Phát triển tam nông - Kế sách 'sâu rễ bền gốc' - Bài cuối: Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh

Một trong 5 quan điểm lớn được xác định trong Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh. Đây cũng là mục tiêu, đích đến trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng ta.

Bài 1: Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế
Bài 2: Nông dân - Trung tâm phát triển nông thôn

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Nhằm xây dựng hạ tầng nông thôn từng bước đồng bộ, hiện đại, tỉnh đã huy động và tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, điện, nước sạch, viễn thông, các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại...

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin; bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Đến nay, tổng số đường thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt gần 3 nghìn km, đạt tỷ lệ 73,82%. Tỉnh phấn đấu hết năm 2022 hoàn thành nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã nhưng đến nay, mục tiêu này đã hoàn thành. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh dự kiến có 61 xã triển khai đầu tư xây dựng đường trục chính qua trung tâm xã, các khu đông dân cư có điều kiện được đầu tư xây dựng với quy mô theo hướng đường đô thị. Hiện nay đã có 41/61 xã đã có trong các chương trình, dự án thực hiện.

Diện mạo nông thôn mới nâng cao tại xã Ninh Lai (Sơn Dương). Ảnh: K.T

Không chỉ có giao thông, những năm qua, tỉnh còn chú trọng đầu tư thiết chế văn hóa, các công trình trạm y tế xã, trường học, hệ thống thủy lợi, hạ tầng thương mại, điện. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 121/122 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 118/122 xã đạt tiêu chí điện, 59/122 xã đạt tiêu chí trường học, 69/122 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 118/122 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 111/122 xã đạt tiêu chí y tế, 61/122 xã đạt tiêu chí nhà ở.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn như phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời tạo điều kiện phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá nông sản nhằm tăng cức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Về xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) những ngày này, trên khắp các cánh đồng đều thấy cảnh nông dân tấp nập thu hoạch gấc, bí, dưa chuột. Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn là mục tiêu xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền xã trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện nay, xã đã xây dựng được hai chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm gấc và dưa chuột; có 5 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Xã đã có sản phẩm thịt trâu khô đạt sản phẩm OCOP 3 sao và đang tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP đối với long nhãn và dầu gấc. Ngoài ra, xã Vinh Quang phấn đấu xây dựng thêm chuỗi liên kết chăn nuôi lợn bởi tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn ở Vinh Quang hiện nay và trong tương lai rất lớn.

Mô hình trồng gấc liên kết của người dân xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII đề ra là thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 lần trở lên so với năm 2020. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã xác định cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa. Đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân vùng nông thôn.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Trong chuyến công tác lên với Tuyên Quang, nhiều lần Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Tuyên Quang cần khai thác và phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực, trong đó có bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Thực tế ở các địa phương cho thấy, nông thôn chính là không gian sáng tạo, trao truyền, phát huy bản sắc văn hóa và các giá trị văn hóa. Người nông dân chuyên nghiệp không chỉ làm chủ công nghệ sản xuất mà cần trọng nghĩa tình đạo lý, có khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu chính đáng. Do đó những giá trị đạo đức như uống nước nhớ nguồn, kính già yêu trẻ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tình làng, nghĩa xóm... vẫn là những giá trị cần được tiếp tục nhân lên trong thời gian tới ở các địa phương. Các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm xây dựng cảnh quan, kiến trúc nông thôn như đình, đền, chùa, miếu mạo, danh thắng, di tích lịch sử để trở thành điểm nhấn cho khung cảnh làng quê, nông thôn.

Ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn), nhiều nông dân đã đầu tư mô hình tưới bán tự động trên diện tích canh tác rau màu,
tiết kiệm thời gian và sức lao động.

Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn với thành thị, tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống cũng là giải pháp quan trọng nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa ở nông thôn.

Các phong trào: “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng đường quê”, “5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thời gian qua được triển khai sôi nổi ở nhiều nơi, góp phần hình thành nên nhiều thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa song cần tiếp tục được nhân rộng những mô hình hay để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh là mục tiêu xuyên suốt của Đảng trong các nghị quyết về tam nông. Các cấp ủy đảng cần thấm nhuần về mục tiêu lâu dài, chiến lược này để lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-tam-nong-ke-sach-sau-re-ben-goc-bai-cuoi-xay-dung-nong-thon-hien-dai-phon-vinh-165202.html