Phát triển chăn nuôi heo bền vững và tăng cường công tác quản lý oạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Ngày 18.3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Đại diện sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Đại diện sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giải pháp phát triển chăn nuôi heo bền vững

Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn heo của nước ta có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng sản xuất, trong đó, tổng đàn heo đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con), sau đó do có khủng hoảng thừa, tổng đàn heo giảm còn 27,4 triệu con vào năm 2017, tăng trở lại 28,1 triệu con vào năm 2018. Sau đó bị giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả heo châu Phi còn 19,6 triệu con. Tổng đàn heo được hồi phục nhẹ năm 2020 (22 triệu con) và tăng trưởng trở lại vào năm 2021 (28 triệu con).

Trong giai đoạn 2015-2021, tổng đàn heo cả nước tăng trưởng bình quân 0,2%/năm, đàn nái giảm 3,5%, số heo thịt xuất chuồng tăng 0,3%, và tổng sản lượng thịt xuất chuồng tăng 2,8% do năng suất sinh sản và khối lượng xuất chuồng của heo thịt tăng lên. Năm 2021, sản lượng thịt heo đạt 4,18 triệu tấn, chiếm 62,5% trong tổng sản lượng thịt hơi 6,69 triệu tấn.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.

Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18%-22%, nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi làm cho lợi nhuận người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao, việc áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại còn hạn chế. Việc ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi là hạn chế lớn, gây nên nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, hầu hết người chăn nuôi còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian.

Năng suất sinh sản của đàn nái vẫn còn khá thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều. Hiện nay, năng suất, chất lượng đàn giống heo vẫn chưa đạt yêu cầu, năng suất chăn nuôi heo nái của nước ta vẫn còn khá thấp.

Trong thời gian tới, chủ trương chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng, chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh,

Kế hoạch đến năm 2030, tổng đàn heo ổn định ở quy mô đầu con có mặt thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn heo nái dao động khoảng 2,5 triệu con, đàn heo ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%.

Xác định chăn nuôi là ngành tiếp tục có vai trò quan trọng, để đạt được mục tiêu đề ra trong thúc đẩy phát triển đàn heo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai rà soát quy mô đàn heo, đánh giá chất lượng, năng suất đàn heo nái tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp.

Đồng thời, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho heo bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, nhập khẩu và bảo quản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi heo, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên, phụ liệu có sẵn tại địa phương.

Tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh- nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, chỉ đạo triển khai áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cho các loại hình chăn nuôi, đặc biệt là phát triển mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp với chế phẩm vi sinh.

Xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp cho từng vùng sản xuất, phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường bảo đảm có số lượng sản phẩm đủ lớn và đồng nhất về chất lượng, đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Một trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Châu Thành.

Một trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Châu Thành.

Tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Hiện nay, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp, được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại khoảng 30% là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn. Đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, thỏ, nguồn thức ăn chủ yếu là thức ăn thô như: rơm, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp... Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành chăn nuôi- nhất là chăn nuôi heo và gia cầm trong những năm qua, ngành sản xuất TACN công nghiệp của nước ta cũng không ngừng phát triển.

Hiện nay, lĩnh vực sản xuất TACN trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu TACN trên thế giới. Công nghệ sản xuất và quản lý TACN còn thiếu đồng bộ do còn nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thủ công như: tỷ lệ hao hụt nguyên liệu cao, chất lượng TACN thiếu ổn định, giá thành TACN cao. Chi phí cho hoạt động thương mại TACN còn lớn, phần lớn TACN vẫn được phân phối qua kênh đại lý trung gian.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý thức ăn chăn nuôi, các ngành chức năng các tỉnh, thành phố cần có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây TACN (bắp, khoai mì…). Tổ chức sản xuất trồng bắp, khoai mì theo hình thức hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp sản xuất TACN thu mua bắp, khoai mì của nông dân với giá ổn định. Tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất TACN với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo làm TACN.

Phát triển sản xuất protein từ côn trùng như ruồi lính đen để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu. Quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm TACN.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…) và các loại thảo dược.

Trường hợp giá nguyên liệu TACN tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logistics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu TACN.

Từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi heo, gia cầm, tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, bắp sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ bắp, khô dầu các loại. Tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, bắp sinh khối làm TACN cho gia súc ăn cỏ.

Khuyến khích doanh nghiệp và cơ quan quản lý áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến- nhất là công nghệ số trong sản xuất và quản lý giảm các chi phí sản xuất TACN. Tăng cường sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm giá thành sản phẩm TACN.

NHI TRẦN

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phat-trien-chan-nuoi-heo-ben-vung-va-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-oat-dong-san-xuat-kinh-doanh-thuc-an-chan-nuoi-a143293.html