Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP nước ta được cải thiện đáng kể sau khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Các ngành công nghiệp văn hóa hiện không phải là khái niệm xa lạ, mà trở thành khát vọng, mong muốn của cộng đồng làm văn hóa sáng tạo và nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, di sản được xem như một nguồn lực văn hóa, có những tác động đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Hai năm trở lại đây, Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nổi bật là Tour đêm với lịch trình trải nghiệm không gian, các hoạt động trong cung đình xưa và những cổ vật hàng nghìn năm tuổi.

Bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp, tour du lịch đêm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng mang lại cho khách tham quan nhiều trải nghiệm mới lạ, khó quên.

Việt Nam lần thứ 4 được World Travel Awards vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu Thế giới" năm 2023. Hiện, Việt Nam có 9 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, trong đó có năm Di sản Văn hóa, ba Di sản Thiên nhiên và một Di sản Hỗn hợp. Với giải thưởng vừa được trao, Việt Nam một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị di sản văn hóa lâu đời.

Đổi mới di sản trở thành điểm đến hấp dẫn, biến văn hóa thành sản phẩm để có thể bán được cho nhiều người, bán được nhiều lần là một trong những cách phát triển kinh tế trong công nghiệp văn hóa. Đến năm 2019, lĩnh vực non trẻ này ở Việt Nam đã chiếm hơn 3,6% GDP của cả nước. Mục tiêu là đến năm 2030, tỷ trọng này phấn đấu đạt 7% GDP, với 220.000 nhân lực trực tiếp và gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.

Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đã có 6 ngành là điện ảnh; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; nghệ thuật biểu diễn; du lịch văn hóa; phần mềm và các trò chơi giải trí đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Hiện, các ngành công nghiệp văn hóa không phải là khái niệm xa lạ mà trở thành khát vọng, mong muốn của cộng đồng làm văn hóa sáng tạo và nhiều địa phương trên cả nước.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 đã yêu cầu Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để công nghiệp văn hóa ngày càng được quan tâm, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-209267.htm