Phát triển sản phẩm OCOP trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP. Trong đó, 09 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 38 sản phẩm 4 sao, 137 sản phẩm 3 sao; của 118 chủ thể: 72 hộ kinh doanh, 20 công ty, 05 doanh nghiệp (DN), 19 hợp tác xã (HTX) và 02 tổ hợp tác.

Khách hàng tìm hiểu tại cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP trên đường 19/5, thành phố Trà Vinh. Ảnh: BÁ THI

Với những kết quả đạt được và trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng, nhất là nguồn nguyên liệu, qua đăng ký từ các địa phương, Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh (Ban Chỉ đạo) đề ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2023, toàn tỉnh có thêm 114 sản phẩm OCOP - đây là thách thức không nhỏ.

Song xác định tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trong phát triển kinh tế, đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Trong đó, vai trò của cơ sở là quyết định, nhất là nguồn nguyên liệu của từng sản phẩm đăng ký. Đồng thời, thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách; tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra trên tinh thần chắc, bền vững. Trong đó, quan tâm hỗ trợ những xã, phường chưa có sản phẩm OCOP.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 14/4, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Càng Long tổ chức khai trương cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản của tỉnh tại ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước.

Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Huỳnh Công Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long khẳng định: cửa hàng có 82 loại sản phẩm của 38 DN tham gia; trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện ký gởi. Ban Chỉ đạo huyện tin tưởng cửa hàng sẽ hoạt động hiệu quả… Trên cơ sở đó, năm 2023, Càng Long đăng ký 03 sản phẩm OCOP; huyện sẽ tập trung hỗ trợ các sản phẩm chất lượng và giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường...

Tiềm năng, thế mạnh của địa phương để “định hướng” xây dựng và hướng đến đạt sản phẩm OCOP hiện còn rất lớn, nhưng 184 sản phẩm được công nhận vẫn còn “xã trắng” sản phẩm OCOP. Xác định vai trò, vị trí của phát triển sản phẩm OCOP có tác động đến phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân cũng như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, hướng tới sản xuất chuyên nghiệp và phát triển bền vững góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021-2025 nhiều địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện.

Đồng chí Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết: toàn xã có 893 cơ sở thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm cho 1.123 lao động tại địa phương, tuy nhiên hiện tại xã Ngũ Lạc chưa có sản phẩm OCOP. Năm 2023, Đảng bộ xã xác định phát triển sản phẩm OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó xã Ngũ Lạc đăng ký 04 sản phẩm: mít sấy, bí đao của HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc (ấp Rọ Say); bánh bông lan, bánh kem của hộ Hứa Thị Mỹ Nga (ấp Rọ Say); tôm khô, khô cá kèo và chả cá măng, hộ Lâm Thị Nga (ấp Cây Da); 04 sản xã đăng ký đều có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Thông tin từ lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, năm 2023, với nhiệm vụ được giao, ngành sẽ tập trung xây dựng sản phẩm OCOP cho 12 sản phẩm của 09 HTX: xoài cát chu, HTX xoài cát chu An Lộc; măng Tây xanh, bưởi da xanh, HTX nông nghiệp Xuân Thành; nước màu dừa, than gáo dừa không khói, HTX nông nghiệp Ngãi Hùng; măng cụt, mứt chuối tá quạ, HTX nông nghiệp Tân Qui; trái gấc sạch, HTX gấc Hòa Phú; Gạo ST25, HTX nông nghiệp Phước Hảo; mắm tép đu đủ, HTX nông nghiệp Sa Bình; sò huyết thịt, HTX thủy sản Đoàn Kết; chanh dây hữu cơ, HTX nông nghiệp Thành Chí.

Với định hướng rõ ràng: phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của địa phương, năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện xây dựng phát triển sản phẩm OCOP trên các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, gắn với xây dựng quy trình phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất. Đồng thời, phối hợp với địa phương, các đơn vị sản xuất, HTX về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới dây chuyền công nghệ trong chế biến bảo quản các sản phẩm, tham mưu đề xuất tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-ocop-tren-tiem-nang-the-manh-cua-dia-phuong-28617.html