Phát triển công trình thủy lợi phải phù hợp với kinh tế, xã hội

Hệ thống công trình thủy lợi hầu hết đã được khảo sát và đầu tư xây dựng, tuy đã được nâng cấp của một số dự án nhưng cũng chưa đáp ứng được tình hình chuyển đổi cây trồng của người dân, hiện còn nhiều tuyến kênh tiêu, kênh nội đồng cần được đầu tư để phục vụ tưới, tiêu khoa học và tiết kiệm nước.

Dự án trọng điểm tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh Minh Dương

Dự án trọng điểm tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh Minh Dương

Đến năm 2030, tỉnh bảo đảm cấp và tạo nguồn cấp nước cho 310.000 - 340.000 ha đất nông nghiệp, tiến tới chủ động cấp nước cho 90% diện tích lúa 2-3 vụ, 68.000 - 69.000 ha cây công nghiệp hằng năm, 50.000 - 70.000 ha cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm.

Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1,2-1,25 triệu người; cấp nước công nghiệp cho từ 5.000 - 7.500 ha. Bảo đảm tiêu, thoát nước và chống ngập cho 90% ha diện tích đất nông nghiệp và 100% diện tích khu vực đô thị.

Đến nay, hạ tầng thủy lợi đã và đang được đầu tư từng bước theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho tỉnh và quốc gia, làm thay đổi tập quán sản xuất, cơ cấu cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, chủ động nguồn nước tưới, tiêu, giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai như hạn hán, lũ lụt gây ra.

Vẫn còn các công trình cần được nâng cấp, sửa chữa

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh, tổng số kênh tưới của các hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 1.742 tuyến, với tổng chiều dài 1.619,5km. Tuyến kênh được kiên cố hóa là 1.185/1.742 tuyến, tương ứng với chiều dài kênh được kiên cố hóa là 1.153,4km/1.619,5km, đạt tỷ lệ 71,22%.

Gần đây, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh thực hiện 137 công trình, chủ yếu là thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh như kiên cố hóa kênh tưới 64 công trình, với chiều dài kênh được kiên cố hóa 25,752km; phát quang cỏ, vớt rong, nạo vét kênh tiêu, sửa chữa hạng mục công trình, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống kênh, điều tiết nước tưới hợp lý 73 công trình, với chiều dài nạo vét kênh tiêu 86,526km.

Hiện nay, vẫn còn các công trình đầu mối như trạm bơm, hồ chứa như: đập, tràn xả lũ, cống lấy nước hiện đang phục vụ tốt cho việc sản xuất, nhưng qua thời gian dài sử dụng, nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa.

Mặc dù hệ thống kênh mương được thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, duy trì năng lực phục vụ của hệ thống. Tuy nhiên, các hệ thống kênh tiêu chưa được đầu tư tương xứng với hệ thống tưới. Hầu hết các kênh trục tiêu chưa được nạo vét, tu bổ, mạng lưới tiêu nội đồng còn thiếu chưa đồng bộ với hệ thống kênh tưới; hệ thống kênh chính và kênh cấp 1, 2 tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh nhưng hệ thống kênh cấp 3, cấp 4 và nội đồng còn thiếu nhiều.

Các đê bao tiểu vùng kết hợp giao thông nội đồng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực vai trò ngăn lũ, thâm canh sản xuất từ 1 vụ lên 3 vụ lúa mỗi năm. Mặt khác, trước đây, một số khu vực không thể đi lại vào mùa lũ, nhưng giờ đây khi lũ về, người dân có thể đi lại thuận lợi, an toàn bằng các phương tiện giao thông ngay trên đường đê bao.

Nhưng hệ thống công trình được xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục đến nay đã trên 30 năm, mặc dù đã được sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ và không còn phù hợp và theo kịp với tình hình chuyển đổi cây trồng của người dân. Do đó, hiện còn thiếu công trình tạo nguồn, kênh tiêu, kênh nội đồng phục vụ tưới, tiêu, đặc biệt hệ thống giám sát khoa học và tiết kiệm nước.

Quan tâm đầu tư nhiều dự án

Hệ thống công trình thủy lợi Tây Ninh hiện đang phục vụ tốt cho quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân trong tỉnh. Hệ thống thủy lợi đã có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh và các tỉnh trong vùng, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng năng suất cây trồng.

Hiện tỉnh đang kiên cố hóa hệ thống kênh mương để bảo đảm năng lực tưới tiêu, kết hợp với phát triển hệ thống kênh nội đồng, nhằm tận dụng tối đa công năng của hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng.

Công tác đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi trong 10 năm qua với việc hoàn thiện hạ tầng kênh tưới, hoàn chỉnh hạ tầng kênh tiêu, kết hợp với việc mở rộng bờ kênh làm đường giao thông nông thôn, bổ sung hệ thống lưới điện, công trình điều tiết bảo đảm tiêu nước trong mùa mưa, bão; điều tiết, giữ nước trong mùa khô tạo nguồn để tưới, đầu tư kết nối đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn của địa phương, phục vụ vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản của nhân dân... đã đem lại những hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong đó, đáng kể là việc thực hiện các dự án như: Dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng xã Tân Phong, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên; phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng xã Truông Mít, xã Phước Ninh, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu.

Dự án Phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tiêu thoát nước cho 7.790 ha đất sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp tỉnh thực hiện đẩy nhanh đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái có giá trị kinh tế, nâng cao năng suất cây trồng và giá trị sản xuất trên diện tích chuyển đổi cây trồng.

Dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để hình thành các vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, các vùng chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, với diện tích khoảng 8.328 ha tại các xã Suối Đá, Phan (huyện Dương Minh Châu).

Đặc biệt là dự án trọng điểm tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu cho gần 16.953 ha đất nông nghiệp, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Ngoài ra, còn có kênh tiêu Hội Thành, Hội Thạnh, Tân Phú - Tân Hưng và các kênh tiêu trục được đầu tư đồng bộ với giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vận chuyển hàng nông sản với diện tích 7.790 ha thuộc các dự án chuyển đổi cây trồng của 3 huyện Tân Biên, Dương Minh Châu và Gò Dầu.

Đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, xả thải, quản lý chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi, đã có sự phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa nước, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Kết quả bước đầu đã kiểm soát các hoạt động trong vùng lòng hồ, bảo đảm công trình hoạt động an toàn, duy trì cấp nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các dịch vụ khác. Nâng cao mức an toàn phòng, chống thiên tai, bão, lũ, lụt, an toàn hồ đập. Chủ động phòng, chống hoặc thích nghi để giảm thiểu tổn thất, bảo vệ an toàn cho dân cư, bảo đảm ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Quy hoạch thủy lợi phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội

Hệ thống công trình thủy lợi hầu hết đã được khảo sát và đầu tư xây dựng, tuy đã được nâng cấp của một số dự án nhưng cũng chưa đáp ứng được tình hình chuyển đổi cây trồng của người dân, hiện còn nhiều tuyến kênh tiêu, kênh nội đồng cần được đầu tư để phục vụ tưới, tiêu khoa học và tiết kiệm nước.

Ngoài ra, mạng lưới đường giao thông kết hợp bờ kênh đóng vai trò quan trọng trong phân phối, lưu thông vật tư, hàng hóa nông sản cũng còn thiếu và không có nguồn vốn để duy tu và bảo dưỡng thường xuyên sau mỗi mùa mưa, lũ.

Để bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, đô thị, công nghiệp và các ngành kinh tế theo các tiêu chuẩn thiết kế, tỉnh tập trung quy hoạch thủy lợi phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành trong quy hoạch tỉnh, vừa tạo tiền đề, vừa phục vụ hiệu quả cho phát triển, làm cơ sở thực hiện quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Quy hoạch thủy lợi góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế, xã hội; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ hiệu quả và đắc lực cho ổn định dân sinh, phát triển công nghiệp, bảo vệ môi trường;

Đầu tư phát triển thủy lợi dựa trên nền tảng đa mục tiêu và toàn diện, phát huy các thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp từng khu vực, song song với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững, vừa bảo đảm tính thống nhất toàn tỉnh, vừa phù hợp với đặc thù từng khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy đô thị, bố trí dân cư, khu, cụm công nghiệp, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và các ngành khác hiện trạng và theo quy hoạch cùng phát triển.

Ngoài ra, tỉnh tập trung xúc tiến, tiếp cận nguồn vốn ADB để đầu tư các dự án: “Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh”, trong đó tập trung cho việc xây dựng hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ phát triển nông nghiệp thông minh 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu; “Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông- giai đoạn 2”; “Làm mới đập Tha La huyện Tân Châu”; các dự án thủy lợi giai đoạn đầu tư công 2021-2025; kiên cố hóa kênh nội đồng dưới 50 ha được nâng cấp, sửa chữa góp phần kết nối các kênh tưới chính các cấp, hoàn thiện cơ bản hệ thống thủy lợi từ kênh chính đến mặt ruộng.

Nhi Trần

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phat-trien-cong-trinh-thuy-loi-phai-phu-hop-voi-kinh-te-xa-hoi-a144095.html