'Phép màu' kinh tế Hàn Quốc và bài toán 'quốc gia hạnh phúc' cần lời giải

Kinh tế Hàn Quốc trải qua thời kỳ phát triển với tốc độ cao, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước này, nhưng cũng kéo theo loạt vấn đề xã hội không đơn giản cần giải quyết.

Bài học về phát triển kinh tế Hàn Quốc được xem là hình mẫu để nhiều quốc gia khác noi theo, nhưng không phải mọi thứ phía sau đều “lung linh” như phim ảnh.

Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia công nghệ cao bậc nhất trên thế giới với nền kinh tế phát triển đi kèm tỷ lệ dân số có trình độ học vấn hàng đầu.

Vậy bí quyết đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Hàn Quốc là gì?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, “phép màu kinh tế” mà chính quyền Seoul đạt được trong chưa đầy nửa thế kỷ bắt nguồn ở 3 yếu tố mang tính cốt lõi.

Đầu tiên là các nhà lãnh đạo đã mạnh dạn từ bỏ mô hình sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp.

Chính quyền đã dựa vào một số công ty gia đình được gọi bằng cái tên Chaebol, nguồn vốn khổng lồ đã được phân bổ, điều này cho phép họ phát triển rất nhanh thành các tập đoàn nổi tiếng thế giới.

Thứ hai là văn hóa giáo dục khi các tập đoàn lớn cần nhân sự có trình độ cao, bởi vậy chính quyền đã tạo điều kiện cho giáo dục đại học trở nên dễ tiếp cận và có uy tín nhất có thể.

Thứ ba và cuối cùng là văn hóa doanh nghiệp. Người dân Hàn Quốc đề cao sự chăm chỉ, đối với hầu hết công dân, công việc quan trọng hơn lợi ích cá nhân và thậm chí cả gia đình. Ngoài ra đối với một số người, ý nghĩa cuộc sống nằm ở công việc.

Có vẻ như Seoul đã xây dựng được một mô hình kinh tế đủ để đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên thực tế không phải vậy, và hiện tại người dân Hàn Quốc đang gặp phải nhiều vấn đề từ “phép màu kinh tế”.

Hiện nay Hàn Quốc có khoảng 45 Chaebol, trong đó bao gồm những tập đoàn nổi tiếng như Samsung, LG, Huyndai... Họ cung cấp khoảng 85% GDP của cả nước, mặc dù vậy lại chỉ tạo ra 10% việc làm.

Nhu cầu công việc trong nước rất cao nhưng người Hàn Quốc có trình độ học vấn tốt không muốn phải làm những công việc với mức lương thấp, không tương ứng với bằng cấp hay năng lực của họ.

Kết quả là Hàn Quốc ngày nay đang đối diện tỷ lệ thất nghiệp cao, khiến chính quyền thậm chí phải thiết lập một chương trình hỗ trợ dành cho các chuyên gia trẻ, giúp đỡ họ tìm việc làm ở nước ngoài.

Không chỉ có vậy, văn hóa doanh nghiệp ở Hàn Quốc trong những năm qua đã gây áp lực rất lớn lên những người thất nghiệp, khiến nhiều người cảm thấy bế tắc trong cuộc sống.

Thực tế trên khiến Hàn Quốc ngày nay trở thành quốc gia đối diện nhiều tình trạng đáng ngại trong đời sống xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền Hàn Quốc đang đề ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục như khuyến khích vui chơi, giảm giờ làm… nhưng hiệu quả vẫn còn rất thấp và chưa mang tới thay đổi về chất.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phep-mau-kinh-te-han-quoc-va-bai-toan-quoc-gia-hanh-phuc-can-loi-giai-post574003.antd