Phát triển công nghiệp chế biến gỗ, giấy theo hướng bền vững

Ngành công nghiệp chế biến gỗ - giấy ở Phú Thọ là một trong những ngành sản xuất truyền thống được hình thành và phát triển từ những thập niên 60-70 của thế kỷ 20. Xuất phát từ nhu cầu thị trường, lại có lợi thế của vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng dồi dào trên 100 ngàn ha, sản lượng trên một triệu m3/năm, các cơ sở chế biến gỗ đã đầu tư sản xuất các mặt hàng đa dạng có nguồn gốc từ gỗ, tạo việc làm ổn định và thu nhập cho hàng chục ngàn lao động.

Lực lượng kiểm lâm huyện Yên Lập vận động nhân dân chuyển hóa rừng trồng cây gỗ lớn.

Chỉ tính giai đoạn 2016 - 2021, ngành chế biến gỗ, giấy của tỉnh đã đạt mức tăng trưởng khá trên 9%/năm, đưa giá trị sản xuất năm 2021 lên trên 9.000 tỷ đồng gồm 200 nghìn m3 gỗ xẻ, 243 nghìn tấn giấy bìa, 125 nghìn tấn ván bóc, 110 nghìn m3 gỗ ghép thanh và 90 nghìn m3 ván ép. Các sản phẩm gỗ đa dạng từ nguyên liệu thô đến sản phẩm tinh như: Giấy, bột giấy, dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván MDF, HDF, đồ mộc gia dụng, ván thanh, viên gỗ nén, củi ép, than củi... Sản phẩm gỗ được tiêu thụ chính ở trong nước, một phần nhỏ được các doanh nghiệp xuất trực tiếp sang thị trường các nước: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, trong đó có hai doanh nghiệp lớn gồm Công ty Giấy Bãi Bằng (Tổng công ty Giấy Việt Nam) và Công ty CP Giấy Việt Trì. Công ty Giấy Bãi Bằng là doanh nghiệp sản xuất giấy lớn nhất nước, năng lực sản xuất 3.000 tấn giấy/năm và 71.000 tấn bột/năm, doanh thu hàng năm ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân tám triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Giấy Việt Trì có hai xí nghiệp trực thuộc là Xí nghiệp I sản xuất sản phẩm giấy viết, giấy in, vỏ bao xi măng và và xí nghiệp II sản xuất giấy bao bì. Ngoài nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, Công ty thực hiện nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Hiện tổng công suất của Công ty là 80.000 tấn/năm. Chỉ tỉnh chín tháng đầu năm 2022, Công ty đã sản xuất được 119.000 tấn giấy các loại, tiêu thụ 110.000 tấn, doanh thu 1.336 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 66,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,5 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến gỗ-giấy trên địa bàn chủ yếu là thị trường nội địa chiếm đến 86,8% doanh thu, trong khi đó thị trường nước ngoài chỉ chiếm 13,2%, đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế, lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, sản phẩm giấy của hai nhà máy giấy Bãi Bằng và giấy Việt Trì đã chạm trần công xuất thiết kế, sản phẩm chưa phong phú, chất lượng và giá thành chưa cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Cơ chế chính sách quản lý trong nước đối với ngành giấy còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển, nhất là việc thu mua giấy thu hồi; công nghệ lạc hậu, nguồn vốn tái đầu tư hạn chế, sản xuất cầm chừng phụ thuộc thị trường; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo…

Chín tháng năm 2022, Công ty CP Giấy Việt Trì sản xuất 119.000 tấn giấy các loại, nộp ngân sách Nhà nước hơn 66 tỷ đồng.

Để phát triển ngành công nghiệp giấy theo định hướng chung của cả nước, phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phương án phát triển các ngành kinh tế của tỉnh, gắn với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, các công ty giấy cần đổi mới công nghệ, thân thiện với môi trường, đa dạng các sản phẩm, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh; huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế…đúng mục tiêu phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, nhất là các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được. Hạn chế các dự án sản xuất có cùng chủng loại sản phẩm mà doanh nghiệp ngành giấy trong nước đang làm. Tiếp nhận thiết bị và công nghệ tiên tiến; kiên quyết ngăn chặn nhập công nghệ lạc hậu, hao phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường; chuyển từ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô sang chế biến và xuất khẩu sản phẩm tinh, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư; bố trí hợp lý các nhà máy theo vùng, trong đó ưu tiên xây dựng các nhà máy ở khu vực miền núi; khuyến khích phát triển ngành theo hướng chế biến chuyên sâu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường và xuất khẩu; giảm tối đa việc xuất khẩu dăm gỗ, ván bóc như hiện nay; sắp xếp các sản phẩm phù hợp với quy mô từng vùng nguyên liệu; vận động các doanh nghiệp chế biến gỗ tham gia trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất sơ chế đầu vào, cung cấp các nguyên phụ liệu cho sản xuất gỗ, giảm nhập khẩu… Có như vậy mới từng bước xây dựng công nghiệp Phú Thọ đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/phat-trien-cong-nghiep-che-bien-go-giay-theo-huong-ben-vung/187507.htm