Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, có lợi thế

Những năm qua, công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển khá vững chắc, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của cả nước và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở huy động có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã phát triển những ngành có tiềm năng, thế mạnh, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Công ty TNHH Hwa Sung Vina, KCN Cẩm Khê chuyên sản xuất linh kiện điện tử phục vụ xuất khẩu.

Tạo nền tảng tăng trưởng bền vững

Ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là đầu tàu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Giai đoạn 2018-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,85%, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp đạt 11,72%. Tổng vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp đạt trên 35.000 tỉ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn.

Sản xuất công nghiệp đang dần thay đổi về quy mô, cơ cấu theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhanh, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên. Trên cơ sở các thế mạnh, đặc thù, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, tỉnh đã từng bước phát triển, xây dựng các ngành công nghiệp với những sản phẩm chủ lực.

Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, giảm dần tỉ trọng ngành công nghiệp khai khoáng. Đến nay, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 93% giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó linh kiện điện tử chiếm trên 42%.

Hiện nay Phú Thọ đã và đang phát huy mạnh mẽ các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như công nghiệp điện - điện tử, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hóa chất, may mặc... So với năm 2020, một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như: Giày thể thao tăng 1,9 lần, nhôm thành phẩm tăng 1,5 lần, gạch ceramic tăng 1,2 lần, các sản phẩm điện tử, linh kiện điện thoại tăng 1,8 lần...

Sản xuất linh kiện điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Trên địa bàn tỉnh, công nghiệp điện tử chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu, năm 2022, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng linh kiện điện tử ước đạt 10 tỉ USD. Ngành điện tử thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Có thể kể đến các dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam vốn đăng ký đầu tư hơn 269 triệu USD, Công ty TNHH Hanyang Digitech Vina với số vốn 90 triệu USD, Công ty TNHH Innovation Tương lai Việt Nam 36,5 triệu USD...

Công ty TNHH Hanyang Digitech Vina, Khu công nghiệp (KCN) Phú Hà chuyên sản xuất ổ cứng, dữ liệu máy vi tính bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2019. Đây là doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất tỉnh và là doanh nghiệp đầu tiên của Phú Thọ được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

Ông Choi Dong Hyeon - Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty chúng tôi có kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm trên năm tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động. Trong ngành công nghiệp điện tử, xu hướng về tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh và liên tục đổi mới, vì vậy chúng tôi chú trọng ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chủ động thích ứng, đáp ứng yêu cầu của đối tác, khách hàng”.

Trong bối cảnh thị trường chung biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba, chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực của tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính và nâng cao năng lực vốn, kinh nghiệm quản trị cũng như trình độ sản xuất, công nghệ.

Dây chuyền may quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH SeShin Việt Nam , KCN Thụy Vân.

Phát triển các ngành ưu tiên, có lợi thế

Để tạo động lực phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện công tác thu hút đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự hình thành các khu, cụm công nghiệp đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội; giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Trên địa bàn tỉnh có bốn KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 170 dự án vào đầu tư, trong đó có 90 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 20.700 tỉ đồng, 80 dự án vốn đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.980 triệu USD.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: “Các KCN đã thu hút được một số dự án đầu tư vào ngành có giá trị gia tăng cao như sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, năng lượng tái tạo... Các KCN của tỉnh ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh với các ngành phù hợp định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, thân thiện với môi trường, công nghệ cao, các dự án quy mô lớn, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, phù hợp với tính chất từng KCN. Qua đó, góp phần thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, theo hướng từng bước thu hẹp chiều rộng, phát triển chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm”.

Theo Kế hoạch số 4601-KH/UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện là đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và các ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế phát triển. Nhóm các ngành ưu tiên phát triển gồm công nghiệp điện tử - viễn thông; công nghiệp hỗ trợ. Nhóm các ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế phát triển gồm: Công nghiệp hóa chất, phân bón, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, lâm sản, dệt may - da giày, cơ khí, sản xuất kim loại, chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp năng lượng mới - năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp nông thôn.

Xác định và phát triển nhóm các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế phát triển góp phần phát huy tiềm năng, điều kiện từng vùng, từng địa phương; thu hút, phát triển các ngành, các dự án công nghiệp mới, theo hướng tập trung, phù hợp với vùng nguyên liệu chế biến. Qua đó, giúp doanh nghiệp tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách Nhà nước.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-uu-tien-co-loi-the/202664.htm