Phát triển cây dược liệu trên đất Đông Hoàng

Năm 2014 một số hộ trên địa bàn xã Đông Hoàng (Đông Sơn) thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dược liệu như cà gai leo, kim ngân, chè vằng… vào sản xuất, canh tác trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Sau vài năm thử nghiệm, nhận thấy trồng cây dược liệu không quá khó, lại có thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND xã đã vận động, khuyến khích người dân nhân rộng diện tích và đa dạng hóa các loại cây dược liệu.

Sau hơn 5 năm nỗ lực, hiện nay toàn xã đã hình thành vùng trồng cây dược liệu có diện tích khoảng 12 ha, thu hút sự tham gia của 31 hộ dân.

Theo đánh giá của người dân, các loại cây dược liệu, như cà gai leo, chè vằng, kim ngân... khá dễ trồng, không đòi hỏi sự chăm bón, kỹ thuật canh tác cao nên khi đưa vào diện tích đất sản xuất lúa hiệu quả kinh tế thấp cây có khả năng thích ứng và sinh trưởng tốt.

Cây dược liệu chỉ cần trồng một lần có thể thu hoạch liên tục trong nhiều năm. Theo tính toán của người dân, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã có sản lượng từ 14-16 tấn sản phẩm khô/ha/năm. Với giá bán trên thị trường khoảng 35-45 nghìn đồng/kg, mỗi ha cho thu nhập 500-700 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 60-70% doanh thu.

Những loại cây dược liệu được người dân thu hoạch theo từng lứa khác nhau, trung bình mỗi năm 3-4 lứa. Với những diện tích trồng trên đất tốt có thể đạt 5-6 lứa/năm.

Sau khi thu hoạch, cây được chặt thành khúc nhỏ, đem phơi hoặc sấy khô sau đó đóng gói tiêu thụ trên thị trường. Từ năm 2020, người trồng dược liệu trên địa bàn xã Đông Hoàng đã liên kết thành lập HTX trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ xã Đông Hoàng.

HTX ra đời đã tạo “cú hích” trong tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. Bên cạnh việc tiêu thụ tự phát, HTX trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ xã Đông Hoàng còn liên kết với HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) tiêu thụ sản phẩm cà gai leo để sản xuất các loại trà cà gai leo và cà gai leo túi lọc.

Sản phẩm cao cà gai leo nấu nguyên chất, cô đặc, đóng lọ thủy tinh của HTX đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc. Hiện sản phẩm được Công ty TNHH Tuệ Linh (Hà Nội) và nhiều hiệu thuốc tiêu thụ. Đối với những cây dược liệu khác trên đất Đông Hoàng, xã đang tìm kiếm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-trien-cay-duoc-lieu-tren-dat-dong-hoang/20632.htm