Phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer (Bài 2)

Năm 2023, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó, tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra đều đạt và vượt.

Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 06/01/2023 của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... nhiều chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng, được đồng bào Khmer đón nhận.

Xem bài 1

Có thể nói, năm 2023, Trà Vinh tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước hợp lòng dân, nhất là đối với đồng bào Khmer. Thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND, ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 quy định về mức hỗ trợ đóng BHYT cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng đã được ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2025... Tỉnh ủy đã chỉ đạo đồng loạt, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đạt kết quả tích cực, khả quan.

Nhìn lại đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh giữa 02 mùa Chôl Chnam Thmây, dễ dàng nhận thấy những thay đổi toàn diện. Đó là kết quả triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ nhiều chủ trương, nghị quyết; chính sách, pháp luật. Trong đó, có Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Toàn tỉnh đã hỗ trợ nhà ở 2.418 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong các nghị quyết đã triển khai, Nghị quyết số 04 đã tạo “luồng gió” mới cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là hộ nghèo Khmer; nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện xây dựng nhà ở, “an cư lạc nghiệp”, tạo niềm tin, động lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Huyện Trà Cú, từ những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, cùng với cả hệ thống chính trị cùng XDNTM, huyện tập trung triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, trong đó có chính sách hỗ trợ nhà ở và đất sản xuất cho hộ nghèo, đời sống người dân nâng lên, hạ tầng, nhà ở dân cư ngày càng được người dân đầu tư, xây mới khang trang. Thực hiện Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND; Quyết định số 2100/QĐ-UBND, ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh, huyện đã hỗ trợ 3.522 căn nhà từ các nguồn. Đến nay, huyện có 38.437/40.431 căn nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, chiếm 95,07%.

Đồng chí Nguyễn Thanh Khiết, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè cho biết: xã có 05 ấp, với 2.441 hộ, 8.601 nhân khẩu; trong đó 5.512 nhân khẩu Khmer, chiếm 64,1%. Những năm qua, xã triển khai nhiều chủ trương hợp lòng dân, nhất là đầu tư vốn để giảm nghèo, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa chăm lo đời sống cho Nhân dân và nâng cao thu nhập; cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Hòa Ân đạt 69,230 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn 1,96%.

Năm 2023, Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai đồng loạt các chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23, 24, 25 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, về “công tác dân tộc”, về “công tác tôn giáo”... Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, quan tâm xây dựng lực lượng người có uy tín làm nòng cốt ở cơ sở thông qua các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động Ngày Vì người nghèo, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc... đã tạo sức mạnh tổng hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng.

Về chính sách dân tộc, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), tỉnh đã đầu tư xây dựng 58 công trình kết cấu hạ tầng và 06 công trình chợ, duy tu, bảo dưỡng 33 công trình, với kinh phí 99 tỷ đồng.

Song song đó, hàng loạt chính sách được triển khai, làm bật dậy đời sống của đồng bào Khmer trong tỉnh: hỗ trợ 04 hộ về đất ở, 699 hộ về nhà ở, 214 hộ phát triển sản xuất, 54 hộ nước sinh hoạt, 595 hộ vay vốn ưu đãi, kinh phí 119 tỷ đồng; phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kinh phí 143 tỷ đồng; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số 16 tỷ đồng; thực hiện bình đẳng giới 6,047 tỷ đồng; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống 2,052 tỷ đồng; truyền thông, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số 12,887 tỷ đồng; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, 240,920 tỷ đồng...

Ngoài các nguồn vốn được phân bổ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND, ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh, với số tiền 24,5 tỷ đồng; triển khai hỗ trợ 135 hộ mới thoát nghèo đã được hỗ trợ nhà ở từ nguồn Quỹ An sinh xã hội tỉnh vay thêm vốn để xây dựng nhà ở khang trang hơn theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, ngày 31/7/2023 của HĐND tỉnh, số tiền 7,930 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), năm 2023, hỗ trợ 130.079 thẻ cho các nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, người thuộc hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, với số tiền 101,7 tỷ đồng...

Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ “về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, năm 2023 tỉnh đã công nhận 430 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, thực hiện các chính sách đối với người có uy tín như: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cấp báo cho người có uy tín; thăm hỏi, động viên khi ốm đau, viếng khi mất; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành; tổ chức cho người có uy tín tham dự “Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” tại Hà Nội.

Song song đó, tỉnh kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng đã được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, đã cấp 207 thẻ BHYT cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh, số tiền 167 triệu đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống vật chất, tinh thần; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ Khmer nghèo, cận nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/phat-trien-toan-dien-vung-dong-bao-khmer-bai-2-36145.html