Phiên chợ cầu may độc nhất vô nhị tại Thanh Hóa

Phiên chợ Chuộng họp bên bờ sông Hoàng tại Thanh Hóa chỉ diễn ra vào sáng mùng 6 Tết hàng năm. Người đến phiên chợ ngoài mua bán hàng hóa, còn 'choảng nhau' bằng cà chua, ai càng bị ném nhiều thì quan niệm năm đó có nhiều tài lộc...

Một bạn nữ bị ném cà chua khắp người

Mùng 6 Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân ở khắp nơi trong tỉnh Thanh Hóa lại đổ về xóm Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, để tham gia phiên chợ Chuộng “độc nhất vô nhị” được tổ chức duy nhất một lần trong năm. Đây là phiên chợ “choảng nhau” bằng cà chua, để cầu may cho một năm mới. Ngoài tên gọi chợ Chuộng, còn có nhiều tên như chợ Choảng, chợ Giải xui, chợ Ân oán...

Theo các vị cao niên tại địa phương, sở dĩ có phiên chợ này là vào thời vua Lê, đúng mùng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân sĩ cùng dân làng họp chợ.

Khi quân giặc chạy đến, thấy đông người chúng tưởng đây chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên mất cảnh giác. Do thấy quân giặc sơ ý, vị tướng liền phát lệnh tấn công, địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch. Để tưởng nhớ vị tướng đã có công dẹp giặc, cứ vào mùng 6 Tết hàng năm, người dân lại nô nức họp chợ.

Chợ Chuộng được tổ chức trên dải đất rộng ven sông Hoàng, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn,Thiệu Hóa và Triệu Sơn. Để người dân có thể dễ dàng đến tham dự, ngay trước hôm phiên chợ diễn ra, chính quyền địa phương đã cho dựng tạm một cây cầu tre, nối giữa huyện Đông Sơn và Triệu Sơn.

Năm nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm, già trẻ, gái trai nối đuôi nhau về triền đê ven sông Hoàng để “mua may, bán rủi”. Dù mưa, hay nắng nhưng số lượng người đi chợ mỗi năm không có dấu hiệu giảm. Chợ họp từ rất sớm, có năm đến tối mịt chợ mới vãn.

Dân gian có câu: “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng” để nói về tầm quan trọng của phiên chợ có một không hai này.

Tại phiên chợ, nhiều người ưa thích và chọn mua đó là bánh đa đỏ với ý nghĩa đầu năm mang về vận đỏ, có ý nghĩa biểu trưng hết sức quan trọng, là may mắn đầu xuân cả năm buôn bán thành công, con cháu phúc hòa.

Trò chơi bịt mắt bắt vịt đem lại những khoảnh khắc vui vẻ cho người chơi lẫn người xem

Đến chợ “choảng nhau” người dân thường chọn mua một vài thứ mặt hàng, hoặc thưởng thức các món ăn dân dã để cầu may đầu năm mới

Cà chua là mặt hàng bán chạy nhất tại phiên chợ này

Sau khi mua cà chua, các thanh niên sẽ phân chia để “choảng nhau” tại chợ

Những quả cà chua thường được bóp dập hoặc bẻ đôi để nước bắn tung tóe khi chạm vào “mục tiêu”

Tại phiên chợ cà chua được ném vào người nhau để cầu may

Dù bị ném tơi tả, nhưng đa phần các nam thanh nữ tú đều rất vui vẻ.

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phien-cho-cau-may-doc-nhat-vo-nhi-tai-thanh-hoa.htm