Phát triển kinh tế tập thể ở Bắc GIang: Sức bật từ nguồn nhân lực trẻ

Lao động trẻ làm việc tại các hợp tác xã (HTX) có nhiều lợi thế, nhất là có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ làm việc tại các HTX cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Năng động, sáng tạo

HTX Lục Ngạn Xanh ở thôn Phúc Hòa, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) thành lập năm 2021. Ban đầu, HTX có 8 thành viên, phần lớn trẻ tuổi. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX là chị Nguyễn Thị Minh Thùy (SN 1993).

Thời điểm mới thành lập, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, HTX Lục Ngạn Xanh gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Để trụ vững, Ban Giám đốc tập trung tìm kiếm đối tác trong nước; tăng cường giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Các sản phẩm của HTX Lục Ngạn Xanh được giới thiệu, bày bán tại Liên hoan ẩm thực Quốc tế tại Hà Nội năm 2022.

Các sản phẩm của HTX Lục Ngạn Xanh được giới thiệu, bày bán tại Liên hoan ẩm thực Quốc tế tại Hà Nội năm 2022.

Anh Bùi Văn Quyến (SN 1993) phụ trách kỹ thuật cùng một số thành viên trẻ khác trong HTX còn tìm hiểu và đề xuất ứng dụng công nghệ túi MAP (do Viện Hóa học-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu) vào bảo quản quả vải tươi, giúp trái vải giữ được màu đỏ tự nhiên, giảm hao hụt 5%. Nhờ vậy, tổng số 8 ha vải của Lục Ngạn Xanh được tiêu thụ thuận lợi.

Đến nay, HTX có 22 thành viên nằm trong độ tuổi từ 30 đến 38; trong đó 3 người trình độ cao đẳng, đại học. Hiện HTX đã mở rộng lên 25 ha ở các xã Phì Điền, Tân Mộc, Tân Sơn (cùng huyện Lục Ngạn); trong đó 15 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, cây trồng được theo dõi thường xuyên thông qua nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Sự tham gia của lực lượng lao động trẻ có trình độ, tay nghề cao đã tạo nên làn gió mới, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, thị trường rộng mở, gia tăng lợi nhuận".

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

Chị Thùy chia sẻ: “Lợi thế của HTX là có nhiều lao động trẻ, năng động, đảm nhận nhiều phần việc, trong đó có truyền thông, quảng bá sản phẩm. Mới đây, chúng tôi kết hợp với nền tảng FoodMAP và Grap để kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả; tham gia chương trình Liên hoan ẩm thực Quốc tế tại Hà Nội góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Giang đến bạn bè quốc tế”.

HTX Nông nghiệp Mộc Sơn ở bản Chàm, xã Tam Tiến (Yên Thế) thành lập năm 2020 với 7 thành viên đều trẻ tuổi (ít nhất là 26 tuổi, nhiều nhất 37 tuổi). Sản phẩm của HTX là rượu ngô men lá, rượu thóc men lá, bánh khảo. Tất cả đều được công nhận là sản phẩm OCOP. Ban đầu, HTX chỉ tiêu thụ ở địa bàn lân cận. Về sau, sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng tại Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Bình quân mỗi năm, HTX thu về khoảng 4 tỷ đồng.

Một số HTX có thành viên trong Ban Giám đốc tuổi từ 45 đến 50 cũng tuyển dụng thêm người lao động phụ trách kỹ thuật, kế toán để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Năm 2022, HTX Dược liệu Thiện Tâm (Yên Thế) bố trí một số thành viên trẻ, năng động, có trình độ tìm hiểu, mở rộng mạng lưới bán hàng.

Sau khi lắng nghe ý kiến tham mưu, đề xuất của đội ngũ cán bộ trẻ, Ban Giám đốc HTX quyết định thành lập nhiều gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu và phân phối sản phẩm cao đặc, cao khô từ dược liệu (cà gai leo, xạ đen, đinh lăng...) ở tỉnh bạn. Đến nay, HTX có hàng trăm đại lý phân phối ở các tỉnh Sơn La, Kiên Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ... Lượng tiêu thụ hơn 1,5 nghìn lọ cao các loại/tháng; doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng/tháng.

Thêm nhiều cơ chế hỗ trợ

Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có gần 900 HTX hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực; trong đó, khoảng 300 HTX tổ chức, sắp xếp lại theo Luật HTX năm 2012 có nhân lực cao tuổi. Số còn lại đều có tỷ lệ lao động trẻ cao. Tuy nhiên, trình độ của các lao động trẻ không đồng đều; do rào cản của cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ chưa đáp ứng nguyện vọng của người lao động nên việc thu hút lao động trẻ đến làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể vẫn gặp một số khó khăn.

Sản xuất nấm vân chi tại HTX Công nghệ cao Duca, xã Thượng Lan (Việt Yên). Ảnh: SỸ QUYẾT.

Sản xuất nấm vân chi tại HTX Công nghệ cao Duca, xã Thượng Lan (Việt Yên). Ảnh: SỸ QUYẾT.

Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động tham mưu, chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều hoạt động, chương trình đào tạo, hỗ trợ HTX. Năm 2021, Liên minh HTX tỉnh triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”.

Liên minh HTX đã lựa chọn, xây dựng 5 mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 và 5 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao. Các HTX tham gia đều bảo đảm điều kiện như duy trì sản xuất, thị trường rộng, có nền tảng trang thiết bị sẵn có, nhân lực trẻ… Các đơn vị đã được tập tuấn; hướng dẫn xây dựng, sử dụng App phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ trang thiết bị; hỗ trợ một phần kinh phí để thu hút nhân lực trẻ về làm việc.

Mới đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND quy định mức chi hỗ trợ đào tạo đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn đến năm 2025. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/4/2023. Hiện các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế đã rà soát, lựa chọn được 11 HTX đủ điều kiện, có nhu cầu tuyển dụng tổng số 13 lao động trẻ về làm việc để hỗ trợ kinh phí theo quy định.

HTX Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) là một trong số các đơn vị đề nghị kinh phí hỗ trợ lao động. Đại diện HTX cho hay, HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nên rất cần kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn để giúp tổ chức kinh tế tập thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, khi có chính sách hỗ trợ trí thức trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể, HTX đã nhanh chóng đề xuất, hoàn thiện các thủ tục liên quan để được hỗ trợ theo chế độ.

Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, khi các HTX tuyển dụng nhân lực trẻ theo quy định của Nghị quyết phải bảo đảm các điều kiện như ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, người lao động làm việc ít nhất 36 tháng. Để tìm, giữ chân lao động trẻ có trình độ, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì các HTX cũng cần quan tâm tạo môi trường làm việc hiệu quả, thuận lợi, năng động, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập, bảo đảm tốt chế độ chính sách.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/405419/phat-trien-kinh-te-tap-the-o-bac-giang-suc-bat-tu-nguon-nhan-luc-tre.html