Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Dự kiến vào ngày 4/5 tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) sẽ diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề 'Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự kiện dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…; lãnh đạo các tỉnh/thành phố, các Viện, Trường cùng với chuyên gia của Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia sẽ cùng thảo luận bức tranh nguồn nhân lực bán dẫn trên thế giới, nhu cầu nhân lực bán dẫn trên toàn cầu cũng như nhu cầu nhân lực để góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)... Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới khi: có nguồn nhân lực khá phù hợp với đội ngũ nhân sự trẻ có năng lực về khoa học và toán học; các công ty công nghệ trong nước ngày càng lớn mạnh, các Tập đoàn lớn quốc tế dịch chuyển sản xuất về Việt Nam, dần đào tạo nguồn nhân lực ở những khâu giá trị cao và nắm bắt công nghệ mới; Chính phủ có quyết sách phát triển ngành

Sau hơn 20 năm phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế chip, trong khi đó ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư mỗi năm và thực tế hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Để phát triển đội ngũ nhân lực ngành bán dẫn đạt mục tiêu 50.000 kỹ sư đến năm 2030 cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là: Chính phủ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn và các viện nghiên cứu, trường đại học để triển xây dựng, triển khai Đề án.

Hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, Phenikaa chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc đầu tư mang tầm chiến lược: Thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, hướng tới việc đào tạo nhân lực chất lượng cao (upskill); ra mắt công ty spin-off hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch; đồng thời, Trường Đại học Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm 2024-2025.

Việc các ttập đoàn nội địa có nền tảng vững chắc như Phenikaa bước chân mạnh mẽ vào lĩnh vực bán dẫn được kỳ vọng có thể góp phần thúc đẩy ngành về ngắn và trung hạn - ươm tạo tài năng, cung cấp nguồn kỹ sư chất lượng cao có thể làm việc ngay tại Việt Nam, khu vực và thế giới; về dài hạn – thúc đẩy gia tăng đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư, làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh.

Ông Robert Li – Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khu vực Đài Loan và Đông Nam Á – Synopsys - đánh giá: “Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn hiện là trung tâm có cơ sở vật chất lớn, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, với các hệ thống ảo hóa chip ZeBu 4, ZeBu 5, HAPS, server kèm theo và các phần mềm thiết kế Chip tiên tiến nhất”.

Theo ông Lê Anh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa, trong công nghệ, phần mềm và phần cứng luôn gắn liền cùng với nhau trong mọi thiết bị để tạo ra một giải pháp hoàn chỉnh. Vì vậy, việc có thêm phần thiết kế vi mạch giúp hoàn thiện Hệ sinh thái Phenikaa vững mạnh hơn. Thêm vào đó, ngoài việc liên quan đến thiết kế như mô phỏng (simulation), giả lập (emulation), Phenikaa còn liên kết với các công ty hàng đầu thế giới về vi mạch để thực hiện việc sản xuất thử (tape-out). Chương trình đào tạo sẽ được các công ty vi mạch cũng như trường đại học đào tạo về vi mạch hàng đầu thế giới hỗ trợ đồng hành để những học viên có đủ năng lực có thể được tuyển dụng đi làm trong hoặc sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-ban-dan-viet-nam-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau-316701.html