Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Việc phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn như chưa có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực...

Phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn là một trong những chủ trương, định hướng chung của Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phù hợp với mục tiêu “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức nhiều diễn đàn về chăn nuôi tuần hoàn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức nhiều diễn đàn về chăn nuôi tuần hoàn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao của trồng trọt (như trồng cỏ, trồng ngô sinh khối,...) làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc; trồng lúa, rau hữu cơ.

Tuy nhiên việc phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực nên chưa phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng triệt để tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn - việc sản xuất và thương mại phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, đa số mới chỉ dừng lại tận dụng để phục vụ trồng trọt tại gia đình.

Một số địa phương chưa quan tâm đến sản xuất chăn nuôi tuần hoàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm đầu ra còn bấp bênh. Nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên khi tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Trung bình mỗi năm 60 triệu tấn phân và trên 290 triệu m3 nước thải chăn nuôicần được xử lý. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Trung bình mỗi năm 60 triệu tấn phân và trên 290 triệu m3 nước thải chăn nuôicần được xử lý. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trong năm 2020 của cả nước trên 156,8 triệu tấn, trong đó trồng trọt chiếm 56,7%, chăn nuôi chiếm 31,9%, lâm nghiệp chiếm 3,5% và ngành thủy sản chiếm 0,7%.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, giai đoạn 2018-2022, mỗi năm có trung bình 60 triệu tấn phân và trên 290 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Sở nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến thời điểm tháng 7 năm 2022, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%; trong đó tỷ lệ xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn đạt 86%, trong chăn nuôi gà đạt 51%, trong chăn nuôi bò đạt 65% và chăn nuôi trâu đạt 8%.

Bà Liên Hương, Phó trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm qua, nhiều mô hình khuyến nông Trung ương về chăn nuôi tuần hoàn đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế chăn nuôi hoàn chỉnh, tạo vòng khép kín từ đầu vào đến tái sử dụng 100% chất thải; các mô hình chăn trên đệm lót sinh học tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp chế phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón đòi hỏi phải có nguồn lực kinh phí, máy móc trang thiết bị phù hợp; chỉ dành cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Trong khi mô hình kinh tế chăn nuôi không khép kín xử lý chất thải sử dụng các biện pháp như: ủ phân làm phân bón hữu cơ; nuôi ruồi lính đen xử lý chất thải chăn nuôi; nuôi giun quế xử lý chất thải chăn nuôi; làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas tạo năng lượng tái tạo… lại dễ thực hiện và thực hiện ở nhiều quy mô chăn nuôi từ nông hộ đến trang trại, nhưng đòi hỏi phải có liên kết mới đảm bảo bền vững.

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Có 13 doanh nghiệp chăn nuôi liên doanh liên kết với khoảng 400 trang trại (trang trại của các công ty: CP, Japfa comfeed, Emivet, Emoss, CJ Vina Agri, Dabaco…) và các hợp tác xã chăn nuôi. Ngoài ra có khoảng 200.000 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm 60% tổng sản lượng thịt hơi các loại.

Các cơ sở chăn nuôi đã sử dụng chế phẩm sinh học, máng ăn tự động, xử lý chất thải bằng hầm Biogas, đệm lót sinh học, giun quế, ruồi lính đen áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tăng khả năng kháng bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Đặc biệt, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng 8 dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn tuần hoàn, khép kín trên địa bàn.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để nhân rộng mô hình chăn nuôi tuần hoàn trong sản xuất, các ngành, các địa phương cần tập trung các vấn đề chính như: cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi tuần hoàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm; các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp khoa học công nghệ nhằm phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; vấn đề quy hoạch, quản lý và tổ chức sản xuất, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong đó có chăn nuôi tuần hoàn tại các địa phương.

Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình chăn nuôi tuần hoàn cần gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm…/.

Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-chan-nuoi-tuan-hoan-gan-voi-lien-ket-tieu-thu-san-pham/305605.html