Phía sau một ca khúc

Tôi vẫn gọi nhạc sĩ Đình Nghĩ là dòng sông Hương chảy ngược. Âm nhạc của ông là sự hợp hôn giữa dòng Hương và dòng K'rông Nô. Một dòng Hương day dứt, trầm lặng và một dòng K'rông Nô cuồn cuộn gió sóng, gầm gào chảy về phía thẳm xa đại ngàn.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ sáng tác Hoa Lang Biang năm 1982, nhân chuyến điền dã dưới chân núi Lang Biang. Người đầu tiên hát Hoa Lang Biang là Mơbonne Ka Thiếu, dân tộc Cil. Cô đã đem ca khúc Hoa Lang Biang tham dự Giọng hát hay Toàn quốc tại Hà Nội. Bằng giọng ca suối rừng nguyên sơ, đẫm chất hoang phiêu nhưng không kém phần hồn hậu, Mơbonne Ka Thiếu đã giành huy chương vàng, với Hoa Lang Biang. Sau này, một người con khác của núi rừng Lang Biang, ca sĩ Bonneur Trinh, cũng thể hiện khá thành công ca khúc Hoa Lang Biang.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ.

Năm 1980, Đình Nghĩ lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Lâm Đồng, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành Nhạc cụ dân tộc. Sự thay đổi nơi cư trú đó đã thôi thúc chàng trai sông Hương tìm kiếm tư duy riêng để có thể tự định nghĩa mình trong sáng tác âm nhạc, thay vì biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế. Bước ngoặt tiếp theo là việc Đình Nghĩ gặp ông Lâm Tuyền Tĩnh, một người tâm huyết với folklore đang công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng. Qua những lần gặp gỡ ấy, Đình Nghĩ nhận ra những sở học trường quy của mình đã không còn phù hợp với mảnh đất và con người Tây Nguyên. Từ đó, chàng trai sông Hương bắt đầu có ý thức tìm hiểu nhạc lý truyền thống Tây Nguyên. Đình Nghĩ lại tiếp tục lên đường đến với các bon của người Làc, người Cil dưới chân núi Lang Biang. Ở đây, chàng trai sông Hương gặp bài chiêng Pep tồr jùn, được xem như “quốc ca” của các dân tộc M’nông, Cil, Làc,... Đình Nghĩ dựa trên điệu thức của bài chiêng, viết nên ca khúc Hoa Lang Biang.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ tâm sự: “Tôi viết Hoa Lang Biang là để tặng một cô gái người Cil, ở bon Kon Đố, nương náu phía sau chân núi Lang Biang”. Cô gái người Cil mà ông nhắc, có tên Liêng Hót Ka Ben. Cuộc hạnh ngộ trong tình yêu đã đưa hai người trở thành chồng vợ. Thế nhưng, tình yêu luôn sẵn chứa những điều nghịch dị, hạnh phúc liền kề khổ đau, sướng vui đi cùng nỗi giằng xé. Một ngày nọ, tình yêu kia không còn, nguyên mẫu và tác giả ca khúc đành mỗi người mỗi ngả. Thay vì ngày xưa chân trần lên rẫy, nay sơn nữ Liêng Hot Ka Ben lại nện giày cao gót trên những đại lộ thênh thang của nước Mỹ.

Nay tất cả đã là quá khứ, nhưng ca khúc Hoa Lang Biang chưa bao giờ là dĩ vãng. Nó vẫn nồng nã vang ngân trên môi những người yêu quý con người và mảnh đất Tây Nguyên gió nắng. Cao và xa hơn, Hoa Lang Biang đã được dân ca hóa.

Một người bạn của nhạc sĩ Đình Nghĩ, cũng là nhạc sĩ công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sau khi vào Lâm Đồng tham quan, nghiên cứu thì khoe với ông bản ký âm Hoa Lang Biang, rằng mình mới sưu tầm được một bài dân ca của đồng bào Tây Nguyên. Đình Nghĩ bật thốt: “Bài này của tao, chứ dân ca đâu!”.

Hoa Lang Biang còn lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại. Con gái của ông đang theo học tại Mỹ, trong một lần về Việt Nam đã kể lại câu chuyện khá thú vị: Ở Mỹ, sau những lần hội trại hoặc liên hoan văn hóa - văn nghệ, ca khúc Hoa Lang Biang thế nào cũng được con em cộng đồng các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cất lên. Trong một lần như thế, con gái của nhạc sĩ Đình Nghĩ buột miệng: “Ca khúc Hoa Lang Biang là của bố tao đấy!”. Nghe thế, mọi người trố mắt, bảo: “Mày chỉ được cái bốc phét! Bài hát này là của dân gian truyền lại cơ mà!”.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ còn là tác giả của những ca khúc như Say trăng, Hương chiều, Bông bí vàng ngày hạ,... cũng hay không kém Hoa Lang Biang. Nhưng dù sao tôi vẫn dành sự ưu ái của mình cho ca khúc Hoa Lang Biang hơn. Bởi nó thể hiện được tâm trạng, tiếng lòng và làm tôi thấy lại thấp thoáng bóng dáng người sơn nữ chông chênh trong quá khứ của riêng mình.

TRỊNH CHU

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phia-sau-mot-ca-khuc-n181952.html