Phát triển bền vững ngành dệt may - Bài cuối: Chủ động thích ứng

Thị trường EU và Mỹ hiện là hai thị trường tiêu thụ lớn mà tất cả các nhà sản xuất hàng dệt may trên thế giới đều nhắm đến, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là các thị trường đặt ra nhiều quy định khắt khe nhất về phát triển bền vững, buộc các nhà cung cấp phải chủ động thích ứng và tuân thủ nếu muốn tham gia cuộc chơi.

Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội - một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Luật chơi ngày càng nhiều

Theo ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong năm 2023, EU đã thông qua 11 quy định về phát triển bền vững có liên quan đến hàng dệt may gồm: chỉ thị về Khung chất thải; chỉ thị về Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp; chỉ thị về Thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp; quy định về Thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững; quy định về Vận chuyển chất thải; lệnh Cấm tiêu hủy hàng tồn kho; chỉ thị về Tuyên bố xanh; lệnh Cấm tẩy xanh; luật Vi nhựa; quy định về Ghi nhãn hàng dệt may; chiến lược về Cấm sản phẩm từ lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp EU, đầu năm 2024, EU đã nới thời gian và thu hẹp phạm vi đối tượng áp dụng của một số quy định, nhưng lộ trình chung của đa số các quy định này vẫn được giữ nguyên. Trong đó, chỉ thị về Khung chất thải buộc tất cả các bên trong chuỗi cung ứng dệt may ở EU sẽ phải trả chi phí cho việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải dệt may từ đầu năm 2025. Đối tượng và mức phí phải trả sẽ được Nghị viện EU thông qua sau cuộc bầu cử vào tháng 6 tới.

Chỉ thị về Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp (CSRD) và Chỉ thị Thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) buộc các công ty tại EU phải có báo cáo về các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị không chỉ của mình mà cả các đối tác trong toàn bộ chuỗi cung ứng và báo cáo này phải được bên thứ ba độc lập đánh giá, chứng nhận.

Đối với quy định về Thiết kế sinh thái cho sản phầm bền vững (ESPR), quy định buộc tất cả các sản phẩm lưu hành trên thị trường EU phải đạt được yêu cầu bền vững ngay từ khâu thiết kế. Quy định về Vận chuyển chất thải quy định cấm xuất khẩu rác thải của EU sang các nước thứ ba.

Lệnh cấm Tiêu hủy hàng tồn kho buộc hàng hóa được bán tại thị trường EU phải kèm theo "hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số" để theo dõi đường đi của sản phẩm. Chỉ thị về tuyên bố xanh (GCD) điều chỉnh các tuyên bố sai lệch về môi trường mà các công ty đưa ra trong quảng cáo và ghi nhãn sản phẩm.

Lệnh cấm Tẩy xanh quy định cấm sử dụng các tuyên bố chung về môi trường và độ bền như “thân thiện với môi trường”, “có thể phân hủy sinh học”, “sản phẩm có tác động trung tính, giảm thiểu hoặc tích cực đến môi trường do các kế hoạch bù đắp lượng khí thải”… mà không có căn cứ. Luật Vi nhựa để ra các biện pháp nhằm ngăn chặn phát thải vô ý hạt nhựa; trong đó có vi nhựa trong hàng dệt may thải bỏ.

Cùng đó, quy định về Ghi nhãn hàng dệt may quy định đến năm 2030, các sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải có độ bền cao và có thể tái chế, chủ yếu được làm từ sợi tái chế, không chứa chất độc hại, được sản xuất thân thiện với môi trường và tôn trọng quyền lợi xã hội. Chiến lược Chống sản phẩm từ lao động cưỡng bức của EU cấm đặt hàng, lưu hành hoặc xuất khẩu từ thị trường EU bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất bằng lao động cưỡng bức...

Tương tự như EU, Mỹ cũng đề ra các quy định về phát triển bền vững liên quan đến hàng dệt may như: Đạo luật Trách nhiệm giải trình dữ liệu doanh nghiệp về khí hậu (SB253) và Đạo luật Phục hồi hàng dệt may có trách nhiệm (SB707) áp dụng ở California. Đạo luật Trách nhiệm xã hội và bền vững thời trang New York. Đạo luật về Vải. Đạo luật Thương mại và Đầu tư Châu Mỹ. Đạo luật về Chống lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ,...

Theo ông Vương Đức Anh, các quy định trên sẽ có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới khi xuất hàng vào những thị trường này. Và khi EU có quy định thì các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ làm theo.

Chủ động thích ứng

Để chủ động định hướng cho doanh nghiệp thích ứng và bắt kịp với xu hướng phát triển bền vững của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người. Đồng thời, có những cam kết mạnh mẽ với quốc tế về lộ trình hướng đến giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược phát triển ngành thời trang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Theo đó, định hướng ngành dệt may Việt Nam từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia vào vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng được thương hiệu riêng của Việt Nam để xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, những cam kết trên của Việt Nam cùng yêu cầu của các thị trường đích chính là định hướng cho doanh nghiệp chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Đó là con đường mà các doanh nghiệp phải đi nếu muốn tồn tại và phát triển.

Vitas đã chủ động phối hợp với tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) thực hiện Chương trình xanh hóa dệt may Việt Nam. Qua chương trình đã góp phần tiết kiệm, tái chế đáng kể lượng nước sử dụng. Việc sản xuất một cái quần jean trước đây phải sử dụng đến 80 lít nước nhưng hiện nay chỉ tốn nửa lít nước.

Các doanh nghiệp cũng đã chủ động kiểm toán năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch sang sinh khối (biomass). Nhiều doanh nghiệp đã làm sợi, làm vải từ phế phẩm nông nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp đã linh hoạt đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm để có đơn hàng trong các thời điểm khó khăn; tận dụng hiệu quả thương mại điện tử để bán hàng xuyên biên giới. Đáng chú ý, có công ty chỉ có 10 thợ may nhưng doanh thu bán hàng trực tuyến lên đến 50 tỷ đồng/tháng.

Theo bà Mai, thời đại hiện nay, với công nghệ số, vấn đề minh bạch chuỗi cung ứng là không thể gian lận được. Do đó, chuyển đổi số - chuyển đổi xanh là chìa khóa kép để doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội tin học TP Hồ Chí Minh - đồng sáng lập Công ty cổ phần Giải pháp dệt may bền vững cho biết, hiện có rất nhiều nền tảng của doanh nghiệp công nghệ Việt phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu chuyển đổi số hiệu quả, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có tiết kiệm được đáng kể chi phí trong tổng chi phí khoảng 3 tỷ USD/năm của ngành dệt may dành cho năng lượng, chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn ngành công nghiệp.

Liên quan đến quy định về phát triển bền vững của thị trường EU, theo ông Vương Đức Anh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và chuẩn bị nội dung của báo cáo phát triển bền vững để cung cấp cho khách hàng EU. Việc chủ động sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh trong mắt khách hàng EU.

Liên quan đến quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), mặc dù đến năm 2026, ngành dệt may chưa là đối tượng áp dụng của quy định này nhưng đại diện EU phụ trách CBAM cho biết, dệt may sẽ là đối tượng hàng đầu để họ xem xét khi mở rộng đối tượng áp dụng CBAM.

Do vậy, các doanh nghiệp vẫn có đủ thời gian để chuẩn bị thích ứng. Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của luật bảo vệ môi trường chính là cách thức để doanh nghiệp chủ động thích ứng với CBAM.

Theo ông Đinh Quốc Duy - Trưởng bộ phận đánh giá của Công ty TNHH IDFL Việt Nam, để đạt được chứng nhận tiêu chuẩn toàn cầu, các doanh nghiệp cần nắm rõ yêu cầu của tiêu chuẩn. Các nhà máy cần cập nhật thông tin của hệ thống tiêu chuẩn và cải thiện hệ thống của mình cho phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá. Vì thị trường đang yêu cầu chứng nhận ngày càng nhiều với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn.

Ông Chu Mạnh Quân - Chuyên gia tư vấn của Công ty cổ phần đầu tư Anfazi cho rằng, đổi mới sáng tạo là con đường để đi đến phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy hoạt động sáng kiến trong chính nội bộ hoặc thông qua hợp tác để tăng khả năng tiếp cận công nghệ mới.

Bà Phan Thị Quỳnh Chi - Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, GIZ và các đối tác gồm 19 nhãn hàng, 4 hiệp hội là VITAS, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã xây dựng chương trình Không lãng phí (Waste no more) hợp tác trong vòng 1 năm, nhằm đặt nền móng thúc đẩy hành động tập thể tái chế khép kín rác thải trong chuỗi cung ứng thời trang trước khi tiêu dùng và thúc đẩy việc làm bền vững trong lĩnh vực rác thải ở Việt Nam. Hiện đã có khoảng 500 nhà máy tham gia chương trình này.

Theo bà Chi, nhiều đơn vị cung cấp giải pháp đang nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia rất có lợi thế để đầu tư tái chế khép kín. Quỹ H&M đã cam kết 5 triệu USD hỗ trợ cho 5 nước; trong đó có Việt Nam để duy trì mối liên kết thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong dệt may.

Lâm Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-nganh-det-may-bai-cuoi-chu-dong-thich-ung-20240415161421156.htm