Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển hợp tác xã nông nghiệp, nhất là phát triển bền vững.

Ngày 24/11, Tạp chí Kinh Doanh thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) đồng hành cùng diễn đàn.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: “Cam kết tham gia sáng kiến, giảm phát thải khí methan toàn cầu” và “Cam kết thực hiện tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Vì vậy, yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững trở nên rất quan trọng.

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Thực tế, để phát triển bền vững, nông nghiệp không thể chỉ làm một khâu như trồng trọt, chế biến, hay phân phối… Mà điều này yêu cầu cần phát triển bền vững trong cả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, trong đó không thể thiếu vai trò của các HTX nông nghiệp.

Nghị quyết số 106/NQ-CP mà Chính phủ ban hành vào tháng 7/2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, có đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững và ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp cả nước.

Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương đang đòi hỏi cần có những giải pháp có tính đồng bộ. Nhất là trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầu HTX nông nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Cả nước hiện có 20.000 HTX nông nghiệp với hơn 3.4 triệu thành viên là hộ nông dân. Các HTX này đã biết liên kết với các doanh nghiệp để cùng nhau tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp đa giá trị; hình thành các chiến lược phương hướng hoạt động của HTX và biết cách tham gia các sân chơi trên thị trường. Chính vì vậy, việc phát triển HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển HTX nông nghiệp, nhất là phát triển bền vững. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng HTX phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân tăng lên nhiều lần, nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung. Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương đang đòi hỏi cần có những giải pháp có tính đồng bộ. Nhất là trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầu HTX nông nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện...

Tại diễn đàn, đại diện Liên minh HTX tỉnh, thành phố và đại diện doanh nghiệp, HTX cũng chia sẻ về những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong sản xuất xanh và phát triển bền vững như: “Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững: Cơ hội và thách thức cho HTX trong quá trình chuyển đổi xanh”; về “Vai trò của HTX trong phát triển bền vững và những chính sách hỗ trợ để hình thành các mô hình HTX bền vững”; về “Một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”; “Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình HTX/Doanh nghiệp tiêu biểu phát triển xanh”; trao đổi về “Nhân rộng phát triển các mô hình HTX phát triển bền vững, liên kết gắn với chuỗi giá trị”…

TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) phát biểu tại diễn đàn.

TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Vũ Mạnh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, nông nghiệp bền vững phát triển hài hòa dựa trên 3 trụ cột: có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai.

TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các HTX thực hiện tốt các chương trình, đề án về phát triển xanh, nhất là "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050"; "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới"; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để HTX nông nghiệp tự thân phát triển bền vững như chính sách Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với HTX; Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Mở rộng thị trường; Tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ: Nông nghiệp tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; theo đó ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hữu cơ, nông ngiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp có trách nhiệm; chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp; từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là vấn đề khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu. Vì vậy, nếu Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường có yêu cầu cao như EU thì không thể không quan tâm đến các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Bà Lê Việt Nga cho biết, theo điều tra của Công ty NielsenIQ năm 2023, theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững, thân thiện môi trường khi mua sắm với 55% người được khảo sát coi yếu tố này là rất quan trọng và 37% coi là quan trọng. Do đó, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm các mô hình, hàng hóa được phân phối trong các hệ thống hiện đại luôn được doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung ứng, trong đó có các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, hộ nông dân cùng nỗ lực kiểm soát nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ chứng từ, quy trình sản xuất, trồng trọt, đặc biệt là nông sản được kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang phát triển và kết nối hệ thống chợ đầu mối nông sản thành các đầu mối logistics, dịch vụ tổng hợp và cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Tuy vậy, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có các giải pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững nông nghiệp; Cần tiếp tục triển khai quá trình quản lý năng lượng, giảm khí nhà kính, quản lý các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh đã được chuẩn hóa; Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ lương thực thực phẩm theo chuỗi giá trị với các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội; Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ theo các tiêu chuẩn do thị trường đề ra. Trong đó, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các hợp tác xã đóng vai trò quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh và nước Việt Nam thịnh vượng.

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phat-trien-mo-hinh-kinh-te-hop-tac-xa-thuc-day-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-700194.html