Phát triển kinh tế hộ gia đình

Toàn vùng Tây Nguyên hiện nay ước có 954.020 hộ, với 3.870.954 nhân khẩu sinh sống tại khu vực nông thôn, chiếm tới 73,7% tổng số nhân khẩu toàn vùng; trong đó, có tới 808.603 hộ hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, chiếm 84,75% tổng số hộ. Nếu phân theo nguồn thu nhập chính, thì có tới 803.516 hộ, chiếm 84,23% có thu nhập chính từ hoạt động nông-lâm-thủy sản.

Như vậy, có thể nhận thấy kinh tế hộ gia đình trong vùng chủ yếu là sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông-lâm-thủy sản và địa bàn chủ yếu là ở nông thôn. Về thu nhập, chỉ những hộ theo mô hình chuyên canh rau, hoa, quả công nghệ cao, sản xuất cây-con giống và dịch vụ thương mại tại nhà là có thu nhập khá ổn định ở mức cao (riêng tại Đà Lạt thường là 500-900 triệu đồng/ha năm), còn lại những hộ theo mô hình khác thì chỉ ở mức trung bình thấp, thậm chí nhiều hộ đang bị nợ nần do mất mùa, giá thấp, hoặc bị dịch bệnh, hạn hán kéo dài...

Do tính thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường cho nên thu nhập bình quân của đa số hộ gia đình trong vùng là khá thấp so với toàn quốc. Hầu hết các hộ chưa có sự chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, còn mang tính phong trào, hoặc chạy theo những lợi ích trước mắt, cho nên sản xuất còn bấp bênh, thiếu bền vững. Ý thức chấp hành các quy hoạch, các quy trình kỹ thuật, những yêu cầu nghiêm ngặt về giống, cách thức canh tác theo chuẩn an toàn còn rất hạn chế, dẫn tới tình trạng cây trồng, vật nuôi chết hàng loạt, sản phẩm kém chất lượng, khó tiêu thụ.

Vùng Tây Nguyên cũng gánh chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu; chính sách của Nhà nước, địa phương với kinh tế hộ gia đình còn nhiều bất cập, chưa có sự đầu tư xứng tầm; chịu ảnh hưởng từ các khó khăn của thị trường quốc tế. Từ phía cơ quan quản lý, các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp của thành phần kinh tế khác còn chưa đánh giá đúng vai trò, chưa đối xử thật sự bình đẳng với khu vực kinh tế hộ gia đình…

Bởi vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, loại hình kinh tế hộ gia đình trong vùng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa xứng tầm, tốc độ tăng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, quy mô sản xuất còn nhỏ bé, manh mún, chưa ứng dụng được nhiều thành tựu của khoa học-công nghệ, sản phẩm làm ra có chất lượng thấp, mẫu mã nghèo nàn, sức cạnh tranh kém. Đa số các chủ hộ và người lao động chưa qua đào tạo, còn mang nặng nề thói sản xuất nhỏ, chưa hội nhập tích cực với cơ chế thị trường.

Muốn thúc đẩy kinh tế hộ gia đình ở Tây Nguyên phát triển mạnh hơn trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa môi trường sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tích cực mọi mặt, nhất là chuyển giao khoa học-công nghệ và đào tạo tay nghề; trong đó, ưu tiên hàng đầu là phải tạo ra những thay đổi căn bản về tư duy và cách làm theo kinh tế thị trường, giúp cho các chủ hộ kinh tế hộ gia đình ở Tây Nguyên chủ động hội nhập một cách toàn diện, đầy đủ vào thị trường.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/phat-trien-kinh-te-ho-gia-dinh-209628.html