Phát triển du lịch bền vững, bài học từ Phú Quốc

Những năm gần đây, Phú Quốc liên tục nằm trong danh sách các điểm đến được yêu thích nhất của du khách trong nước, quốc tế. Phú Quốc từng quá tải do lượng khách đến quá đông trong cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, điểm đến này đã đánh mất vị trí top đầu khi lượng khách giảm mạnh. Thậm chí, ngay trong kỳ nghỉ lễ lớn, du lịch Phú Quốc vẫn đối mặt với tình trạng ảm đạm.

Vì sao “đảo ngọc” không còn hấp dẫn?

Tháng 10/2022, Tạp chí du lịch Conde Nast Traveller bình chọn Phú Quốc đứng thứ 6/10 hòn đảo nghỉ dưỡng được yêu thích nhất châu Á.

Tháng 11/2022, Phú Quốc được World Travel Award vinh danh là "Hòn đảo có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới"...

Nhưng gần đây, du lịch Phú Quốc phải đối mặt với tình trạng khó khăn “chưa từng thấy” khi lượng khách giảm mạnh. Dù kết quả chung năm 2023, Phú Quốc vẫn đón 5,4 triệu lượt du khách, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 17.400 tỷ đồng...

Cùng thời gian, Phú Quốc liên tục nhận các phản ánh không tích cực từ du khách về giá cả, chất lượng dịch vụ với dấu hiệu đáng báo động.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nhắc đến Phú Quốc, trừ thời điểm dịch bệnh, rất hiếm khi có tình trạng trống phòng vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, năm qua, đảo ngọc thường xuyên phải chứng kiến tình trạng này.

Đơn cử như dịp lễ 2/9, Phú Quốc đón khoảng 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ 2022, trong đó chỉ có 5.700 lượt khách quốc tế.

Ông Lê Trung Thực, Giám đốc đối ngoại Sunset Sanato Resort and Villas Phú Quốc cho biết, dịp cao điểm du lịch 2/9/2023, công suất phòng chỉ đạt 15 - 20%.

Còn ông Nguyễn Hà Triều, quản lý du thuyền 5 sao Nautilus Phú Quốc cho biết, các dịch vụ vui chơi, giải trí tại Phú Quốc vắng khách. Mỗi ngày du thuyền Nautilus đón 300 - 400 khách tham quan, trong đó lượng khách trải nghiệm dịch vụ chiếm khoảng 30%.

Bài học từ tăng trưởng “nóng”

Từ thực tế này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, nguyên nhân là do sự phát triển quá “nóng” của Phú Quốc thời gian qua; cùng với đó là việc quy hoạch, đầu tư ôm đồm, phát triển nhiều chức năng trong khi quy mô hòn đảo này không lớn.

“Chúng ta tham vọng đặt ra nhiều yêu cầu từ việc hình thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao đến phát triển các trung tâm tài chính thương mại, rồi phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị.

Quá nhiều hạng mục được đầu tư, trong khi đó cái nổi trội của Phú Quốc mà mọi người đều thấy từ cách đây 20 năm là vùng sinh thái chất lượng cao thì lại không được chú trọng phát triển”, TS Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Nếu Phú Quốc vẫn kiên định theo hướng phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao, đẳng cấp như ban đầu thì dù ít khách hơn hiện nay nhưng đem lại nguồn thu lớn và tạo được sức hút lớn, cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế, quan trọng nhất là phát triển bền vững.

“Nhưng Phú Quốc gần như đánh mất mình trong quá trình phát triển. Những hậu quả của việc phát triển quá “nóng”, ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cảnh quan, môi trường đang thực sự hiện diện ở Phú Quốc”, TS Nguyễn Anh Tuấn tiếc nuối.

TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Bản thân tôi cảm thấy sốc khi nhìn vào bức ảnh Phú Quốc từ biển. Một góc hình cho thấy, cả hòn đảo toàn những khối bê tông lộn xộn, không còn mảng xanh nào hiện diện. Đó thực sự là điều đáng tiếc trong rất nhiều điều tiếc nuối về nơi được mệnh danh là đảo ngọc của nước ta”.

Còn ông Trần Việt Anh, Công ty cổ phần Bình Định F1 cho rằng, Phú Quốc là minh chứng rõ ràng của sự đầu tư thiên lệch, quá tập trung cho các dự án bất động sản. Chưa kể là tình trạng xây dựng trái phép “băm nát” cảnh quan của đảo ngọc trong khi cách tiếp cận giải quyết của chính quyền địa phương còn chậm.

Đơn cử, hàng chục căn biệt thự được xây không phép, trái quy hoạch diễn ra thời gian dài song đến nay chưa được xử lý triệt để…

Một lý do khác khiến lượng khách đến Phú Quốc có dấu hiệu sụt giảm sau giai đoạn thành công là tình trạng tiếp nhận, giải quyết thông tin về du lịch của cơ quan quản lý còn chậm; tình trạng lộn xộn, “chặt chém” tại điểm du lịch vẫn tồn tại…

“Giờ là lúc Phú Quốc phải kiên quyết vào cuộc chấn chỉnh để lấy lại hình ảnh, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế sau nhiều biến động vừa qua”, ông Trần Việt Anh nói.

Đề cao yếu tố bản sắc để phát triển du lịch bền vững

Nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề xảy ra tại đảo ngọc Phú Quốc cũng là vướng mắc mà nhiều điểm đến của Việt Nam đang và sẽ gặp phải.

Do đó, để không vướng phải những nguy cơ đã được cảnh báo, các điểm đến cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch, phát triển “nóng”, thiếu bền vững; đồng thời đẩy mạnh khai thác du lịch dựa vào đặc thù của địa phương.

Từ câu chuyện của Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ VH-TT&DL) Hà Văn Siêu cho rằng, để phát triển du lịch bền vững, cần coi trọng yếu tố văn hóa, yếu tố bản sắc và chú trọng huy động nguồn lực tại chỗ. Chính quyền phải nhận thức rõ người dân địa phương mới là chủ nhân của điểm đến.

“Việc phát triển một vùng đất suy cho cùng cũng để phục vụ lợi ích của người dân ở đó. Vì vậy, người dân phải được tham gia vào hoạch định chính sách, vào quá trình phát triển và được hưởng lợi từ quá trình này”, ông Siêu nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ ở Phú Quốc, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) hay Tràng An (tỉnh Ninh Bình), những điểm đến thu hút du khách dễ bị cuốn vào tình trạng phát triển "nóng", bị tác động bởi tình trạng đầu tư thiếu kiểm soát...

Cơ quan quản lý cần quan tâm hơn đến việc cấp phép dự án cũng như chú trọng phát huy nguồn lực tại chỗ.

“Các địa phương khuyến khích đầu tư từ bên ngoài nhưng cũng không nên bỏ qua vai trò của nhà đầu tư bản địa, những người vốn hiểu rõ và có ý thức tôn trọng văn hóa địa phương với mong muốn đóng góp cho du lịch địa phương”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.

Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ana Marina Nha Trang nhấn mạnh, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Yên hay Bình Định, Quảng Ninh… đều phải phát triển du lịch biển bền vững.

Đây chính là điều kiện quan trọng để thu hút khách quốc tế.

“Chúng ta cần có những bộ hành xử quy củ với những địa phương khai thác du lịch biển, bảo tồn hệ sinh quyển mà mất hàng trăm, hàng triệu năm mới hình thành được. Chúng ta cầm vàng trong tay đừng để vàng rơi. Việc phát triển du lịch biển đảo phải có sự tham gia của các nhà khoa học”, ông Hiếu lưu ý.

Minh Châu

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/phat-trien-du-lich-ben-vung-bai-hoc-tu-phu-quoc-20240328215442495.htm