Phi cơ T-7 Red Hawk - trường dạy bay trên không cho phi công F-22 và F-35 Mỹ

Những chiếc phi cơ T-7 Red Hawk siêu thanh do Boeing nghiên cứu sản xuất sẽ trở thành máy bay huấn luyện chủ lực của không quân Mỹ.

Sau gần nửa thế kỷ đảm nhận trọng trách huấn luyện trong biên chế Không quân Mỹ, cuối cùng những chiếc T-38 Talon sẽ được thay thế bằng loại máy bay huấn luyện T-7 Reb Hawk.

Được biết những chiếc T-7 Red Hawk do hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Boeing sản xuất.

Còn được biết tới với cái tên T-X, chiếc máy bay huấn luyện T-7 Red Hawk được Mỹ cùng Thụy Điển hợp tác nghiên cứu và phát triển.

T-7 Red Hawk là phản lực một động cơ dùng để huấn luyện cho các phi công tiêm kích điều khiển các loại chiến đấu cơ hiện có trong không quân Mỹ.

Giống như nhiều loại máy bay huấn luyện khác, T-7 Red Hawk bao gồm hai ghế lái trong đó có một ghế của huấn luyện viên và ghế còn lại của phi công học viên.

Chiếc tiêm kích này có kích thước rất gọn với chiều dài 14,15 mét, rộng 10 mét và cao 4 mét.

Máy bay được trang bị một động cơ GE F404 cho phép bay với tốc độ tối đa 1.300 km/h - tương đương với tốc độ siêu âm nhưng đủ "nhẹ nhàng" để không làm phi công học viên bị bất tỉnh do lực trọng trường.

Tầm hoạt động của chiếc máy bay huấn luyện T-7 Red Hawk tối đa là 1.800 km kèm theo đó là trần bay 15.000 mét và tốc độ leo cao tối đa 170 mét/giây.

T-7 Red Hawk được dự đoán sẽ là một trong những máy bay huấn luyện tốt nhất thế giới.

Dự kiến ngay trong năm 2023, những chiếc T-7 Red Hawk đầu tiên sẽ đến tay Không quân Mỹ để thay thế cho những chiếc T-38 Talon.

Không quân Mỹ dự định sẽ chi khoảng 16 tỷ USD để mua những chiếc T-7 Red Hawk.

Chủ tịch Boeing Phantom Works Darryl Davis tuyên bố: "Loại máy bay T-7 Red Hawk của chúng tôi có thiết kế hiện đại, với cánh đuôi đôi cho phép cơ động tốt hơn cánh đuôi đơn, buồng lái hai người cung cấp tầm nhìn tốt cho phi công hướng dẫn, thân máy bay dễ dàng bảo trì".

Vị chủ tịch này cho biết thêm, Boeing quyết định chọn loại động cơ GE-404 vốn là loại động cơ dùng cho máy bay chiến đấu F/A-18 để nâng cao hiệu suất hoạt động

Loại động cơ này có lực đẩy mạnh, tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả.

Hiện nay, loại máy bay huấn luyện T-50 của Hàn Quốc cũng được trang bị loại động cơ tương tự.

Ông Darryl Davis không nói cụ thể về nhiều tính năng của máy bay T-7 Red Hawk, tuy nhiên ông cho biết công nghệ bắt nguồn từ 2 loại tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet của Boeing và Gripen của SAAB Thụy Điển.

Sự phối kết hợp này có nghĩa là máy bay T-7 Red Hawk có thể tích hợp một loại công nghệ tiên tiến như khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, khả năng trang bị các hệ thống điện tử hiện đại của cả SAAB và Boeing.

Ngoài khả năng huấn luyện, T-7 Red Hawk có thể biến thành chiến đấu cơ hạng nhẹ với chỉ một vài thay đổi nhỏ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phi-co-t-7-red-hawk-truong-day-bay-tren-khong-cho-phi-cong-f-22-va-f-35-my-post553158.antd