Phát triển du lịch Ninh Bình: Quyết sách của Đảng - khát vọng của Dân (Kỳ 2): Câu chuyện thành công không có dị bản

Khi khát vọng của dân được hiện thực hóa trong cuộc sống, du lịch Ninh Bình đã có sự chuyển mình kỳ diệu. Đánh giá về thành công của Ninh Bình trong chiến lược phát triển du lịch, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhận định: 'Ninh Bình đã viết nên câu chuyện thành công mà không có bất kỳ dị bản nào trên thế giới, ở đó người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể làm sống lại những giá trị của vùng đất Cố đô Hoa Lư'.

Tràng An vào hội. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Đánh thức miền di sản

Bao thế hệ người dân Cố đô đều có chung một khát vọng. Khát vọng về con đường phát triển nhưng làm sao không đánh mất bản sắc văn hóa và di sản vô giá mà cha ông đã ngàn đời vun bồi, lưu giữ. Những quyết sách về du lịch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các nhiệm kỳ đã biến những khát vọng của người dân thành hiện thực. Trái ngọt nhất của những nghị quyết về phát triển du lịch Ninh Bình chính là biến vùng đất này trở thành miền di sản.

Câu chuyện Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam sở hữu di sản kép được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã không đơn thuần là một danh hiệu để định danh cho du lịch Ninh Bình mà trở thành trách nhiệm của mỗi người dân Ninh Bình đối với lịch sử. Bởi thế mà chị Nguyễn Thị Bắc (Ninh Xuân, Hoa Lư) cũng như hàng nghìn người dân trong vùng di sản tự nguyện trở thành những "đại sứ du lịch". Chị Bắc chia sẻ "Du lịch không chỉ giúp chúng tôi đổi đời mà còn được tiếp xúc với những nền văn minh mà du khách mang tới. Chúng tôi tự hào vì mình là người Tràng An!".

Đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 2008-2015 nhớ lại: "Khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, tôi đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tràng An là di sản của tổ tiên để lại, là món quà tuyệt vời nhất mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho mảnh đất này, được các thế hệ người dân Ninh Bình, đặc biệt là những cư dân trong vùng di sản bảo vệ và gìn giữ hàng ngàn năm qua. Vì cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được nên trách nhiệm của chúng ta là phải giữ gìn, tôn tạo và vinh danh nó".

Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một câu chuyện không đơn giản, bởi Tràng An là một di sản "sống". Đây là nơi sinh sống của trên 44 nghìn người dân, trong đó vùng lõi có trên 14 nghìn người nhưng với cái "bắt tay" đồng thuận giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân, tỉnh Ninh Bình đã tạo nên mô hình bảo vệ di sản, phát triển du lịch "mẫu mực" với phương châm "Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản". Ở đó cộng đồng dân cư đóng vai trò "hạt nhân", họ vừa là người bảo vệ, quản lý di sản, đóng góp ý kiến xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn di sản với việc đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời cũng là người hưởng lợi từ di sản.

Thành công của mô hình hợp tác trong quản lý, bảo tồn di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững ở Ninh Bình cũng góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách cho Nhà nước và giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Tiến sỹ Ryan Rabett, Đại học Cambridge, Vương quốc Anh đã nhận định: "Đây là mô hình rất tuyệt vời, khá độc đáo ở Đông Nam Á, nơi mà chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo tồn di sản, phát triển du lịch. Mọi hoạt động đều đan cài trên cơ sở hài hòa các lợi ích. Số tiền thu được từ du lịch lại tái đầu tư vào hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khảo cổ học. Tôi cho rằng đây là mô hình hợp tác công - tư hiệu quả trong quản lý di sản".

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá: 9 năm trước, danh hiệu di sản mà UNESCO trao tặng cho Quần thể Danh thắng Tràng An là điểm khởi đầu để mở ra một thời kỳ mới cho ngành Du lịch Ninh Bình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Ngày hôm nay, Ninh Bình được UNESCO đánh giá là một trong những địa phương thành công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch bền vững.

Khi ý Đảng hợp lòng Dân

Để Nghị quyết không chỉ là những nội dung trên giấy; những chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết không thể chỉ là những chỉ tiêu, đầu việc "vẽ ra cho có" thì người đứng đầu cấp ủy các cấp phải là người đầu tiên thấm nhuần Nghị quyết, phải "truyền lửa" để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đồng thuận trong tư duy và hành động.

Là người tâm huyết và có nhiều đóng góp cho sự phát triển du lịch Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chia sẻ: Chưa từng một ngày làm giáo viên nhưng khi tổ chức các lớp nâng cao nhận thức cho người dân làm du lịch ở vùng đệm, vùng lõi và toàn tỉnh, tôi đã trực tiếp nói chuyện với người dân thế nào là du lịch? Làm sao để phát triển kinh tế du lịch? Muốn làm du lịch điều đầu tiên bà con phải bảo vệ di sản, phải làm đẹp từ chính ngôi nhà mình, đường làng ngõ xóm của mình và đẹp từ cách cư xử của mình... Những lớp học tuy ngắn hạn nhưng rất hiệu quả làm thay đổi tư duy của nhân dân về du lịch.

Du lịch phát triển đã làm sống dậy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề. Trong ảnh: Khách du lịch quốc tế trải nghiệm nghề thêu tại làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Ảnh: Hoàng Hiệp

Với sự vào cuộc để thấu hiểu, lắng nghe tiếng nói, tâm tư, tình cảm của Dân từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, những người nông dân "tay còn vương mùi bùn" đã tạo nên thương hiệu của du lịch Ninh Bình. Họ là mạch nối gắn quá khứ với hiện tại thông qua các sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa và những trầm tích khảo cổ học. Minh chứng cho nhận định đó chính là câu chuyện ở Tam Cốc (Hoa Lư), nơi đầu tiên hình thành những nét ký họa về du lịch từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bốn mùa trong năm không khi nào Tam Cốc - Bích Động vắng khách. Đêm đến cả một vùng rộng lớn các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, Trường Yên... nhộn nhịp bởi những đội văn nghệ các thôn, biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các homestay. Theo thống kê, chỉ tính trên địa bàn huyện Hoa Lư đã có trên 200 homestay đang hoạt động. Du lịch cộng đồng đang dần khẳng định là thế mạnh nổi bật của Ninh Bình.

Thêm một cách làm sáng tạo, hiệu quả của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình trong việc phát huy các giá trị của di sản đó chính là "biến" những vùng đất sình lầy, hoang hóa, trở thành những điểm "check in" nổi tiếng. Chị Hoàng Liên (xã Ninh Thắng, Hoa Lư) không giấu được niềm vui: "Gia đình tôi có 45 ha sen các loại, trong đó có 35 ha cho thu hoạch hoa và lá, còn 10 ha để khai thác du lịch. Suốt 3 tháng hè, ngày nào tôi cũng dậy từ 4h sáng để chuẩn bị đón khách. Riêng khoản phí "check-in" tại đầm sen, gia đình thu trung bình từ 100-200 nghìn đồng/ khách/ngày. Sau khi hết mùa hoa thì chuyển sang tận thu các sản phẩm khác để phục vụ du lịch như: củ sen, trà sen, mứt sen, giấy được chế biến từ đài sen khô... Ước tính thu nhập từ mô hình trồng sen đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa". Nhờ trồng sen "đa mục tiêu" mà nhiều hộ dân ở huyện Hoa Lư đã vươn lên làm giàu. Mới đây, cây sen trồng trên đất Hoa Lư được gắn nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm "Sen Hoa Lư-Ninh Bình", qua đó góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, thúc đẩy ngành kinh tế xanh phát triển.

Thành công lớn nhất của Ninh Bình khi thực hiện chiến lược phát triển du lịch là đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân. Đồng chí Bùi Thiện Thi, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư cho rằng: Du lịch đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện Hoa Lư, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra. Đặc biệt, du lịch cộng đồng đã gắn kết các hoạt động du lịch với nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của người dân mà không làm phá vỡ cảnh quan của di sản. Bên cạnh đó, nhờ du lịch phát triển mà Hoa Lư là một trong những địa phương điển hình về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng các khu, điểm văn minh du lịch... từ đó hình thành một môi trường du lịch bền vững trong cộng đồng. Phát triển du lịch cũng góp phần đưa Hoa Lư trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và đang phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Du lịch phát triển không chỉ làm thay đổi bộ mặt của các làng quê nghèo mà còn góp phần làm "sống dậy" giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề như: Làng nghề thêu ren Văn Lâm (Hoa Lư) với tuổi đời gần 1.000 năm; làng nghề gốm Bồ Bát (Yên Mô) nơi khởi thủy của làng nghề Gốm Bát Tràng ngày nay, gắn liền với di chỉ Mán Bạc; làng nghề Sinh Dược (Gia Viễn). Các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Ninh Bình cũng phát triển theo hướng hàng hóa để phục vụ du lịch. Một số làng nghề đã bước đầu hình thành tour du lịch, giới thiệu về lịch sử phát triển, không gian văn hóa của làng nghề tới du khách, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

BIỂU ĐỒ: TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG HÀNG NĂM CỦA SỐ LƯỢT KHÁCH ĐẾN CÁC ĐIỂM DU LỊCH VÀ DOANH THU DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH (TỪ NĂM 2010-2023)

Vươn dậy như Phù Đổng

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Với lợi thế là vùng đất có cảnh quan đặc sắc cùng bề dày lịch sử văn hóa, một nền văn hóa Kinh kỳ - Đô hội còn tiếp nối, vang vọng đến ngày nay, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành "công nghiệp không khói" một cách mạnh mẽ như Phù Đổng, vươn dậy sánh vai với các trung tâm du lịch trong khu vực như Quảng Ninh, Hà Nội... Trong quy hoạch du lịch Quốc gia, Ninh Bình được đánh giá ở vị trí cao, nằm trong "tứ giác" của đồng bằng Sông Hồng và là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam.

Du lịch phát triển vượt bậc đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 25.081,5 tỷ đồng, tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực dịch vụ đạt 9.587 tỷ đồng, tăng 15,72%. Trong đó, du lịch là ngành kinh tế có vị trí trọng yếu và trở thành động lực tăng trưởng, đưa Ninh Bình xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng.

Du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất. Mới đây, tại giải thưởng Traveller Review Awards 2023 do Booking.com - ứng dụng đặt phòng có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức, Ninh Bình là đại diện duy nhất ở châu Á lọt danh sách 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023; Vườn Quốc gia Cúc Phương 5 năm liên tiếp được vinh danh "Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á"...

Những thành công của Ninh Bình trong phát triển du lịch bền vững là câu trả lời hoàn hảo nhất cho sự lựa chọn mang tính lịch sử trong suốt chiều dài hơn 30 năm đổi mới và phát triển. Du lịch với sứ mệnh lịch sử đã vươn lên vị trí đầu tàu, dẫn dắt các ngành kinh tế cùng chuyển động trên một đường ray. Song trên con đường đi đến thành công vẫn còn những lực cản cần phải sớm được nhận diện và khắc phục.

Nguyễn Thơm, Quỳnh Thu,
Duy Hiền, Nguyễn Lựu, Hồng Giang

Kỳ 3: Để nghị quyết đi vào cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-trien-du-lich-ninh-binh-quyet-sach-cua-dang-khat-vong/d20231027100912172.htm