Phát triển du lịch Sơn La: Mục tiêu hàng đầu là bảo vệ thiên nhiên và văn hóa

'Hiện các địa phương đang có cách tư duy phát triển khá giống nhau là phát triển hạ tầng theo kiểu đô thị, chính điều này làm mất đi những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Sơn La xác định khác, đó là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên', ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, chia sẻ.

Mục tiêu quan trọng của Sơn La khi hạ quyết tâm phát triển du lịch là đăng kí các vùng trong tỉnh trở thành điểm đến hàng đầu thế giới như sự thừa nhận những thông điệp phát triển chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ thiên nhiên là mục tiêu hàng đầu.

Tư duy làm khác đi, nghĩ khác đi đã giúp Sơn La chỉ trong 2,5 năm đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Mộc Châu trở thành địa danh 2 năm liên tiếp được vinh danh là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới. Đó cũng là niềm tự hào của người làm du lịch ở Sơn La, niềm tự hào giữ vững những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Việt về câu chuyện phát triển du lịch của Sơn La bên lề Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Đầu tư cho du lịch ở Sơn La đang ở trong cán cân thế nào so với các ngành kinh tế khác, thưa ông?

Hiện Sơn La ưu tiên mấy nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó có nông nghiệp và du lịch. Về du lịch, Sơn La ban hành riêng một Nghị quyết của Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh trong việc xây dựng du lịch của Sơn La đến 2025 và định hướng đến 2030. Trong đó xác định du lịch phải là ngành kinh tế quan trọng, ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời phải xây dựng Sơn La trở thành điểm đến trung tâm của vùng du lịch Tây Bắc. Chính vì vậy, sự ưu tiên nguồn lực đầu tư cho du lịch rất lớn.

Trước tiên là đầu tư hạ tầng. Sơn La đang cùng Hòa Bình, Điện Biên nỗ lực thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Bình Châu, tạo sự kết nối khu vực. Thứ hai, Sơn La tập trung ưu tiên cho các quy hoạch. Hiện chúng tôi đã quy hoạch được 5 không gian du lịch, trong đó Mộc Châu, lòng hồ thủy điện Sơn La đã và đang tiến tới trở thành khu du lịch quốc gia. Khu du lịch Tà Xùa đang làm kế hoạch phê duyệt. Bên cạnh đó, khu du lịch đèo Pha Đin gắn với nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa cùng Điện Biên. Cuối cùng là khu du lịch ở trung tâm thành phố Sơn La.

Đầu tư về hạ tầng và phát triển kinh tế luôn được đặt ra là một ưu tiên hàng đầu về tính đồng bộ phục vụ cho du lịch.

5 không gian du lịch ở Sơn La.

Với chính sách ưu tiên và những hoạch định chi tiết, chỉ trong 2,5 năm, Sơn La đã đạt được kết quả ngoạn mục khi liên tục được vinh danh trong các bảng xếp hạng điểm đến quốc tế. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Tôi cho rằng du lịch Sơn La đã có bước phát triển rất mạnh. Chỉ trong hơn 2 năm trở lại đây, từ khi có Nghị quyết của đại hội Đảng bộ tỉnh, Sơn La đã có bước chuyển mình khá ngoạn mục. Khách du lịch đã đến với Sơn La ngày một đông. Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu đón 3,9 triệu lượt khách du lịch, nhưng đến nay địa phương đã đón đến 4,5 triệu lượt khách.

Theo đà này, Sơn La phấn đấu đạt 5,2 triệu lượt khách vào năm 2025, và doanh thu khoảng hơn 5.000 tỉ đồng. Riêng năm 2023, doanh số từ du lịch đã mang về cho tỉnh hơn 4.000 tỉ đồng.

Mới chỉ có 2,5 năm đặt quyết tâm đưa Sơn La trở thành điểm đến trọng điểm trong khu vực, tỉnh đã thu được kết quả vượt ngoài mong đợi. Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về phát triển du lịch từ chính những trải nghiệm từ địa phương mình?

Tôi cho rằng, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy là quan trọng nhất. Đấy là điều kiện kiên quyết. Vì sự ưu tiên về nguồn lực đầu tư, chính sách rất quan trọng. Thứ hai, địa phương phải xác định được các sản phẩm chủ lực muốn phát triển, tiên quyết không để sản phẩm của tỉnh mình giống hoặc na ná các địa phương khác. Từ đó xác định hướng đi, thị trường, tệp khách để xây dựng sản phẩm phù hợp.

Hiện các địa phương đang có cách tư duy phát triển khá giống nhau là phát triển hạ tầng theo kiểu đô thị. Chính điều này làm mất đi những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Sơn La xác định khác, đó là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Chúng tôi phải nỗ lực để đăng kí bằng được các vùng du lịch của Sơn La trở thành điểm đến hàng đầu thế giới. Đó chính là thông điệp để phát triển, từ sự công nhận đó đã đưa ra hành lang buộc con người phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, hướng cho người dân có một tư duy khác trong khai thác du lịch.

Câu chuyện bảo tồn về mặt chính sách và lí thuyết là như vậy, nhưng thực tế khi triển khai tới nhân dân, địa phương đã gặp những khó khăn ra sao, thưa ông?

Có nhiều khó khăn. Chẳng hạn các nhà đầu tư khi đến sẽ quan tâm đến hạ tầng để phát triển đô thị, như vậy họ mới có lợi. Còn đầu tư bảo tồn thiên nhiên thì tốn kém và khó khăn. Tuy nhiên, ở Sơn La, từ những người đứng đầu cấp ủy đều có quan điểm chỉ đạo rõ ràng: phải bảo vệ thiên nhiên đúng với hiện trạng và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, đưa chúng vào đời sống. Sơn La đã có hẳn các Nghị quyết ưu tiên phát triển văn hóa hay các Nghị quyết riêng về phát triển du lịch: phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực, truyền thông quảng bá và phát triển du lịch cộng đồng. Tất cả làm chi tiết nhưng đồng bộ.

Sơn La là địa bàn có nét đặc sắc về văn hóa với điệu Xòe Thái được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Chúng tôi đã tận dụng và phát huy những giá trị này và hiển thị nó trong đời sống hằng ngày của người dân.

Bên cạnh du lịch, Sơn La thời gian vừa qua cũng phát triển nông nghiệp với những thành tựu đặc biệt nổi bật. Các sản phẩm nông nghiệp đó cũng đang tương hỗ các hoạt động phát triển du lịch. Cả hai bổ sung tạo thành một vòng tròn cung ứng nhịp nhàng, tương hỗ nhau để đưa ra các sản phẩm du lịch hết sức độc đáo, hấp dẫn, gần gũi với tự nhiên, bảo vệ môi trường.

Làm thế nào để giải quyết xung đột giữa bảo lưu văn hóa, bảo vệ thiên nhiên với lợi ích của các nhà đầu tư?

Tôi nghĩ sự kiên quyết và đồng nhất trong chính sách là điều quan trọng. Bên cạnh đó là vai trò tham mưu của ngành văn hóa du lịch cùng các ngành: xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường… phải cùng có tiếng nói để tham mưu và thực hiện tốt chính sách chung.

5 điểm đến tuyệt vời là tài nguyên không phải nơi nào cũng có giống Sơn La. Nhưng là một nhà lãnh đạo về du lịch, điều ông tự hào nhất về Sơn La là gì?

Tôi nghĩ đó là yếu tố con người. Những người dân hiếu khách, yêu mến và tôn trọng bản sắc dân tộc của mình chính là nguồn lưu giữ những dấu ấn riêng có cho mảnh đất. Đây cũng là chỉ dấu đậm nét của Sơn La, không dễ lặp lại ở bất kì đâu khác.

Khi con người còn sống hài hòa, thiên nhiên và cảnh sắc cũng theo đó tự hài hòa. Tôi tin rằng lí do Sơn La đang giữ được những nét nguyên sơ cả về văn hóa và cảnh quan, môi trường, chính là vì có yếu tố con người ấy.

Một món ăn mà ông có thể khuyến khích du khách đến Sơn La nhất định phải thử, đó là… ?

Sơn La có nhiều món ăn được làm từ nguồn nguyên liệu quen thuộc như: trâu khô gác bếp, bê chao, cá hồi, vịt... nhưng không hiểu sao nếu đã ăn ở Sơn La, du khách sẽ muốn quay lại để thưởng thức thêm lần nữa. Có lẽ khí hậu và thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất này nhiều hơn những giá trị vô hình ấy.

Giải thưởng Du lịch Thế giới do World Travel Awards tổ chức đã vinh danh Mộc Châu là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới liên tiếp trong 2 năm 2022 và 2023. Ông đánh giá thế nào về sự ghi nhận này?

Sơn La có hai sự ghi nhận. Thứ nhất, Mộc Châu được World Travel Awards vinh danh là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới. Thứ hai, nghệ thuật Xòe Thái của Sơn La và các tỉnh Tây Bắc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng tôi đều đang bảo tồn và phát triển để phát huy hiệu quả những sự ghi nhận này.

Khi được các tổ chức uy tín vinh danh, trước tiên hình ảnh Sơn La sẽ theo đó được tôn vinh, quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế. Thứ hai, đó là thông điệp để phát triển, để mỗi người đều ý thức sâu sắc hơn về việc đừng quá chú trọng phát triển hạ tầng đô thị mà phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và môi trường - thứ hết sức quý giá, nếu mất đi sẽ không lấy lại được.

Bên cạnh đó, khi được vinh danh, các kênh truyền thông trong nước và quốc tế đồng loạt đưa tin, tạo ra hiệu ứng rất tốt, giúp du khách quốc tế đến Mộc Châu nói riêng, Sơn La nói chung tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, sự vinh danh này cũng tạo áp lực cho điểm đến, bởi vì khi đạt được rồi thì việc gìn giữ danh hiệu trở thành một trọng trách.

Sơn La kì vọng gì khi tham gia Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh?

Tuần lễ Văn hóa Du lịch Sơn La và các tỉnh Tây Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này, chúng tôi kì vọng được giới thiệu đến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nhân dân cả nước và quốc tế nói chung những nét văn hóa đặc sắc, những sản phẩm du lịch giới thiệu điểm đến hữu ích để du khách đến với Sơn La đông hơn, ở lại với Sơn La lâu hơn.

Địa phương có thống kê về lượng khách đến Sơn La thuộc các đối tượng nào và từ vùng địa lí khác nhau ra sao?

Chúng tôi có thống kê và nhận thấy lượng khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đến với Sơn La ngày một đông hơn. Chẳng hạn năm 2022, lượng khách này là khoảng 1,8 triệu lượt.

Theo ông, du khách đến Sơn La muốn khám phá hết cảnh sắc mảnh đất này, họ nên ở Sơn La bao lâu để không phải nuối tiếc đến lần sau?

Theo quan điểm cá nhân, tôi không khuyến khích du khách đi hết trong một lần. Vì Sơn La có 5 không gian du lịch khác nhau, ở đó cho ra những trải nghiệm khác nhau. Vì thế, với 5 không gian đó, khách hãy đến Sơn La 5 lần (cười) để có những kỉ niệm riêng, thú vị.

Ông đánh giá thế nào về công tác quảng bá du lịch trong câu chuyện phát triển du lịch nói chung?

Công tác quảng bá rất quan trọng, là cầu nối đưa thông tin về điểm đến và sản phẩm du lịch tới du khách.

Tỉnh Sơn La hằng nằm có bố trí nguồn ngân sách nhất định cho công tác truyền thông quảng bá. Việc tham gia tuần lễ Sắc màu Tây Bắc lần này cũng nằm trong chính sách chung đó. Bên cạnh việc phát sóng và đăng tải thông tin về điểm đến trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, chúng tôi còn tận dụng nhiều cách thức quảng bá không sử dụng ngân sách nhà nước. Ví dụ, Sơn La đang tổ chức một cuộc bình chọn về sản phẩm và thương hiệu du lịch với 5 nhóm: chất lượng sản phẩm, giá dịch vụ, thái độ phục vụ, môi trường, an toàn và an ninh cho khách du lịch. Hoạt động này vừa mang tính truyền thông rộng rãi tới du khách, vừa tạo áp lực cho các cơ sở dịch vụ nâng cao tiêu chuẩn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Từ ngày 04 - 06/12, UBND tỉnh Sơn La tổ chức sự kiện du lịch "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc năm 2023, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng du lịch, vẻ đẹp vùng đất, con người Sơn La đến người dân, du khách tại thành phố mang tên Bác.

Sự kiện du lịch "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" tại TP.HCM là hoạt động hết sức quan trọng nhằm tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch của Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung; là cơ hội kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch góp phần đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch Sơn La - Tây Bắc với TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế.

Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc giai đoạn 2020 - 2025, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch kết nối phát triển du lịch và giới thiệu, quảng bá rộng rãi về bản sắc văn hóa và sản vật đặc trưng của các dân tộc Sơn La đến với người dân, du khách tại TP.HCM.

Trong khuôn khổ Tuần du lịch TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao du lịch hấp dẫn, giàu bản sắc: trải nghiệm nghi lễ Tẳng Cẩu dân tộc Thái Sơn La; trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa - du lịch, hoạt động trải nghiệm văn hóa cộng đồng dân tộc Thái, Mông, Dao, sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La…

Thục Khôi (thực hiện) (Ảnh: Tư liệu)

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/phat-trien-du-lich-son-la-muc-tieu-hang-dau-la-bao-ve-thien-nhien-va-van-hoa-c17a64706.html