Phát triển chính quyền số: Hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp

Năm 2023, Lạng Sơn là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị trên toàn quốc đạt giải thưởng 'Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc'. Điều này khẳng định, thời gian qua công tác xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả tích cực.

Người dân thành phố Lạng Sơn thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND thành phố Lạng Sơn

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đứng thứ 6 toàn quốc về xây dựng chính quyền số với các chỉ số thành phần như: chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và xây dựng các nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động chính quyền số; an toàn an ninh mạng… được đánh giá cao.

Hiện đại hóa nền hành chính

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Phó Trưởng Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh cho biết: Xây dựng chính quyền số nhằm góp phần hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ xây dựng chính quyền số là một trong những trụ cột quan trọng phải được thường xuyên quan tâm, thực hiện. Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện chuyển đổi số, Sở TT&TT đã tham mưu và triển khai nhiều hoạt động như: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, nền tảng điện toán đám mây của tỉnh (Lạng Sơn Cloud); phát triển các ứng dụng số phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Giải pháp vĩ mô tạo nền móng xây dựng chính quyền số được xác định là tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng nền tảng điện toán đám mây của tỉnh (Lạng Sơn Cloud) dựa trên việc hoàn thiện, nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh; ứng dụng các công nghệ số hiện đại như: dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain); xây dựng, tạo lập dữ liệu mở và mở dữ liệu phục vụ cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng; chuẩn hóa dữ liệu số, xây dựng, thiết kế lại quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước dựa trên hạ tầng số và nền tảng số; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ điện tử của các cơ quan đảng, nhà nước theo quy định.

Triển khai xây dựng chính quyền số, UBND tỉnh đã xây dựng, duy trì Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Đây là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp thông tin… hướng tới các hoạt động hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Hằng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 49 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.

Xác định chính quyền số được vận hành hiệu quả thì cần thiết phải xây dựng nền tảng điện toán đám mây nhằm mở rộng kho lưu trữ, giúp nhân viên các cơ quan, đơn vị truy cập, làm việc mọi lúc, mọi nơi; đảm bảo hoạt động thông suốt của các hệ thống, liên tục, an toàn, bảo mật…, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu xây dựng, hoàn thiện nền tảng điện toán đám mây của tỉnh. Thông qua nền tảng này, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh Lạng Sơn được kết nối với 14/17 bộ, ngành trung ương phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, tích hợp và chia sẻ dữ liệu.

Cùng với đó, Nền tảng trợ lý ảo (Chatbot) cũng được triển khai với chức năng chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính và phục vụ công chức, viên chức tra cứu văn bản quy phạm pháp luật. Với câu trả lời chính xác lên đến 90%, khi cần thực hiện thủ tục nào người dân có thể tra cứu để biết được cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện, các giấy tờ cần chuẩn bị… từ đó chủ động triển khai, hạn chế việc đi lại nhiều lần. Từ năm 2022 đến nay, nền tảng trợ lý ảo đã hỗ trợ trên 410.000 lượt hỏi đáp cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng chính là giải pháp đột phá giúp tỉnh Lạng Sơn đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Ngoài ra, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC) được triển khai, nâng cấp; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã triển khai cung cấp 1.503 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 427 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.076 dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân và doanh nghiệp.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều cái “nhất”, tiêu biểu như: là tỉnh đầu tiên triển khai thành công nền tảng cửa khẩu số; là tỉnh đầu tiên triển khai nền tảng điện toán đám mây “Lạng Sơn Cloud” Make in Việt Nam; là tỉnh đầu tiên triển khai ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh; khái niệm và tinh thần chuyển đổi số được lan tỏa đến 100% các sở, ban ngành của tỉnh, 11/11 huyện, thành phố, 200/200 xã, phường thị trấn và 1.658/1.658 thôn, tổ dân phố…

Sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan, đơn vị

Xác định xây dựng chính quyền số là nền tảng để dẫn dắt, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả công cuộc chuyển đổi số chung của tỉnh các sở, ngành, các huyện, thành phố đã đầu tư kinh phí hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin, triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice), văn phòng điện tử ở cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đến 213 điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã phục vụ các cuộc họp trực tuyến với tốc độ đường truyền cao. Cùng đó, mỗi cơ quan, đơn vị cũng triển khai nhiều nền tảng, ứng dụng số phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể nhằm làm tốt công tác thống kê, lưu trữ, phân tích, liên thông, chia sẻ các dữ liệu phục vụ yêu cầu công việc. Tiêu biểu như cơ sở dữ liệu dân cư của ngành Công an; bản đồ quy hoạch của Sở Xây dựng; bản đồ đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường…

Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: Quản trị thông minh là một trong những nội dung chính mà chúng tôi đang hướng đến để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong ngành y tế. Để làm được điều này, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều phần mền, ứng dụng số để tăng tính hiệu quả trong quản lý hồ sơ bệnh nhân như số hóa hồ sơ bệnh án, xây dựng kho lưu trữ và kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế; triển khai khám chữa bệnh từ xa; thu viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng bệnh viện thông minh… tất cả những hoạt động này đều hướng đến phục vụ tốt nhất cho người bệnh cũng như nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong nội bộ ngành.

Không riêng cấp tỉnh, tại các xã, công tác phát triển chính quyền số được quan tâm triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: đầu tư thiết bị, máy chủ ảo, hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ, nâng cấp đường chuyển; các phần mềm liên thông cũng được kết nối, chia sẻ; có sóng wifi tại UBND xã để phục vụ bà con đến thực hiện các thủ tục hành chính.

Anh Hoàng Quốc, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Vừa qua tôi thực hiện đổi giấy phép lái xe qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, lúc đầu nghĩ thủ tục sẽ rườm rà vì tôi không thông thạo công nghệ thông tin nhưng khi bắt tay vào thực hiện tôi thấy rất tiện lợi, nhanh chóng. Cụ thể khi tôi đi khám sức khỏe theo quy định thì thông tin của tôi đã được phòng khám tự động chuyển đến cổng dịch vụ công, tôi chỉ cần gõ mã số trên giấy khám là thông tin sẽ được đính kèm hồ sơ. Cùng đó, tôi cũng không phải đi chụp ảnh, nộp ảnh mà sử dụng điện thoại thông minh để chụp chân dung rồi đính kèm, trên hệ thống còn chức năng thay đổi màu nền theo yêu cầu của từng loại thủ tục nên rất tiện lợi. Tôi chỉ mất 5 phút để điền các thông tin, sau khoảng 1 tuần là tôi nhận được bằng lái xe mới qua đường bưu điện. Tôi thấy rất hài lòng với dịch vụ này.

Không chỉ thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính, thông qua việc xây dựng chính quyền số người dân có thể đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… với lãnh đạo UBND tỉnh thông qua ứng dụng Công dân số xứ Lạng; có thể nắm bắt các thông tin về đất đai, quy hoạch xây dựng, du lịch… thông qua những ứng dụng số có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh. Đến nay, khi người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thì không phải in sao, chuẩn bị nhiều loại giấy tờ, thực hiện nhiều thủ tục mà chỉ phải đi lại một lần, hay có thể tự thực hiện tại nhà. Như vậy, có thể thấy, những tiện ích mà chính quyền số mang lại đều hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Lạng Sơn là tỉnh có nhiều cái “nhất”, tiêu biểu như: Là tỉnh đầu tiên triển khai thành công cửa khẩu số; là tỉnh đầu tiên triển khai nền tảng điện toán đám mây “Lạng Sơn Cloud” Make in Việt Nam; là tỉnh đầu tiên triển khai ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh; khái niệm và tinh thần chuyển đổi số được lan tỏa đến 100% các sở, ban ngành của tỉnh, 11/11 huyện, thành phố, 200/200 xã, phường thị trấn và 1.658/1.658 thôn, tổ dân phố… Chính quyền số là khâu then chốt, có vai trò định hướng, dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, khi hoạt động của các cơ quan nhà nước được ứng dụng công nghệ thông tin và vận hành đồng bộ, có sự kết nối liên thông không chỉ giúp giảm thiểu nhân lực, thời gian, chi phí mà còn làm tăng sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong giải quyết công việc.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/634413-phat-trien-chinh-quyen-so-huong-den-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-nguoi-dan-va-doanh-nghiep.html