Phát triển thiết chế văn hóa và thể thao, đáp ứng yêu cầu hội nhập

Nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã được thảo luận, đề xuất tại Hội thảo Văn hóa 2024 ở Quảng Ninh.

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2024 ở Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" diễn ra sáng 12/5 tại Quảng Ninh, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Cùng với đó là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của hệ thống thiết chế

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hơn 2 năm cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ việc nhận thức đúng và đồng bộ đến tháo gỡ những nút thắt trong chính sách đầu tư, tránh dàn trải thiết chế văn hóa từ trung ương đến cơ sở, để có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, ông Phan Xuân Thủy cho rằng các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa.

Từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo mọi điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế.

Việc xây dựng thiết chế văn hóa phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người, bảo đảm giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, tránh đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Cùng với đó, là quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ; tăng cường quản lý nhà nước, tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Phát huy tinh thần tự lực, chủ động từ chính các đơn vị sự nghiệp thể thao

Tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng một số điểm nghẽn về chính sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang tạo nên những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.

Trong số đó cần xem xét cả chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao do đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật chung về PPP.

Ông Lê Minh Nam đề xuất tập trung đánh giá toàn diện thực trạng các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn về chính sách, pháp luật đối với hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Theo ông cần tạo nền tảng môi trường pháp lý chung thống nhất, đồng bộ, hiệu lực giúp các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai giải pháp áp dụng cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước cũng như xem xét áp dụng chính sách khuyến khích, thúc đẩy đối với các đối tượng này.

Bên cạnh đó, theo ông cần rà soát hoàn thiện quy hoạch tổng thể, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy; áp dụng các giải pháp quản trị nội bộ hiệu quả cụ thể, phù hợp với điều kiện và tình hình mới; đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.

Đồng thời, cần nghiên cứu, đánh giá nhằm phân loại, tách bạch lĩnh vực, hoạt động có khả năng thực hiện PPP hoặc phải sử dụng nguồn lực công hay theo mô hình hỗn hợp/kết hợp.

"Cần đánh giá, phân tích kỹ lưỡng để bố trí chỉ dùng nguồn lực công đầu tư cho những lĩnh vực, hoạt động mà khu vực tư không thể làm hoặc không muốn làm, đồng thời phải tính đến tránh trường hợp đưa ra triển khai PPP nhưng không thể thực hiện, hoặc triển khai được nhưng không đạt được mục tiêu đã định. Việc phân loại để xác định công-tư cũng cần linh hoạt, theo đó có thể nghiên cứu các hình thức hỗn hợp để tối ưu hóa phương án tổ chức thực hiện," Tiến sỹ Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục

Đề cập vấn đề huy động nguồn lực xã hội trong sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết một thuận lợi quan trọng đối với Thành phố là Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Việc này mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, để đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu bế mạc Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Nghị quyết số 98 đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế thành phố, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có để vượt lên, bứt phá và phát triển.

Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án theo hình thức PPP vẫn còn là thí điểm. Quá trình triển khai thực hiện cần có sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương để đạt được mục tiêu đề ra.

Chẳng hạn việc thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục các bước thực hiện dự án của Luật PPP và rất nhiều quy định pháp luật khác.

Ước tính, thời gian thực hiện một dự án PPP tối thiểu khoảng 3 năm, trong khi yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian thực hiện ngắn, sớm đưa công trình vận hành, kinh doanh đầu tư, phát triển hoạt động dịch vụ.

Đáng chú ý, việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 98 của các bộ, ngành có liên quan chưa kịp tiến độ đề ra, do đó, Thành phố chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98 của Quốc hội cũng như phát triển các thiết chế văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục báo cáo Quốc hội bổ sung, chỉnh sửa Luật PPP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án.

Điều này sẽ tạo điều kiện kích cầu đầu tư, phát triển thiết chế văn hóa và thể thao, làm cơ sở nhân rộng, phổ biến phạm vi áp dụng trong cả nước.

Cần có một bộ luật liên quan đến lĩnh vực thiết chế văn hóa, thể thao

Phát biểu kết luận, khái quát một số vấn đề chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ hội thảo ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao đồng thời chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

Hội thảo đã nhận định, thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao,” “cơ sở văn hóa, thể thao” làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước.

"Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công-tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển," Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của nhân dân; bố trí quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi. Đồng thời, bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng thiết chế văn hóa, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội nên cần các bộ tiêu chí đánh giá, xác định để đưa vào quy hoạch ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, cơ sở.

Theo Phó Thủ tướng, cần có một bộ luật liên quan đến lĩnh vực thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như chương trình mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội vào xây dựng lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-thiet-che-van-hoa-va-the-thao-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-post946952.vnp