'Phía Tây không có gì lạ' - ứng viên sáng giá của Oscar 2023

'All quiet on the Western Front' là phiên bản remake của bộ phim cùng tên năm 1930. Tác phẩm nhận được 9 đề cử Oscar, là ứng cử viên sáng giá cho giải Best Picture năm nay.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Genre: Chính kịch, Hành động, Chiến tranh
Director: Edward Berger
Cast: Felix Kammerer, Albrecht Schuch, Daniel Brühl,...
Rating: 8,5/10

Bản remake của tác phẩm kinh điển Phía Tây không có gì lạ (tựa gốc: All quiet on the Western Front) được tung ra sau gần một thế kỷ kể từ khi bộ phim đầu tiên khởi chiếu. Chuyển thể dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Erich Maria Remarque, phiên bản gốc năm 1930 đã nhận về hai tượng vàng Oscar danh giá tại hạng mục Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc.

Đây được đánh giá là một trong những dự án điện ảnh về chiến tranh hay nhất từng được thực hiện. Tới mức, năm 1991, Thư viện Quốc hội Mỹ đã lựa chọn và lưu giữ All quiet on the Western Front vì những “ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử hay thẩm mỹ”.

Remake bộ phim kinh điển này được cho là quyết định đầy thú vị nhưng táo bạo của đạo diễn trẻ Edward Berger. Trước đó, anh không cầm trịch nhiều dự án điện ảnh mà chủ yếu là các phim truyền hình. Áp lực từ thành công của phiên bản tiền nhiệm đặt Edward vào thế khó. Anh vừa phải đảm bảo tính nguyên vẹn của bức chân dung khốc liệt về chiến tranh, vừa phải thổi một làn hơi mới vào trong tác phẩm của mình.

Số phận con người trong cuộc chiến phi nghĩa

Dựa trên nguyên tác của Maria Remarque, All quiet on the Western Front lấy bối cảnh cuộc Thế chiến thứ nhất. Lúc này, chiến tranh giữa Đức và liên minh Anh - Pháp đang diễn ra khốc liệt. Nhân vật chính của phim, Paul Bäumer (Felix Kammerer), là một học sinh quả cảm. Anh xung phong ra chiến trường cùng các bạn học Albert Kropp (Aaron Hilmer), Franz Müller (Moritz Klaus) và Ludwig Behm (Adrian Grünewald) theo lời kêu gọi của giáo sư.

Ở nơi mưa bom bão đạn, Paul gặp gỡ và kết giao với Trung úy Stanislaus Katczinsky cùng Tjaden Stackfleet. Cuộc chiến càng kéo dài, số lượng người sống sót ngày càng ít lại. Họ phải chứng kiến và trải qua cơn ác mộng nơi tiền tuyến khi đồng đội lần lượt ngã xuống. Tang thương và đói rét hạ gục những chàng trai trẻ quật cường. Họ ra trận với lý tưởng, khí huyết sục sôi của tuổi trẻ nhưng hiện thực khốc liệt khiến họ phải chùn bước.

 Thời chiến khốc liệt hiện lên dưới những thước phim duy mỹ của Edward Berger.

Thời chiến khốc liệt hiện lên dưới những thước phim duy mỹ của Edward Berger.

Mở đầu hồi ký, nhà văn Maria Remarque viết, “Cuốn sách này không phải là một lời buộc tội, thú tội, hay chí ít là một cuộc phiêu lưu, vì cái chết không phải là một cuộc phiêu lưu đối với những người đối mặt với nó".

Đặt mình trong lăng kính này, đạo diễn Edward Berger đã làm nên một tác phẩm phản chiến chân thực. All quiet on the Western Front vạch trần những khía cạnh khốc liệt ở chiến trường phía Tây, qua con mắt của những người lính vào sinh ra tử tại chính nơi này. Không những vậy, khán giả còn được chứng kiến biến chuyển tâm lý của những chàng trai trẻ giữa bom đạn nghiệt ngã. Paul cùng bạn học bị kích động khi vị giáo sư gieo rắc trong họ những lý tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Toán lính trẻ hành quân với nhành hoa trên ngực. Họ mang tâm trạng phấn chấn, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ vì mục đích “cao thượng” của Tổ quốc. Để rồi, tất cả phải choàng tỉnh khi đối mặt với sự thật nơi gió tanh mưa máu.

Dù là một người Đức, đạo diễn nhìn vào chiến tranh bằng lăng kính trung lập. Bộ phim của ông làm nổi bật thân phận con người mà bỏ qua tất thảy chủ nghĩa anh hùng hay chủ nghĩa dân tộc. Qua từng lớp phim, bộ mặt xấu xí của Thế chiến cứ thế bị vạch trần. Bản chất của chiến tranh dần được lộ ra, khi tất cả sự hy sinh, mất mát chỉ là vô nghĩa. Chỉ tới khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, Paul mới nhận ra được điều này.

Dày đặc thủ pháp điện ảnh

Trong All quiet on the Western Front, đạo diễn sử dụng thủ pháp nghệ thuật dày đặc xuyên suốt các thước phim. Tác phẩm lựa chọn tông màu xanh xám chủ đạo tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Điều đó đem lại cảm giác lạnh lẽo, tang thương, tô điểm cho bức tranh hiện thực nơi chiến trường. Màu xanh hút sạch sinh khí khung ảnh, ám lên những thây lính chồng chất, ám lên mặt trận hay cả những bộ quân phục bị đạn bom xé nát.

 Tác phẩm được cầm trịch bởi đạo diễn người Đức Edward Berger.

Tác phẩm được cầm trịch bởi đạo diễn người Đức Edward Berger.

Trong khi đó, những sắc thái ấm áp được tô điểm làm nổi bật khía cạnh tương phản của bức tranh thời chiến. Đó là màu nắng tươi sáng ở những buổi rao giảng lý tưởng yêu nước trên trường, là màu đỏ cam trên trang phục hay của ngọn đèn trong văn phòng vị tướng. Dẫu vậy, sắc ấm này tuyệt nhiên không làm giảm bớt hiện thực tàn khốc được bày ra. Trái lại, nó càng gây ức chế thị giác khán giả khi ẩn dụ cho sự giả dối của “công lý”, của lý tưởng thời đại nằm ngoài những mưu cầu hạnh phúc của con người. Tất cả đều thiết lập một tâm trạng u tối kết nối với concept bộ phim, khiến cho những thông điệp dễ bề được truyền tải.

Ngoài những cú long-shot, Edward Berger còn ưu tiên các cú máy cận cảnh hay đặc tả, phô bày nỗi đau xương máu khiến khán giả khiếp sợ và bàng hoàng. Đặc biệt, nó theo sát diễn biến tâm trạng của các nhân vật. Cơn ác mộng chiến tranh để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng trong con mắt người lính. Từ một cậu trai trẻ đầy sức sống, linh hồn của Paul bị vắt kiệt trước khi thể xác anh nằm xuống.

Ngoài việc kể chuyện bằng hình ảnh, All quiet on the Western Front còn tô điểm bức tranh phản chiến bằng âm thanh đầy tính toán của nhà soạn nhạc Bertelmann. Không khí u ám, tang thương nơi chiến trường được nhấn mạnh bởi những hợp âm trầm và ngắt quãng. Trong khi đó, giai điệu dồn dập tập trung trước mỗi giờ ra trận báo hiệu điềm chẳng lành sắp ập tới. Không thể phủ nhận, chất liệu âm thanh được tận dụng hiệu quả là yếu tố giúp gia tăng ý nghĩa cho mỗi khung hình.

Đối thủ nặng ký tại Oscar 2023

Với sự dày công trong việc nghiên cứu remake tác phẩm, không ngạc nhiên khi Edward Berger chiếm trọn cảm tình từ các chuyên gia. Từ đường dây kịch bản tới bối cảnh, trang phục, góc quay hay diễn xuất, Phía Tây không có gì lạ được đầu tư công phu đáng kinh ngạc. Không ngoa khi nói rằng, bộ phim là ứng cử viên sáng giá tại hạng mục Best Picture của Oscar năm nay.

 Từ một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, Paul Bäumer bị suy sụp bởi hiện thực cuộc chiến.

Từ một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, Paul Bäumer bị suy sụp bởi hiện thực cuộc chiến.

Dõi theo tác phẩm này, người xem bị cuốn theo guồng quay của cuộc chiến khốc liệt. Ở đó, khán giả được trải nghiệm, được sống cùng góc nhìn hiện thực của người lính. Đặc biệt, All quiet on the Western Front ghi điểm với việc giải phẫu tâm lý nhân vật, bên cạnh những thủ pháp nghệ thuật vận dụng tài tình trong suốt bộ phim.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng so với bản gốc năm 1930, đứa con tinh thần của Edward Berger là bản remake tròn trịa nhưng không hoàn hảo. Đó là do Edward Berger chú trọng tinh thần remake mà thiếu đi sáng tạo.

Bộ phim quá tập trung tái hiện nỗi đau thể xác hay mất mát do cuộc chiến gây ra mà thiếu đi những góc khai thác mới lạ, chưa thể thoát ra khỏi “cái bóng” của tác phẩm tiền nhiệm. Chưa kể, một số chi tiết trong nguyên tác đã bị đạo diễn lược bỏ trong phiên bản này.

Dẫu vậy, All quiet on the Western Front vẫn nhận được 9 đề cử tại giải Oscar 2023. Đây là phim có số lượng đề cử lớn thứ 2 trong năm nay, chỉ sau Everything Everywhere All at Once.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phia-tay-khong-co-gi-la-ung-vien-sang-gia-cua-oscar-2023-post1405180.html