Phi công cuối cùng nào của Đức Quốc xã còn sống đến nay?

Hugo Broch là phi công chiến đấu cuối cùng của Đức từ thời Thế chiến 2 còn sống đến nay. Ông hiện 101 tuổi và từng là một trong những phi công nổi bật nhất của Không quân Đức quốc xã.

Sinh ngày 6/1/1922 tại Leichlingen, bang Nordrhein-Westfalen phía Tây Bắc nước Đức, Hugo Broch là một trong những phi công chiến đấu xuất sắc nhất của Không quân Đức quốc xã trong Thế chiến 2. Ông cũng là phi công cuối cùng còn sống trong khi nhiều đồng đội đã qua đời từ nhiều năm trước.

Phi công Hugo nhập ngũ vào năm 1940. Trong thời gia từ tháng 1/1940 - 11/1942, ông được huấn luyện tại các trung tâm đào tạo phi công của Không quân Đức quốc xã (Luftwaffe) tại các địa điểm: Marienbad, Karlsbad, Vilseck, Kamenz và cuối cùng là ở Zerbst.

Từ tháng 12/1942 tới tháng đầu tháng 1/1943, ông Hugo có 3 tuần làm phi công dự bị thuộc Phi đội 1 Không quân Dự bị ở Bussac, Pháp.

Đên ngày 6/1/1943, phi công Hugo được biên chế về làm phi công tiêm kích Fw-190 thuộc Phi đội 6, Phi đoàn Tiêm kích 54 (JG-54). Sau đó, ông tham gia chiến đấu trên bầu trời vòng cung Kursk, Oryol, Dniepr, Kiev, Zhytomyr.

Phi công Hugo lập được chiến công đầu tiên vào ngày 13/3/1943 khi bắn rơi một máy bay của Liên Xô. Từ đó cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc, phi công người Đức này đã xuất kích 324 lần, bắn rơi 81 máy bay Liên Xô.

Với thành tích này, phi công Hugo được Không quân Đức quốc xã trao tặng nhiều huân huy chương như: Huân chương Thập tự Sắt hạng II, Huân chương Thập tự Đức hạng Vàng... Đồng thời, ông cũng nhiều lần được thăng chức.

Trong đó, vào này 20/04/1945, khi cuộc chiến bước vào những ngày cuối cùng, phi công Hugo được thăng phong quân hàm Thiếu úy.

Sau khi biết Đức quốc xã đã đi đến hồi kết, ngày 8/5/1945, phi công Hugo lái máy bay tới Flensburg và đầu hàng lực lượng Anh.

Sau khi bị giam giữ 80 ngày để cơ quan chức năng Anh kiểm tra lí lịch, phi công lái máy bay chiến đấu Hugo được trả tự do. Về sau, ông chuyển tới Leverkusen sinh sống và làm việc trong một nhà máy sản xuất máy ảnh cho tới khi nghỉ hưu.

Mời độc giả xem video: Bên trong phòng ngủ bí mật của phi công và tiếp viên trên máy bay.

Tâm Anh (theo The Times)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/phi-cong-cuoi-cung-nao-cua-duc-quoc-xa-con-song-den-nay-1858493.html