Phát triển thương hiệu cho sản phẩm vùng xa

Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh, nông sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là mối quan tâm lớn của HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) ở các địa phương, nhất là ở các huyện vùng xa.

Đại diện cơ sở sản xuất cà phê, ca cao Yes Win - Win (H.Tân Phú) giới thiệu, quảng bá sản phẩm của cơ sở. Ảnh: H.Hà

Đại diện cơ sở sản xuất cà phê, ca cao Yes Win - Win (H.Tân Phú) giới thiệu, quảng bá sản phẩm của cơ sở. Ảnh: H.Hà

Nhiều HTX mong muốn có thêm các hoạt động kết nối giao thương với những thị trường lớn, tiềm năng: có thêm các cầu nối để đưa sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ lớn, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để phát triển thị trường, thương hiệu cho sản phẩm.

* Quan tâm nhiều hơn tới vấn đề thương hiệu

Để xây dựng thương hiệu, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất, các chủ thể sản xuất cần sự thay đổi về tư duy, đầu tư lâu dài, bài bản hơn, đồng thời cần quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề về sở hữu trí tuệ, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.

Đại diện cơ sở sản xuất cà phê, ca cao Yes Win - Win (H.Tân Phú) Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, dù là cơ sở sản xuất ở địa phương vùng xa nhưng cơ sở luôn chú trọng vấn đề thương hiệu, sở hữu trí tuệ liên quan đến tên gọi, nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ sở còn chú trọng phát triển thị trường thông qua các kênh xúc tiến thương mại, xây dựng website quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Cơ sở mong muốn địa phương hỗ trợ, hướng dẫn để các sản phẩm cà phê, ca cao chế biến tại cơ sở đạt chuẩn OCOP, từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.

Xây dựng thương hiệu là cả quá trình đầu tư lâu dài và khó khăn, do sự quan tâm đầu tư cho thương hiệu của DN, các cơ sở sản xuất ở địa phương còn hạn chế. Điều quan trọng nhất là DN, cơ sở sản xuất ở địa phương vùng xa nhận thức về ý nghĩa, vai trò, lợi ích mà nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm mang lại để quan tâm thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, khâu quảng bá, xúc tiến thương mại đóng vai trò cầu nối giúp các sản phẩm địa phương, nhất là ở các huyện vùng xa đến gần hơn với người tiêu dùng ở các đô thị lớn, các chuỗi cung ứng, bán lẻ…

Bà Bùi Thị Thủy, chủ thương hiệu Lá Farm (H.Vĩnh Cửu) cho hay, với thế mạnh là chuỗi các sản phẩm được chế biến từ bưởi, xà phòng, tinh dầu, Lá Farm đang tập trung vào các thị trường ngách ở các thành phố, đô thị lớn. Lá Farm mong muốn địa phương tiếp tục hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất tham gia nhiều hội chợ kết nối cung cầu, qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tiềm năng…

* Cần thêm sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý

Trong tháng 11 này, Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh do Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 264 tỉnh Vũ Đình Trung làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi tắt là cuộc vận động) gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 16-3-2022 của Ban TVTU và khảo sát các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương tại các huyện Tân Phú và Định Quán.

Các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất địa phương gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và nhân sự cho hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Do đó, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cần có thêm các hoạt động hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất của địa phương tham gia tìm kiếm đối tác, khách hàng, nhất là ở các thị trường ngách, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Tân Phú Phạm Thị Lý chia sẻ, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, cạnh tranh như hiện nay, các DN, cơ sở sản xuất ở địa phương cần chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành. Nhiều DN, cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm, gắn thương hiệu với chất lượng sản phẩm. Song song đó, địa phương mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo thêm điều kiện, hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở sản xuất chuyển tải những thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại…

Tương tự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Định Quán Lê Thanh Sơn cho hay, nhiều DN, HTX, chủ thể OCOP ở địa phương mong muốn được tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường trong và ngoài tỉnh, kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, các sở, ngành liên quan cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN, HTX địa phương tham gia các chương trình Đưa hàng Việt về vùng nông thôn, các hội chợ thương mại; xây dựng, mở rộng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn… để góp phần giới thiệu, mở rộng các kênh tiêu thụ cho hàng Việt nói chung và các sản phẩm thế mạnh của địa phương nói riêng.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung nhấn mạnh, các địa phương cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các thành viên ban vận động 264 các địa phương, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tham mưu triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong triển khai, tuyên truyền về Cuộc vận động, phát huy hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nông sản trên địa bàn.

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá về cuộc vận động, tăng cường các phương án hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất hàng hóa của địa phương, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại… Qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP… trên địa bàn.

Hoàng Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202311/phat-trien-thuong-hieu-cho-san-pham-vung-xa-1f25eb0/