Phát triển, mở rộng trồng dược liệu giúp nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo

Những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, trong đó có diện tích trồng cây dược liệu.

Với địa hình rộng lớn, vùng khí hậu đa dạng là điều kiện thuận lợi để các loại cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Nhờ đó, tiềm năng lợi thế của vùng và thu nhập của người dân đã từng bước được nâng cao.

Được xác định là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu, thời gian gần đây người dân các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động khai thác thế mạnh này để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, nhiều Hợp tác xã (HTX) được thành lập và tham gia sản xuất, tiêu thụ dược liệu, hình thành các chuỗi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nhất là ở khu vực miền núi.

Tiêu biểu như HTX Dược liệu Pù Luông đang thực hiện liên kết với 160 hộ dân của hai huyện Bá Thước và Cẩm Thủy để sản xuất dược liệu với tổng diện tích 55 ha.

Thanh Hóa đã chú trọng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, trong đó có diện tích trồng cây dược liệu.

Thanh Hóa đã chú trọng mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, trong đó có diện tích trồng cây dược liệu.

Ông Trương Công Thứ, thôn Dầu Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình chúng tôi trồng cây chè đắng có hiệu quả, đang mở rộng diện tích để cung cấp cho HTX, giúp tăng thêm thu nhập".

Từ chỗ chỉ trồng để sử dụng trong gia đình, cây chè đắng của gia đình ông Trương Công Thứ, thôn Giàu Cả, xã Lương Ngoại (Bá Thước) đã trở thành cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao khi được HTX Dược liệu Pù Luông liên kết bao tiêu sản phẩm. Ông Thứ cho biết: Năm 2022 sau khi HTX Dược liệu Pù Luông triển khai thu mua cây chè đắng, gia đình tôi đã mở rộng diện tích sản xuất lên gần 1.000 m2 trong vườn nhà.

Sau 8 tháng nhân giống, cây chè đắng cho thu hoạch. Sản lượng khoảng 4 tấn, doanh thu hơn 8 triệu đồng. Hơn nữa, loại cây trồng này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và công chăm sóc, lại có thể lưu gốc nhiều năm, nên phù hợp với điều kiện sản xuất của đa phần người dân. Nhờ liên kết bền vững với HTX, gia đình tôi và nhiều hộ tại địa phương đang triển khai mở rộng diện tích sản xuất, đưa cây chè đắng thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông cho biết: HTX đã tìm kiếm và đấu mối với một số công ty dược cung ứng khoảng 5.000 tấn dược liệu/năm. Do đó, nhu cầu dược liệu của HTX rất lớn, đây chính là điều kiện để HTX tiếp tục liên kết với người dân, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.

Diện tích sản xuất cây kim ngân làm dược liệu của hộ gia đình xã Đông Hoàng (Đông Sơn).

Diện tích sản xuất cây kim ngân làm dược liệu của hộ gia đình xã Đông Hoàng (Đông Sơn).

Là một trong những hộ điển hình của xã Đông Hoàng (Đông Sơn) trong thực hiện tích tụ tập trung đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chị Nguyễn Thị Nước, thôn Thọ Phật đã phát triển được 8 ha cà gai leo, kim ngân cho hiệu quả kinh tế cao.

Được biết từ năm 2016, gia đình chị Nước đã nhận thầu diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế của xã để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng cây dược liệu. Bắt đầu với cây cà gai leo, nghệ, gia đình chị nhận thấy hiệu quả kinh tế vượt trội.

Từ đó, gia đình không ngừng mở rộng diện tích, đa dạng hóa các loại cây trồng. Đến nay, mô hình sản xuất của gia đình chị Nước đạt 8 ha, với các loại cây dược liệu như: Cà gai leo, kim ngân, nghệ... Trong đó, có 5 ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 30 tấn dược liệu/năm, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Sự bền vững của mô hình sản xuất cây dược liệu của gia đình chị Nguyễn Thị Nước chính là đã hình thành được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn để tiêu thụ cà gai leo.

Mặc dù cây dược liệu không được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, nhưng đã và đang được phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập cho người dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha cây dược liệu ngắn ngày như: Cà gai leo, sâm báo, ngải cứu... và khoảng 94.000 ha cây dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng vùng dược liệu được bao tiêu sản xuất, chế biến, tiêu thụ vẫn còn thấp, chủ yếu ở diện tích cây dược liệu tập trung.

Hiện nay, trước nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi với sự ưa chuộng nguồn hàng hóa sạch, hướng nội, đặc trưng và nguồn gốc thảo mộc, khiến người sản xuất dược liệu được đón nhận thời cơ mới. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu, điều này giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định.

Theo ước tính, giá trị kinh tế bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt khoảng 280 - 350 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống ở các địa phương đang có diện tích liên kết.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 47 HTX chuyên về sản xuất, kinh doanh dược liệu. Các HTX đã năng động, thích ứng nhanh với thị trường, mạnh dạn đầu tư vốn, tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu. Mỗi HTX có diện tích liên kết từ vài chục đến hàng trăm ha; chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Lê Hồng Hải cho biết: Liên minh HTX đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành triển khai các cơ chế chính sách. Đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tìm đầu ra cho các sản phẩm, tăng cường phát triển các mô hình liên doanh liên kết bền vững với doanh nghiệp trong sản xuất dược liệu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.

Mời độc giả xem thêm video:

Bảo Tồn Và Phát Triển Cây Dược Liệu Quý Ở Hà Giang I SKĐS

Lê Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-trien-mo-rong-trong-duoc-lieu-giup-nang-cao-thu-nhap-xoa-doi-giam-ngheo-169230916082802788.htm