Phát triển kinh tế bằng các mô hình hiệu quả

Từ một xã còn nhiều khó khăn, đến nay, kinh tế của xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những mô hình kinh tế mới ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả cao như: sản xuất lúa hàng hóa; trồng dứa, trồng xoài theo chuỗi liên kết nhân rộng đàn ong; phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nhờ đó, đời sống của nhân dân từng bước nâng lên rõ rệt.

Phát triển mô hình trồng dứa của bà con xã Nậm Hàng. Ảnh: Ái Vân

Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Đình Toàn, ở bản Nậm Dòn dù mới được triển khai nhưng bước đầu mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Năm vừa rồi, gia đình anh xuất bán 150 con lợn ra thị trường, thu về gần 600 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn, thuê nhân công, vợ chồng anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Anh Toàn chia sẻ: "Với diện tích đất chuồng trại rộng 1,7ha, vợ chồng tôi tính toán và bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá, làm vườn theo kiểu “vườn-ao-chuồng" khép kín. Đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn rộng 500m2, chia thành nhiều khu nuôi lợn giống, lợn thương phẩm. Nguồn thức ăn nuôi lợn, vợ chồng tôi tận dụng 100% từ sản phẩm nông nghiệp, không sử dụng cám công nghiệp. Sắn, ngô thu mua của người dân được nghiền thành cảm rồi ủ với cây chuối rừng; mỗi ngày nấu lên với bã rượu cho lợn ăn. Như vậy, chi phí đầu tư vừa rẻ, chất lượng thịt lợn luôn đảm bảo".

Để tiết kiệm được chi phi đầu vào, gia đình anh Toàn còn nuôi gần chục con lợn mẹ. Lợn nái sinh sản đến đâu, vợ chồng anh nuôi hết đến đó theo kiểu gối đàn. Trong quá trình nuôi, đảm bảo vệ sinh chuồng trại mỗi ngày, phun khử khuẩn hàng tuần, tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn. Nhờ đó, trong 2 năm qua, đàn lợn của gia đình anh sinh trưởng, phát triển đều. Hiện, trang trại nhà anh đang có hơn 150 con lợn.

Mô hình trồng dứa của người dân trên địa bàn ở bản Huổi Pết cũng tương đối hiệu quả. Sau hơn 1 năm triển khai trồng, thành quả là những quả dứa to, chín vàng, thơm lừng và ăn rất ngọt. Anh Mùa A Tủa cho biết: "Ngày nào vợ chồng tôi cũng lên đây hái dứa mang xuống chợ bán, bán cho người quen, thu nhập đều đều. Trước đây, khu vực trồng dứa này, vợ chồng tôi làm lúa nương, nhưng hiệu quả thấp, mỗi năm được hơn chục bao thóc thôi. Chuyển sang trồng dứa thì hiệu quả kinh tế cao hơn. Dứa hái đến đâu bán hết đến đó, cả vụ dứa này, vợ chồng tôi dự kiến cũng thu được hơn 30 triệu đồng. Sau thu hoạch thì còn tách chồi nhân giống trồng thêm, không phải mua giống nữa".

Được biết, tham gia mô hình trồng dứa có 2 hộ dân ở bản Huổi Pết trên diện tích 1ha. Mô hình này được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai từ cuối năm 2021. Theo đó, các hộ trồng dứa được hỗ trợ về giống, phân bón từ nguồn vốn mô hình khuyến nông. Cùng với đó, trung tâm đồng hành cùng bà con, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và nhân giống sau thu hoạch. Qua tính toán của các cơ quan chuyên môn, trừ chi phí, mỗi ha dứa sẽ cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng các cây lương thực truyền thống như lúa, sắn.

Xã Nậm Hàng có 8 bản với hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Để kinh tế phát triển, cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để gieo trồng.

Chăn nuôi bò, trâu thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Nậm Hàng. Ảnh: Ái Vân

Đồng chí Đinh Văn Xanh, Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho hay: "Dựa trên các mô hình thử nghiệm, được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao, hiện nay, xã tiếp tục vận động nhân dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng dứa vụ mới; tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích xoài đã trồng theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp; phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại cánh đồng Nậm Cầy. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ dân xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, làm hầm biogas, nuôi ong theo Nghị quyết 07, 11 của HĐND tỉnh nhằm tạo động lực cho bà con nhân rộng mô hình chăn nuôi đại gia súc, tăng số lượng đàn nuôi, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật; chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm".

Đến nay, trên địa bàn xã phát triển được 160 thùng ong, tổng đàn gia súc trên 5.000 con, tổng đàn gia cầm gần 47.000 con. Bà con đang chăm sóc 184ha lúa vụ đông xuân (trong đó, hơn 50ha lúa sản xuất hàng hóa, chủ yếu là nếp tròn), 57ha xoài liên kết với Công ty Rau củ quả Trung ương, 2,2ha cà gai leo, 20ha thảo quả, 1ha dứa; làm đất và gieo trồng được hơn 130ha ngô vụ xuân hè, đạt 50% diện tích. Toàn xã có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh, gồm: trà túi lọc cà gai leo, cao cà gai leo của Hợp tác xã thanh niên Trưởng Thịnh và mật ong nơi thượng nguồn sông Đà của Hợp tác xã Nông nghiệp, xây dựng và thương mại Nậm Nhùn.

Các mô hình kinh tế mới đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp của xã Nậm Hàng phát triển, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30%, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-kinh-te-bang-cac-mo-hinh-hieu-qua-post470718.html