Phát triển OCOP từ 02 sản phẩm

Đó là sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB). Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 15/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực đến năm 2030; Đề án 'Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020' (tại Quyết định số 1905/QĐ-UBND, ngày 27/9/2018); Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 13/4/2022 của Tỉnh ủy 'về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh' đã tạo 'đòn bẩy', góp phần phát triển kinh tế, nhất là phát huy tiềm năng và thế mạnh.

Ông Hồ Tuấn Lộc (bìa trái), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Biển Xanh giới thiệu quá trình chuẩn bị để khai trương cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, CNNTTB tại thị xã Duyên Hải.

Phát triển sản phẩm OCOP bằng tiềm năng và thế mạnh

Hiện toàn tỉnh có 226 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 179 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 79%; có 38 sản phẩm 4 sao, chiếm 16,8%; có 03 sản phẩm 5 sao, chiếm 1,3%; có 06 sản phẩm tiềm năng 5 sao, chiếm 2,7%, của 152 chủ thể: 22 công ty, 06 doanh nghiệp, 27 hợp tác xã, 02 tổ hợp tác và 95 hộ kinh doanh.

Phát triển sản phẩm OCOP, chủ thể luôn chủ động; sở, ngành hỗ trợ. Thực tế này đã phù hợp với mục tiêu của Chương trình OCOP, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và tăng giá trị, thúc đẩy lộ trình XDNTM. Phát huy vai trò và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xem Chương trình OCOP là quan trọng, cần thiết. Trong đó, Nhà nước có vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý, chính sách để định hướng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa, phát triển dịch vụ; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Thành công đó là nhờ sự quan tâm của các sở, ngành tỉnh và địa phương. Giai đoạn 2019 - 2023, các sở, ngành tỉnh tổ chức 93 lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng kinh doanh, xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực cán bộ tham gia Chương trình OCOP, về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… Ngoài ra, các đoàn thể đã lồng ghép tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên và địa phương 77 lượt chuyên đề và 37 hội nghị, tọa đàm có liên quan.

Nói về vai trò chủ thể chủ động, ông Hồ Tuấn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Biển Xanh là chủ thể của sản phẩm OCOP: nước khoáng thiên nhiên Sao Biển - STARFIWA 4 sao, chia sẻ: thị xã Duyên Hải là vùng biển mặn, nhưng có tiềm năng về nước ngầm, nước nóng... với quyết tâm chủ động, cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, thị xã Duyên Hải, Công ty có sản phẩm OCOP 04 sao, hiện có thị trường rộng, làm hài lòng người tiêu dùng.

Dấu ấn mạnh nhất về phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh đã hỗ trợ và tổ chức khai trương cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, CNNTTB tại Công ty Cổ phần thực phẩm Biển Xanh (cửa hàng nước khoáng Sao Biển - Starfiwa), Khóm 1, Phường 1, thị xã Duyên Hải, có gần 60 loại sản phẩm của 39 chủ thể, doanh nghiệp tham gia. Trong đó, 80% là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và 20% sản phẩm CNNTTB.

Cửa hàng hoạt động, nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB và sản phẩm đặc sản của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường thông qua các chương trình, đề án phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại; tạo kênh phân phối bền vững, giải quyết khâu tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch gắn với kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm OCOP.

Sản phẩm CNNTTB, kích cầu phát triển kinh tế nông thôn

Năm 2023, tỉnh tổ chức công nhận sản phẩm/bộ sản phẩm CNNTTB lần thứ VI, có 57/77 sản phẩm, bộ sản phẩm của 43/60 cơ sở công nghiệp nông thôn đạt sản phẩm CNNTTB. Đây là một trong những chương trình quan trọng trong tiến trình phát triển công nghiệp nông thôn, nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, nhiều tiềm năng, giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

Xác định tầm quan trọng đó, qua 10 năm thực hiện, số lượng và chất lượng sản phẩm CNNTTB của tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, lần thứ I (năm 2012), có 19 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh và 03 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; lần thứ II (năm 2014), có 28 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 47,3% so với năm 2012) và 01 sản phẩm đạt cấp khu vực; lần thứ III (năm 2016), có 41 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 46,5% so với năm 2014) và 03 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; lần thứ IV (năm 2018), có 57 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 39,02% so với năm 2016) và 04 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; lần thứ V (năm 2020), có 67 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 13,56% so với năm 2018) và 15 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực.

Ông Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: đến nay, toàn tỉnh có 10 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia: năm 2015, có 01 sản phẩm; năm 2017, có 03 sản phẩm, bộ sản phẩm; năm 2019, có 02 sản phẩm, bộ sản phẩm; năm 2021, có 04 sản phẩm, bộ sản phẩm; năm 2023, có 04 sản phẩm: Nước cốt dừa cấp đông của Công ty Cổ phần Trà Bắc (thành phố Trà Vinh); Bánh tráng IMEXTRAVINH của Công ty Lương thực Trà Vinh; Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng) của Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú và Nước khoáng thiên nhiên đóng chai “Sao Biển” của Công ty Cổ phần Biển Xanh (thị xã Duyên Hải).

Trên thực tế, các sản phẩm đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; kinh tế - kỹ thuật; xã hội và môi trường; văn hóa, thẩm mỹ. Đặc biệt, những sản phẩm của tỉnh đã tạo dấu ấn riêng: khai thác lợi thế vùng nguyên liệu, đặc trưng của tỉnh và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Thay lời kết

Từ 02 dòng sản phẩm, đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh. Năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt ước đạt 31.188 tỷ đồng (giá so sánh 2010), vượt 3,44% kế hoạch, tăng 3,15% so cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp 19.078 tỷ đồng, vượt 5,07% kế hoạch; lâm nghiệp 262,45 tỷ đồng, đạt 97,36% kế hoạch; thủy sản 11.847 tỷ đồng, vượt 1,07% kết hoạch. sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh từ các loại cây trồng, vật nuôi; tăng cường áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao và mã số vùng trồng.

Về sản xuất công nghiệp, tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 35.367,748 tỷ đồng, đạt 104,44% kế hoạch, tăng 12,06% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục phục hồi, tăng 2,05%, hầu hết các sản phẩm lĩnh vực này đều đạt kế hoạch, một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng tăng 22,37% do các nhà máy điện được huy động trở lại từ tháng 4/2023; công nghiệp khai khoáng tăng 13,74% và công nghiệp cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 12,67%.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/thuong-mai-dich-vu/phat-trien-ocop-tu-02-san-pham-34068.html