Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững

Ngày 13-12, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo quốc tế 'Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững'. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Cần hình thành vững chắc mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra

Cần hình thành vững chắc mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế, nhà xây dựng, hoạch định chính sách, chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp đã tập trung nhận diện hiện trạng và định hình chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.

 Máy cuộn rơm giúp nông dân huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang giảm phát thải, tận dụng làm nấm rơm

Máy cuộn rơm giúp nông dân huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang giảm phát thải, tận dụng làm nấm rơm

Theo PGS-TS Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ), thực tế trong hoạt động của chuỗi giá trị lúa gạo ở Việt Nam còn tồn tại khá nhiều điểm yếu bên trong ngành như: Các tác nhân tham gia trong chuỗi chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình và linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc. Chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, hơn là trong dài hạn; dẫn đến hợp đồng liên kết chỉ mang tính thời vụ.

Thêm vào đó, tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị…

Bên cạnh đó, ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data). Đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường, cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu hàng hóa.

 Nông dân ĐBSCL đang đưa nhiều thiết bị hiện đại vào phục vụ sản xuất lúa. Ảnh: CAO PHONG

Nông dân ĐBSCL đang đưa nhiều thiết bị hiện đại vào phục vụ sản xuất lúa. Ảnh: CAO PHONG

Qua nhiều góc nhìn của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu Quốc tế và Việt Nam, những thành công, kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế tồn tại trong nội tại ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Đề xuất xây dựng phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường lúa gạo thế giới.

Đồng thời lưu ý, cần xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam. Đây được xem là giải pháp mang tính chiến lược, thích ứng với những tác động từ môi trường kinh doanh cạnh tranh quốc tế gia tăng, biến đổi khí hậu, nhận thức nhu cầu tiêu dùng theo hướng an toàn, xanh và sạch gia tăng.

Để thực thi giải pháp này, Nhà nước cần thực hiện và triển khai dự án nghiên cứu và phát triển giống lúa, dựa vào nguồn lực từ các tổ chức/đơn vị nhà nước, kể cả doanh nghiệp tư nhân có năng lực.

VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-trien-chuoi-gia-tri-lua-gao-viet-nam-trach-nhiem-va-ben-vung-post718184.html