Phát triển cân bằng đô thị và nông thôn: Xác định các điểm nghẽn cần giải quyết

Là một trong những quy hoạch ngành có ý nghĩa quan trọng, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hướng tới hình thành và phát triển hệ thống đô thị có chất lượng, bền vững, đồng thời xây dựng nông thôn toàn diện, hiện đại. Hiện dự thảo Quy hoạch trên đã hoàn thành và theo các chuyên gia, cần xác định các điểm nghẽn cần giải quyết để bảo đảm tính khả thi.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn cần rà soát, đánh giá, xác định các vấn đề lớn, các điểm nghẽn. Ảnh: Nhật Nam

Tăng cường mối liên kết đô thị - nông thôn

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong 39 quy hoạch ngành quốc gia. Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 24-2-2020, Bộ Xây dựng đã giao Cục Phát triển đô thị là cơ quan lập quy hoạch. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia được lựa chọn là đơn vị tư vấn. Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đang tham vấn ý kiến thẩm định quy hoạch để báo cáo hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đơn vị tư vấn, thực trạng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn thời gian qua mở rộng ở cả 3 cấp độ về không gian hành chính tỉnh, huyện, xã. Xu hướng này tiếp tục tăng mạnh trong thời kỳ 2021-2030. Do đó, mục tiêu của quy hoạch là thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực.

Hệ thống đô thị Việt Nam được định hình, phát triển theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững. Đây sẽ là các đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại nhằm tạo ra môi trường và chất lượng sống đô thị tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các yếu tố kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế cũng được đề cập.

Đồng thời, quy hoạch hướng tới phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị. Đây sẽ là khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được bảo đảm, nơi giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hướng phát triển tất yếu là nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn.

“Quy hoạch được phê duyệt sẽ là một trong các công cụ quản lý quan trọng của ngành xây dựng, hướng tới hình thành tổng thể và tăng cường mối liên kết giữa hệ thống đô thị và nông thôn trên toàn quốc, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ quốc phòng an ninh phù hợp từng giai đoạn phát triển chung của đất nước”, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng nhận định.

Cần bổ sung các nội dung về đô thị

Với ý nghĩa quan trọng nêu trên, dự thảo quy hoạch đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá và góp ý của chuyên gia. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho rằng, để hoàn thiện nội dung quy hoạch cần đánh giá bất cập trong phân loại đô thị, lưu ý nội dung về hạ tầng khung giao thông quốc gia, hạ tầng kỹ thuật thoát nước cũng như đánh giá hiện trạng cấp nước, bổ sung hạ tầng cấp nước cho nông thôn.

“Quy hoạch cần phải làm rõ quá trình đô thị hóa, tách khái niệm đô thị và nông thôn để làm rõ thêm, đồng thời xem xét hệ thống bản đồ trong nội dung quy hoạch, đặc biệt là địa lý, hành chính, hệ thống giao thông, các đô thị quan trọng”, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu ý kiến.

Kiến trúc sư Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận xét, quy hoạch đã bảo đảm đủ các yêu cầu để trình thẩm định, trong đó cơ bản đề cập các nội dung yêu cầu trong nhiệm vụ, quy hoạch cấp trên, cơ sở pháp lý… Tuy nhiên, cấu trúc nội dung cần có sự tương đồng với quy hoạch dân cư nông thôn, bổ sung các nội dung về đô thị cùng nhận định về hình thái tổ chức khu dân cư nông thôn và xem xét định hướng sử dụng đất, phải có quỹ đất cho đô thị hóa, dành quỹ đất để phát triển.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, nhiệm vụ lập quy hoạch là việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, định hướng phát triển cân bằng, bền vững hệ thống đô thị - nông thôn trong thời gian tới. Do đó, để thực hiện tốt quy hoạch, cần rà soát, đánh giá, xác định các vấn đề lớn, các điểm nghẽn cần giải quyết. Trong đó, xác định đô thị là động lực phát triển, cân đối, hài hòa không chỉ kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội. Giữa đô thị và nông thôn cần có sự phát triển cân bằng, không thể tách rời, đặc biệt lưu ý kiểm soát không gian phát triển đô thị vì hiện nay đô thị hóa đất đai nhanh hơn nhiều so với đô thị hóa dân số.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-can-bang-do-thi-va-nong-thon-xac-dinh-cac-diem-nghen-can-giai-quyet-642967.html