Phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao ở Mường Tè

Huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt các loại cây có giá trị kinh tế cao như tam thất, thất diệp nhất chi hoa, cây bẩy lá một hoa, sa nhân tím, cây thảo quả. Thời gian qua huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Sâm Lai Châu hay còn gọi là cây tam thất hoang có tác dụng như cây dược liệu quý hiếm gần giống tác dụng như Sâm Ngọc Linh, chính vì vậy loại cây này được săn lùng và chào bán trên thị trường với giá rất cao tùy theo tuổi và kích thước củ. Ở Mường Tè, Sâm Lai Châu được phân bố tự nhiên ở độ cao 1.900m trở lên. Dù điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây Sâm Lai Châu sinh trưởng và phát triển nhưng việc việc bảo tồn giống gốc của loại sâm này còn gặp khó khăn do người dân bản địa chưa nhận biết hết giá trị của chúng.

Sâm Lai Châu

Sâm Lai Châu

Được ví như Sâm Ngọc Linh, Tam thất đen Mường Tè cũng là loại dược liệu quý có dược tính cao, được khai thác tự nhiên rải rác ở các khu rừng của huyện Mường Tè. Tam thất đen Mường Tè có đặc điểm bên trong có màu xanh đen, bề ngoài có màu vàng đất, vàng rám, củ dài và cứng, dai hình thù kỳ dị chứ không đồng đều như tam thất trồng, củ có nhiều mắt, có rễ mọc xung quanh củ nhưng lưa thưa, không phải loại rễ chùm như cây lúa, cây ngô, có tuổi thọ rất lâu năm. Tam thất đen có vị rất đắng, đắng hơn rất nhiều đối với củ tam thất bắc, sau khi ngậm một lúc sẽ thấy vị ngọt. Là sản phẩm quý hiếm mang lại kinh tế cao cho đồng bào vùng cao Lai Châu.

Tam thất đen Mường Tè

Tam thất đen Mường Tè

Điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với hiệu quả các chính sách hỗ trợ, sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương nên cây dược liệu ở Mường Tè phát triển khá mạnh, hiệu quả mang lại rõ nét, người dân có điều kiện xóa đói giảm nghèo. Ngoài những cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện về bảo tồn cây dược liệu. Từ năm 2018 đến nay Mường Tè đã trồng được trên 3.700 ha cây dược liệu các loại. Qua khảo sát, đánh giá, cây dược liệu trên địa bàn phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.

Ông Tống Văn Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: ở huyện Mường Tè, nhóm cây dược liệu rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đất đai của địa phương. Những năm qua, huyện cũng đã tập trung phát triển một số nhóm cây trồng như: Sa nhân tím, cây thảo quả, thất diệp nhất chi hoa, cây bảy lá một hoa và kêu gọi các cá nhân đầu tư phát triển cây Sâm Lai Châu và Tam thất Mường Tè. Hiện nay một số mô hình trồng sâm của tổ chức, cá nhân và chính sách hỗ trợ của nhân dân đã hình thành và phát triển, trong kế hoạch tới năm 2025, xác định cây chủ lực chính của địa bàn huyện sẽ là cây dược liệu. Để hoàn thành kế hoạch này, Phòng Nông nghiệp tuyên truyền, vận động bà con nhận thức rõ về tiềm năng lợi thế phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện.

Sa nhân tím

Sa nhân tím

Đến nay, huyện Mường Tè đã phát triển được hơn 1.500ha cây Sa nhân tím; trên 2.100 ha cây thảo quả; 2 ha cây thất diệp nhất chi hoa và 3 ha cây tam thất. Đối với cây tam thất, bên cạnh việc trồng và phát triển công tác bảo tồn nguồn gen gốc là nhiệm vụ quan trọng được huyện đặc biệt quan tâm. Cây tam thất được ví như cây làm giàu cho người dân, nhờ có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ dân của các bản, các xã vùng dự án đã thoát nghèo, cuộc sống khá sung túc.

Thất diệp nhất chi hoa

Thất diệp nhất chi hoa

Nhận thấy cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế đưa người dân thoát nghèo từ cây dược liệu là rất lớn, UBND huyện Mường Tè đặt mục tiêu phát triển các loại cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Song hành là hỗ trợ về cơ chế, chính sách.

Cây thảo quả

Cây thảo quả

Ông Đao Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Đá Tạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ, năm 2021 xã bắt tay vào triển khai. Tuy nhiên, xã rất cần các nguồn lực hỗ trợ từ các Dự án 30a, Dự án 135 của Chính phủ, sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước để đưa cây dược liệu phát triển thành hàng hóa, nâng cao đời sống của người dân.

Để phát triển cây dược liệu ở Mường Tè trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại Tiểu dự án 2 (Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) của Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 bằng nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân, tổ chức sản xuất chế biến, tiêu thụ cây dược liệu. Sau thời gian trồng và chăm sóc, đa số người dân đều nhận thấy hiệu quả của các loại cây này và mong muốn được mở rộng hơn nữa. Tỉnh Lai Châu cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. Theo Quyết định số 29/UBND tỉnh Lai Châu và Đề án “Phát triển cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Đối với các loại Sâm Lai Châu, bảy lá một hoa giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh hỗ trợ một lần 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau thời gian trồng, chăm sóc, đa số người dân đều nhận thấy hiệu quả của các loại cây dược liệu, mong muốn được mở rộng diện tích thêm.

Vườn ươm sâm Lai Châu

Vườn ươm sâm Lai Châu

Chị Chu Mò Pa, bản Nà Pê, Tá Bạ, Mường Tè, Lai Châu, nói chung ở đây hợp với các loại cây dược liệu như tam thất, cây thất diệp nhưng cần phải đầu tư và phát triển nhiều. Còn anh Chu Mò Chóng, Bản Sín Chải B, xã Pa Vệ, huyện Mường Tè cho biết, cây sâm có giá trị kinh tế cao, từ năm 2018 tôi mang cây giống về ươm, và trồng ở diện tích 1.500m2 tôi thấy rất hiệu quả, dự kiến sẽ mở rộng diện tích.

Xã Thu Lũm, huyện Mường Tè là địa bàn có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loại cây dược liệu, là thủ phủ của một số loại cây có giá trị kinh tế cao như tam thất, cây nhất diệp lá chi hoa, cây bảy lá một hoa… Ở độ cao gần 2000 m so với mực nước biển, lượng mưa trải đều các tháng trong năm, đất đai màu mỡ, mật độ che phủ của rừng 65%, rất thuận lợi cho cây dược liệu quý phát triển… Do vậy, Thu Lũm đã triển khai trồng 1,2 ha cây dược liệu dưới tán rừng với trên 500 hộ dân tham gia.

Tại một số xã có độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển như xã Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sử đất đai màu mỡ, độ che phủ rừng bình quân đạt trên 65%. Mặt đất ít bị bào mòn thuận lợi cho cây trồng phát triển nhất là cây Sâm Lai Châu. Để cây Sâm Lai Châu trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, huyện Mường Tè đã tăng cường tuyền truyền đến người dân, mở rộng diện tích, trồng và chăm sóc loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao này. Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu dược liệu, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng khởi sắc.

Ông Phùng Lòng Cà, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho hay: qua kiểm tra, đánh giá, cây sâm Lai Châu tương đối phù hợp với một số địa phương của xã như: bản U Ma phát triển trồng cây tam thất, cây bảy lá một hoa lên rất là tốt. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích, mà hiện nay một số người dân cũng tự đi tìm giống tự nhiên ở trong rừng và tự trồng mở rộng diện tích. Đây là một thế mạnh của xã, trong thời gian tới xã tiếp tục có những chính sách quan tâm và động viên người dân mở rộng diện tích trồng sâm chăm sóc và bảo vệ với giống sâm tự nhiên này.

Ông Đào Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, các nhà khoa học đánh giá, cây sâm Lai Châu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Đặc biệt từ trước đến nay, ở huyện đã có sẵn cây sâm bản địa mọc tự nhiên trên rừng và núi đá, trên cơ sở đó, huyện đã đề xuất lên tỉnh và UBND tỉnh cũng đã xây dựng Đề án phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng trong đó có cây sâm Lai Châu. Trong quá trình triển khai UBND tỉnh và huyện đã tiến hành mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh quan tâm đến khảo sát vùng trồng để mở rộng diện tích trồng sâm tại huyện Mường Tè. Thời gian qua, có một số đơn vị trên địa bàn của huyện, tỉnh đã tổ chức triển khai trồng và phát triển cây sâm, kết hợp với bà con góp đất, công lao động ở trên địa bàn. Sau khi trồng thử nghiệm được từ 3 - 5 năm huyện đánh giá cây sâm Lai Châu ở huyện Mường Tè có hàm lượng Sapolin rất cao, đảm bảo các yếu tố phù hợp với điều kiện thực tế của huyện để phát triển thành hàng hóa trong tương lai.

Bên cạnh việc trồng và phát triển bảo tồn nguồn gen gốc của cây tam thất bản địa, thì cây tam thất còn được ví như cây làm giàu giữa đại ngàn. Nhờ có giá trị kinh tế cao nên một số hộ dân ở bản U Ma, xã Thu Lũm đã thoát nghèo cuộc sống ngày càng sung túc. Nhận thấy cơ hội để phát triển kinh tế đưa người dân thoát nghèo từ cây dược liệu là rất lớn. Xã Thu Lũm đặt ra mục tiêu phát triển cây dược liệu thành hàng hóa, song hành là cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu.

Cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào La Hủ bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Trúc Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào La Hủ bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Trúc Hà

Để việc phát triển cây dược liệu trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lai Châu cũng có nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân, tổ chức sản xuất chế biến, tiêu thụ cây dược liệu. Sau thời gian trồng và chăm sóc, đa số người dân đều nhận thấy hiệu quả của các loại cây này và mong muốn được mở rộng hơn nữa.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, chính sách hỗ trợ hiệu quả cùng với sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, việc phát triển cây dược liệu quý trên địa bàn xã Thu Lũm phát triển khá mạnh, hiệu quả mang lại rõ nét, người dân có điều kiện xóa đói giảm nghèo. Ngoài những cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện để bảo tồn phát triển cây dược liệu, xã Thu Lũm cũng chủ động ban hành một số chính sách ban hành nhằm phát triển cây dược liệu phù hợp với điều kiện của địa phương.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-cac-lai-cay-duoc-lieu-co-gia-tri-kinh-te-cao-o-muong-te-post471894.html