Phát triển TP.HCM: Tự chủ ngân sách, cơ chế đặc thù và dám nghĩ dám làm

LTS: 48 là con số của những năm tháng đổi thay Sài Gòn - TP.HCM, đó cũng là số cộng từ bao thân phận, bao buồn vui, bao ngọt ngào lẫn cay đắng không thể đếm xuể khi nhìn lại...

Trong đó có: một phụ nữ kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến, tận tụy cống hiến cho thành phố này gần trọn cuộc đời, ngay cả khi đã nghỉ hưu. Một con đường không dài nhưng đầy ký ức, từ hôm người Sài Gòn tiễn đưa cụ Phan Châu Trinh gần trăm năm trước đến nơi sản sinh những tà áo dài lộng lẫy một thời. Một diễn viên cư dân Sài Gòn băn khoăn khi đất lành bao năm giờ không còn nhiều cơ hội cho người tha phương chọn đây làm nơi lập nghiệp. Một Việt kiều trở về sống một mình ở Sài Gòn để mười năm đi từ Nam ra Bắc trồng rừng cho quê hương. Một nhà báo cựu tù Côn đảo, từ con số 21 quan chức trong số bị can của vụ án “chuyến bay giải cứu”, liên tưởng đến câu nói đầy hình ảnh về “triệu người vui, triệu người buồn” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân sự kiện 30.4 và bài học về tình nghĩa đồng bào, tình nghĩa “người trong một nước”.

6 chuyên gia vì thế đã ngồi cùng một bàn tròn thử giải bài toán phát triển cho TP.HCM khi những chỉ dấu gần đây cho thấy “đầu tàu kinh tế” nay đội sổ tăng trưởng, và trong 4 năm chỉ thu hút được 5 nhân tài.

Sự kiện khinh khí cầu kéo đại kỳ rộng 1.800m2 bay lên tại khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) và hai bên bờ sông Sài Gòn, tháng 9.2022. Ảnh: Vũ Phong

Sự kiện khinh khí cầu kéo đại kỳ rộng 1.800m2 bay lên tại khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) và hai bên bờ sông Sài Gòn, tháng 9.2022. Ảnh: Vũ Phong

* * *

Trong 40 năm, tính từ năm 1982, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng đối với TP.HCM. Đó là Nghị quyết số 01-NQ/TW (1982) về công tác của TP.HCM; Nghị quyết 20-NQ/TW (2002) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010 và Nghị quyết số 16-NQ/TW (2012) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; Nghị quyết 31 (2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cả 4 nghị quyết kể trên đều xác định vị trí và vai trò đặc biệt của TP.HCM so với các địa phương khác trên cả nước. Trừ nghị quyết lần đầu (1982) với bối cảnh kinh tế chính trị xã hội khác biệt, thì Nghị quyết 20 (2002), Nghị quyết 16 (2012), Nghị quyết 31 (2022) đều nhấn mạnh đến hai yếu tố: (1) cơ chế, chính sách, phân cấp mạnh hơn cho Thành phố, cho phép Thành phố thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không phù hợp; (2) xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa Trung ương và Thành phố.

Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây được xem là lần đầu tiên TP.HCM có khung thể chế đặc thù. Thế nhưng, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 54 đã bộc lộ những bất cập và cho thấy không gian pháp lý tự chủ cho TP.HCM vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM cần phải thay đổi cùng với sự vươn lên của các vùng miền và bối cảnh kinh tế chung đã rất khác. Trong ảnh: đoàn tàu metro (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử nghiệm, chuẩn bị cho ngày chạy chính thức dự kiến 2.9.2023. Ảnh: Trung Dung

Vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM cần phải thay đổi cùng với sự vươn lên của các vùng miền và bối cảnh kinh tế chung đã rất khác. Trong ảnh: đoàn tàu metro (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử nghiệm, chuẩn bị cho ngày chạy chính thức dự kiến 2.9.2023. Ảnh: Trung Dung

Trong hai thập niên qua, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố có xu hướng giảm từ 33% xuống còn 18% (năm 2021), và năm 2022 được điều chỉnh lên 21%. Ngân sách Thành phố được hưởng hàng năm không đáp ứng được việc phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục... UBND TP.HCM sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2023-2026 trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% như hiện nay hoặc tăng lên 23-25%.

Ngân sách và cơ chế là hai yếu tố luôn luôn được đặt ra trên mỗi chặng đường phát triển của TP.HCM, dù mỗi giai đoạn cấp độ và tính cấp thiết có khác nhau.

Nhưng, còn một yếu tố bất cập nữa mà trong 40 năm qua đều được nhấn mạnh trong các nghị quyết là vấn đề con người - lãnh đạo và bộ máy công chức của TP.HCM. Nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị đã chỉ ra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm, vì lợi ích chung của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội về phát triển Thành phố.

Khi TP.HCM có mức tăng trưởng kinh tế quý I.2023 là 0,7% (so với cùng kỳ 2022), thì những vấn đề còn tồn lưu hàng chục năm nay lại trở nên cấp thiết. Vai trò đầu tàu của TP.HCM trong nhiều thập niên giờ đây đã tụt hạng vào nhóm cuối bảng! Đây là một sự kiện đặt ra nhiều vấn đề lớn hơn là tháo gỡ hay đối phó những thách thức trước mắt.

Do đó, vấn đề phát triển của TP.HCM trong giai đoạn mới, cần đặt trong một góc nhìn tổng thể sự phát triển chung của cả nước. Vai trò “đầu tàu”, nhưng thuộc tính này cần phải thay đổi cùng với sự vươn lên của các vùng miền và bối cảnh kinh tế chung đã rất khác. Từ đó mới có các giải pháp thỏa đáng cho 3 vấn đề căn bản là: chính sách đặc thù, tự chủ ngân sách và sự năng động sáng tạo “dám nghĩ, dám làm” của bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền TP.HCM.

Trong số này, Người Đô Thị mời chuyên gia trên các lĩnh vực phân tích nguyên nhân giảm sút tăng trưởng, từ đó chỉ ra mô hình phát triển bền vững cho TP.HCM, và những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Còn tiếp...

Người Đô Thị

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phat-trien-tp-hcm-tu-chu-ngan-sach-co-che-dac-thu-va-dam-nghi-dam-lam-39334.html