Phát triển nhãn hiệu chứng nhận An Giang

Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) 'An Giang' là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang, trên cơ sở áp dụng quy trình, quy chuẩn theo hướng an toàn; được cơ quan chức năng kiểm soát về an toàn và chất lượng. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tích cực triển khai phát triển NHCN này, đạt nhiều kết quả.

Năm 2023, Sở KH&CN phối hợp phòng kinh tế/kinh tế - hạ tầng cấp huyện vận động, tuyên truyền tổ chức, cá nhân có sản phẩm phù hợp tham gia sử dụng NHCN An Giang. Qua đó, trao quyền sử dụng cho 31 tổ chức, cá nhân, gồm các sản phẩm: Nấm rơm; dưa lưới; cá lóc; gạo tẻ; nấm bào ngư; nấm linh chi; nước ép dâu tằm, mắm, khô cá các loại; trà linh chi túi lọc; gạo; nếp; rau thủy canh; nấm mối đen, đông trùng hạ thảo sấy; xoài cát Hòa Lộc; lúa giống; yến sào. Trong số này, có 17 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, 4 sao; được xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chú trọng phát triển đối với sản phẩm OCOP

Đặc biệt, Sở KH&CN hỗ trợ gần 300.000 tem NHCN cho đơn vị được trao quyền sử dụng; biên tập 2.000 tờ bướm, 20.000 sổ tay NHCN nhằm quảng bá, khuyến khích tham gia sử dụng NHCN An Giang. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, website; đưa sản phẩm mang NHCN An Giang vào siêu thị; tham gia sự kiện trong và ngoài nước.

Quá trình triển khai, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh nhận thức giá trị của NHCN An Giang, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của tỉnh, chất lượng, giá trị, tạo dựng uy tín cho sản phẩm của mình và chủ động nộp hồ sơ đăng ký để được cấp quyền sử dụng NHCN.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng An Giang Lê Thái Định cho biết: “NHCN An Giang đã phát huy giá trị, tạo được uy tín và đem lại sự tín nhiệm cho người tiêu dùng. Vì khi được cấp giấy trao quyền sử dụng NHCN An Giang, các quy trình sản xuất của cơ sở đã có sự công nhận về độ an toàn, chất lượng, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực”.

Sở, ban, ngành tỉnh thường xuyên đăng tải thông tin NHCN An Giang trên website cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm mang NHCN An Giang. Liên quan triển khai chuỗi sự kiện chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Sở KH&CN tổ chức phiên kết nối cung cầu công nghệ, trưng bày trực tiếp 40 gian hàng của 37 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (thiết bị công nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm được cấp NHCN An Giang).

Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Kim Long chi nhánh An Giang (xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn) Nguyễn Phi Thòn cho biết: “Nhận thấy việc tham gia NHCN An Giang rất có ích, nâng giá trị thương hiệu cho sản phẩm, nên chúng tôi sẵn sàng tham gia. Trước mắt, công ty tham gia để đạt chứng nhận trên 5 loại rau thủy canh (đã đạt chuẩn OCOP 3 sao). Hiện, công ty có thêm 9 loại rau hữu cơ trồng thủy canh (đã được chứng nhận GlobalGAP), tới đây sẽ tiếp tục tham gia để đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được công nhận NHCN An Giang”.

Vận động, tuyên truyền, phát triển nhãn hiệu chứng nhận An Giang

Anh Nguyễn Hùng Sinh (Hộ kinh doanh sản xuất, chế biến nấm linh chi Tri Thức, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Từ năm 2019, sản phẩm nấm linh chi của cơ sở đã được cấp NHCN An Giang, đến năm 2023 gia hạn lại. Sau khi tham gia NHCN An Giang, giá trị, uy tín sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ rộng mở, nên hiệu quả sản xuất - tiêu thụ của chúng tôi tăng lên 50%. Hiện, bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất hơn 60kg nấm linh chi khô. Từ hướng dẫn của Sở KH&CN, tôi sẽ tham gia NHCN An Giang cho sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo”.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển NHCN An Giang còn một số hạn chế, như: Chưa xúc tiến được sản phẩm mang NHCN An Giang vào hệ thống siêu thị lớn. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô hoạt động nhỏ lẻ, thiếu nhân lực và yếu về vốn; logo NHCN An Giang là tem dán decal thủ công, chưa phù hợp với một số doanh nghiệp có quy mô lớn... nên đề xuất cho phép cơ sở in tem nhãn trên hộp, bao bì.

Thực tiễn việc giới thiệu, quảng bá, phát triển sản phẩm mang NHCN An Giang đã thu nhiều kết quả khả quan, giúp cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Chính vì những lợi ích thiết thực này thu hút cơ sở tiếp tục sử dụng, bảo vệ và phát triển thương hiệu An Giang trong thời gian tới. Sở KH&CN sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, phát triển NHCN An Giang cho một số sản phẩm tiềm năng của tỉnh.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-nhan-hieu-chung-nhan-an-giang-a394749.html