Phía sau cơn sốt đất lịch sử

BPO - Khi loạt bài viết này được khởi đăng, “cơn sốt đất” ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tạm thời hạ nhiệt. Tại các vùng quê không còn cảnh người người, nhà nhà bàn tán chuyện buôn bán đất. Tuy nhiên, cơn sốt đất lịch sử trước đó đã len lỏi, xâm nhập vào tận những vùng xa xôi, hẻo lánh. Hệ quả là đi đâu cũng thấy phân lô, bán nền và đi đâu cũng thấy làm giàu từ mô hình “trồng cây cột điện”.

Ngay sau đó, chính quyền và ngành chức năng các cấp trong tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để cơn sốt đất sớm hạ nhiệt nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế tối đa những hệ lụy mà sốt đất để lại.

Bài 1:
GIẢI MÃ CƠN SỐT

Không thể phủ nhận, bất động sản là thị trường đầy tiềm năng và đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Trong đó, phân lô bán nền đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương. Nhưng khi thị trường đang bị “méo mó” bởi những chiêu trò, gây những cơn sốt ảo chớp nhoáng, bất thường thì hệ lụy của nó để lại không hề nhỏ.

Tại Bình Phước, những năm gần đây, sốt đất xảy ra không chỉ ở khu vực trung tâm, nơi có các khu, cụm công nghiệp như thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành, Đồng Phú mà ngay cả vùng sâu, xa, thậm chí tận nơi biên giới như huyện Lộc Ninh, Bù Đốp… giá đất cũng tăng phi mã. Phải chăng giá trị bất động sản Bình Phước đã được “đánh thức” bởi các quy hoạch tiềm năng hay chỉ là những chiêu trò của môi giới bất động sản?

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Hớn Quản chấn chỉnh an ninh trật tự khi cò đất đổ xô về xã An Khương, huyện Hớn Quản năm 2021 trước thông tin quy hoạch sân bay Téc-ních

“Tạo sóng” nhờ ăn theo “thông tin vịt”

Chỉ một vài thông tin mập mờ về các dự án chưa được phê duyệt, bằng những chiêu trò “tạo sóng” của giới cò đất, đã làm cho cuộc sống vốn bình yên của những làng quê trở nên xáo trộn, thậm chí đã len lỏi và tiềm ẩn những mâu thuẫn, bất ổn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.

Đơn cử như cuối tháng 2-2021, sau khi đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi khảo sát khu vực sân bay Téc-ních tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, giới cò đất đã tạo nên “phiên chợ ảo” nhằm tạo sóng đẩy giá đất tại khu vực này lên cao gấp nhiều lần. Chị Điểu Thị Mana, người dân địa phương cho hay: Tôi sinh sống ở đây gần 40 năm, đây là lần đầu tiên được chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn ôtô ùn ùn kéo đến hỏi mua đất. Sau khi đặt cọc gom đất của người dân, cò đất chủ yếu đến từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí có cả những cò đến từ Thủ đô Hà Nội dựng lên hàng trăm sàn giao dịch bất động sản di động.

Lúc bấy giờ, cò đất tụ tập thành nhóm khoảng 5-10 người. Họ sắm một chiếc bàn nhựa cùng mấy cái ghế, sau đó dựng lên tấm bảng quảng cáo với nội dung: “Tư vấn bất động sản miễn phí”, “Bán nhà và đất khu vực sân bay”, “Bán rẫy cao su giá hợp lý”… để tạo sự chú ý và chào mời khách có nhu cầu mua đất.

Ngay lập tức, UBND huyện Hớn Quản có văn bản chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường quản lý đất đai, không để người dân mua, bán trái phép; tiếp tục nắm bắt thông tin, điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi đưa thông tin sai sự thật về quy hoạch sân bay Téc-ních.

Nhà đầu tư tranh thủ ban gạt mặt bằng để tách thửa, bán nền sau khi có thông tin quy hoạch sân bay Téc-ních ở Hớn Quản

Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Phan Thị Kim Oanh cho biết: Chúng tôi chỉ đạo các xã Tân Lợi, An Khương tăng cường quản lý chặt quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất khu vực sân bay Téc-ních; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý trường hợp xây dựng trái quy định, sử dụng đất sai mục đích, các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khu vực sân bay Téc-ních.

Trung tuần tháng 3-2022, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác Trung ương về khảo sát thực tế tại khu vực sông Mã Đà trước đề xuất xây dựng cầu Mã Đà kết nối Bình Phước và Đồng Nai. Dù mới chỉ khảo sát nhưng hàng trăm cò đất đi xe ôtô biển số các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… ùn ùn kéo về dọc tuyến ĐT753 đoạn từ Cầu Cứ, xã Tân Hưng đến ngã ba Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để lùng mua đất. Hai bên đường, cò đất đứng thành từng nhóm từ 3-5 người, tự xếp bàn, ghế ra ngồi bên lề đường chào mời “nhà đầu tư” mua đất...

Liên quan đến tình trạng sốt đất tại khu vực này, UBND huyện Đồng Phú đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất đai, hoạt động xây dựng... Đối với các trường hợp tự ý mở đường khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, sang nhượng, tách thửa quyền sử dụng đất trái phép thì lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định. Lãnh đạo UBND huyện Đồng Phú cũng chỉ đạo nơi nào để xảy ra vi phạm thì chủ tịch UBND nơi đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đây chỉ là 2 vụ việc nổi cộm mà mức độ phủ sóng vượt ra khỏi địa bàn tỉnh Bình Phước. Bởi trước đó, giới đầu tư bất động sản đã thu gom đất tại các địa phương với diện tích lớn để phân lô, tách thửa; sau đó tạo sóng, đẩy giá lên cao từ những thông tin quy hoạch khu, cụm công nghiệp, mở tuyến đường xuyên tâm, các tuyến đường tạo lực, thậm chí là cả những tuyến cao tốc… để thu về khoản lợi nhuận siêu khủng.

Hiệu ứng vết dầu loang

Từ những thông tin mập mờ, các nhà đầu tư bất động sản ùn ùn đổ về tạo sóng để đẩy giá đất lên cao. Tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, sau khi thu gom đất của người dân, cò đất với đủ chiêu trò đã đẩy giá đất lên cao và bán lại cho các nhà đầu tư để hưởng chênh lệch.

Chị Trần Thị Kim Dung ở ấp 5, xã An Khương cho biết, khu vực đường nhựa liên xã ở đây nếu đất có thổ cư, trước kia chỉ dao động 100 triệu đồng/mét ngang. Sau khi có thông tin xây dựng sân bay Téc-ních, cò đất thổi giá lên 400 triệu đồng/mét ngang. Thậm chí có lô đất với chiều rộng 20m, sâu 50m, chưa lên thổ cư, chưa có sổ sách gì cũng được thu mua với giá gần 5 tỷ đồng.

Chị Dung cho biết thêm, sau khi mua lại thửa đất có khoảng 260m mặt đường liên xã và chiều sâu khoảng 50m, với số tiền hơn 20 tỷ đồng, cò đất đã tách thành 15 lô. Trong đó, 5 lô có diện tích mỗi lô rộng 10m, sâu khoảng 50m, 100m2 thổ cư, được bán với giá 15 tỷ đồng. Đối với 10 lô có diện tích trung bình rộng 20m, sâu 50m, chưa có thổ cư, được rao bán 45 tỷ đồng. Chỉ với một phép tính đơn giản, bằng chiêu thổi giá này, trong vòng khoảng 1 tuần họ đã lãi gần 40 tỷ đồng.

Những sàn giao dịch bất động sản mọc lên chớp nhoáng tại khu vực đường ĐT753 đoạn vào khu vực cầu Mã Đà, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú

Trong khi đó, tại khu vực đường ĐT753, 1 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ về khảo sát thực tế tại khu vực sông Mã Đà, đoạn đề xuất xây dựng cầu Mã Đà kết nối Bình Phước và Đồng Nai, giá đất đã tăng lên chóng mặt. Nhiều khu vực giá đất tăng từ 30-50%, có những vị trí tăng lên gấp 2 lần nhưng người mua vẫn tấp nập. Thậm chí chỉ trong 1 ngày, có lô đất đã qua tay 2-3 chủ.

Một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại huyện Đồng Phú cho biết, anh có 10 lô đất cách đường ĐT753 khoảng 700m; diện tích mỗi lô 10mx100m, 100m2 thổ cư được rao bán 80-100 triệu đồng/mét ngang từ nhiều tháng qua nhưng không ai mua. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện sốt đất tại khu vực đường ĐT753, chỉ trong 1 ngày anh đã bán hết cả 10 lô với giá 150 triệu đồng/mét ngang.

Trước đó, đại diện UBND xã Tân Lợi cũng đã xác nhận trên tuyến ĐT753 có tình trạng sốt đất ảo. Giá đất tăng cao từ 30-50%, có những vị trí tăng gấp 2 lần chỉ sau vài ngày. Theo lãnh đạo xã Tân Lợi, qua nắm tình hình, xã nhận định có tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, nhiều người mua không nắm rõ thông tin, không xác minh pháp lý. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tài chính, tạo ra những bất ổn về thị trường và vấn đề an ninh trật tự tại địa phương.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia bất động sản, bản chất của quy hoạch là phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu rồi quy hoạch chi tiết. Thời gian qua, có nhiều dự án quy hoạch mới chỉ dự kiến hoặc đang bàn thảo; nhiều quy hoạch chưa công khai, mới chỉ rò rỉ thông tin thì các nhà đầu tư bắt đầu xuất hiện… và lúc này, người mua không tỉnh táo chắc chắn sẽ ngậm “trái đắng”.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/135595/phia-sau-con-sot-dat-lich-su