Phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng

(Baoquangngai.vn)- Với nhiều làng quê yên bình, trù phú, du lịch nông thôn đã trở thành thế mạnh sẵn có của Quảng Ngãi. Nhiều địa phương khéo léo kết hợp giữa nghề truyền thống và du lịch cộng đồng, qua đó giúp gười dân vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa được nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem video:

Người dân ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) gắn bó với nghề trồng rau từ nhiều đời qua. Với diện tích hơn 12ha rau, An Mô được biết đến là nơi sản xuất rau sạch, không sử dụng hóa chất độc hại. Những thửa ruộng xanh mướt, đầy ắp những loại rau củ quả như: Mướp, bí, cà chua, cải xanh, rau muống... tạo nên một bức tranh nông thôn tươi đẹp và sinh động.

Vườn rau An Mô tại xã Đức Lợi (Mộ Đức).

Tận dụng lợi thế này, người dân nơi đây xác định du lịch nông thôn là loại hình du lịch đầy tiềm năng. Gia đình anh Huỳnh Tiến Dũng và các hộ dân nơi đây đều tuân thủ 5 "nguyên tắc vàng”: Không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ. Nhờ vậy, các sản phẩm làm ra thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và giảm được chi phí sử dụng phân bón.

“Tuy việc sản xuất rau theo quy trình hữu cơ vất vả hơn, thời gian sinh trưởng của rau dài hơn và sản phẩm rau trông có vẻ không đẹp mắt nhưng bù lại bán được giá cao hơn. Với 1,2ha diện tích trồng rau của gia đình, phương pháp trồng rau theo chuẩn VietGAP đã giúp tôi thu lợi cao hơn 1,5 - 2 lần so với cách trồng truyền thống. Trồng rau sạch nên ngày càng có nhiều khách du lịch đến tham quan, thu nhập chúng tôi càng được cải thiện, nên ai nấy đều đồng thuận và làm theo”, anh Dũng hào hứng chia sẻ.

Đồng rau An Mô yên bình với màu xanh mướt thu hút du khách đến tham quan.

Năm 2023, có hơn 1.000 lượt khách đến trải nghiệm, tham quan cách làm rau sạch hữu cơ của người dân An Mô. Chị Phạm Thu Hà đến với làng rau An Mô chia sẻ, tôi rất thích không khí trong lành, xanh mát của làng quê này. Cảm giác rất yên bình, khác hẳn với sự nhộn nhịp của thành phố. Đến đây tôi được tìm hiểu về cách làm rau hữu cơ của người dân địa phương và được thưởng thức những món ăn dân dã. Một trải nghiệm rất thú vị!

Du lịch phát triển đã giúp thay đổi nhận thức của người dân. Trưởng ban Giám sát HTX Nông nghiệp Đức Lợi Mai Tân cho biết, thôn An Mô và nhiều nơi khác ở địa phương đã thành lập các tổ Ngày chủ nhật xanh. Người dân cùng nhau dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc diện mạo nông thôn ngày càng sạch đẹp, tươm tất nhằm níu chân khách du lịch.

Xem video:

Thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) có gần 15 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân giữ gìn và phát triển nghề nuôi tằm gắn với du lịch trải nghiệm, quảng bá hình ảnh làng nghề. Năm 2023, có hơn 4.000 lượt du khách đến tham quan thôn Bình Thành.

Hơn một năm trở lại đây, cơ sở nuôi tằm của gia đình bà Võ Thị Thu An đón hàng trăm lượt du khách đến thăm quan, chụp ảnh. Trong quá trình trải nghiệm đó, con tằm chín đã trở thành một trong những món hàng được tiêu thụ khá nhiều để làm quà cho du khách thăm quan, người nuôi tằm trong thôn lại có thêm một nguồn thu nhập.

Bà An cho hay, với diện tích hơn 5 sào, bà An trồng cây dâu, xen với cây ăn quả. Bình quân hàng tháng bà thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa 35 - 40 ký kén tằm, giá bán hiện nay 170 nghìn đồng - 180 nghìn đồng/kg kén. Trừ chi phí mỗi tháng gia đình bà An thu về trên 6 triệu đồng.

“Nghề trồng dâu nuôi tằm đã gắn bó với làng quê Bình Thành từ cách đây hơn 30 năm. Thu nhập từ nghề này rất tốt. Giờ có thêm việc phát triển du lịch, khách đến tham quan ngày càng đông. Chúng tôi càng có thêm thu nhập nên rất phấn khởi”, bà An chia sẻ.

Bà An chuẩn bị thức ăn để học sinh được trải nghiệm tự tay cho tằm ăn.

Du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về nghề nuôi tằm.

Cuộc sống người dân Bình Thành khấm khá hơn từ khi phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống.

Từ ngày có du lịch cộng đồng thì đời sống người dân Bình Thành dần thay đổi. Hình ảnh quê hương trù phú, thanh bình được nhiều người biết đến. Thu nhập từ cây ăn quả hàng năm, từ nghề trồng dâu nuôi tằm và cả từ khách du lịch đã giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Huỳnh Văn Toàn cho biết, địa phương đã hỗ trợ người dân thực hiện 7,8ha trồng dâu để nuôi tằm, vừa tạo việc làm cho người dân vừa phục vụ phát triển du lịch tham quan làng nghề. “Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giúp người dân tận dụng được đất đai, sức lao động, có thu nhập ổn định. Cùng với đó, ý tưởng phát triển du lịch trải nghiệm tại làng nghề cũng rất phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của địa phương”, ông Toàn chia sẻ.

Nhìn từ các mô hình thành công có thể thấy, khi người dân thu được lợi ích từ hoạt động du lịch, dịch vụ thì bản thân họ sẽ tự giác tham gia một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để phát triển làng nghề gắn với du lịch một cách bài bản và lâu dài, cần có sự đầu tư hơn nữa, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách và phải được nhận diện một cách cụ thể. Mặt khác, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc ủng hộ cũng là “đòn bẩy” để nghề truyền thống được phát triển và nâng tầm.

Thực hiện: T.PHƯƠNG – T.NHÀN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202404/phat-trien-nghe-truyen-thong-gan-voi-du-lich-cong-dong-b936a06/