Phiên chợ truyền thông 'Nói không với thực phẩm bẩn' nâng cao ý thức cho người dân

Phiên chợ truyền thông 'Nói không với thực phẩm bẩn' được triển khai đã nâng cao ý thức trong việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Phiên chợ "Nói không với thực phẩm bẩn"

Vừa qua, Phiên chợ truyền thông "Nói không với thực phẩm bẩn" tại chợ Hến, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên do Hội LHPN tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội LHPN huyện Hưng Nguyên đã được tổ chức.

Dân số Hưng Nguyên gần 120.000 người, trong đó bà con giáo dân chiếm khoảng 20% dân số. Công tác an toàn thực phẩm từ sản xuất, chế biến, kinh doanh… thực phẩm còn nhiều phức tạp. Thông qua truyền thông bằng phóng sự, kịch tương tác sinh động, hấp dẫn, các phiên chợ bước đầu góp phần nâng cao ý thức, giúp cho hội viên, phụ nữ và người dân nhận biết về các nguy cơ việc mất an toàn thực phẩm, chuyển biến hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Các tiểu thương đã cùng nhau kí cam kết thực hiện tốt ba không như: Không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn và 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm. Ngoài ra, tại phiên chợ cũng thành lập đội truyền thông lưu động truyền thông về an toàn thực phẩm cho các tiểu thương tại Chợ Hến, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng nguyên.

Truyền thông về an toàn thực phẩm qua các tiểu phẩm.

Truyền thông về an toàn thực phẩm qua các tiểu phẩm.

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ là những người có mặt trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm, hàng hóa. Thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh mô hình này.

Cán bộ, hội viên, phụ nữ, người dân trên địa bàn toàn huyện tích cực tham gia thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng; Thực hiện tốt Cuộc vận động "Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng", Vận động hội viên, phụ nữ và người dân cam kết không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi...góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm an toàn vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

Tiếp tục nhân rộng mô hình vì an toàn thực phẩm

Phiên chợ truyền thông "nói không với thực phẩm bẩn" cũng đã được triển khai tại các chợ đầu mối ở Thanh Hóa. Như tại Chợ đầu mối rau quả Đông Hương (TP Thanh Hóa), Chợ thị xã Bỉm Sơn và Chợ phường Trung Sơn… công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau khi được truyền thông, công tác tuyên truyền, quản lý hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được Ban quản lý chợ và Hội phụ nữ thường xuyên quan tâm tuyên truyền; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, tố giác những tiểu thương không cam kết thực hiện kinh doanh sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Nhiều hội viên phụ nữ đã trang bị cho bản thân kiến thức, hiểu biết, sáng suốt lựa chọn sản phẩm an toàn phục vụ bữa ăn hàng ngày. Một tiểu thương tại chợ chia sẻ, sau khi tham gia "Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn" đã nắm được 10 nguyên tắc vàng trong việc chế biến sản phẩm an toàn. Đặc biệt, nhận thức được mối nguy hại từ việc buôn bán các sản phẩm không an toàn nên ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình cùng chung tay tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc không buôn bán các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ…

Có thể khẳng định, nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ Thanh Hóa thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn là nỗi ám ảnh và là mối quan tâm của toàn xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, thời gian tới, cùng với kế hoạch nhân rộng mô hình "Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn", các mô hình như: Mô hình rau sạch, chăn nuôi sạch, bếp sạch... tại các đơn vị cũng được Hội đẩy mạnh. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm; phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh và cấp huyện trong triển khai hoạt động, giám sát thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hà My th

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phien-cho-truyen-thong-noi-khong-voi-thuc-pham-ban-nang-cao-y-thuc-cho-nguoi-dan-169230930100438101.htm