2 tình tiết tăng nặng như: Phạm tội có tổ chức; lợi dụng hoàn cảnh thiên tai để trục lợi. Tuy nhiên, trong vụ án này, các bị cáo nhận hối lộ đều là những người giữ chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, quá trình công tác có nhiều đóng góp, được tặng thưởng nhiều bằng khen, huy chương, gia đình nhiều người có công với cách mạng. Thậm chí có người còn là con của liệt sĩ. Bản thân các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (từ 3-5 tình tiết) như: Chủ động khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cái; có người thì lập công chuộc tội, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, người phạm tội còn có thành tích trong lao động, sản xuất… Thông thường các bị cáo có 4 – 5 tình tiết giảm nhẹ trong khi có 2 tình tiết tăng nặng, nếu “cấn trừ” đi thì các bị cáo vẫn được áp dụng khoảng 2 – 3 tình tiết giảm nhẹ. Không phải vì vụ án đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong hoàn cảnh dịch bệnh mà có thể làm sai quy định pháp luật. Việc áp dụng quy định phải có nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, các bị cáo có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì vẫn phải được xem xét công bằng trước pháp luật.

Vụ án chuyến bay giải cứu đã gây bức xúc dư luận trong thời gian dài. Vì vậy, có thể có luồng ý kiến cho rằng phải xử thật nặng để giải tỏa bức xúc. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn, trong vu án này có thể có bị cáo phải đối diện với mức án lên tới chung thân, thậm chí tử hình cũng không thể giải quyết được toàn diện. Bởi các bị cáo phải đối diện với một bản án nặng cũng là hình phạt nghiêm khắc khi đã mất hết công danh, sự nghiệp… Tuy nhiên, cái lớn hơn đó là việc xét xử, áp dụng đúng quy định pháp luật. Bởi tham nhũng, lãng phí căn bản là do thực thi pháp luật không nghiêm, hành lang pháp lý đầy đủ nhưng chưa được tuân thủ.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phien-toa-chuyen-bay-giai-cuunen-giam-hay-tang-nang-hinh-phat-cac-bi-cao-263472.html