Phát triển bền vững du lịch Vĩnh phúc

Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Đây là yêu cầu phát triển toàn cầu, đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực của mỗi quốc gia và địa phương.

Tham gia thực hiện các cam kết quốc tế cũng như để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và ưu tiên cho phát triển du lịch bền vững trong các chương trình, chiến lược phát triển toàn diện nói chung cũng như đối với phát triển ngành du lịch nói riêng.

Nghị quyết số 08 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”. Đó cũng là cơ sở để đảm bảo du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu đó, nhất là đảm bảo phát triển du lịch bền vững, cần phải kết hợp hệ thống giải pháp toàn diện và đồng bộ, như: Phát triển sản phẩm du lịch; phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch; đầu tư và chính sách phát triển du lịch; hợp tác quốc tế về du lịch; quản lý nhà nước về du lịch…

Vĩnh Phúc - "Vùng đất vàng" du lịch

Hiện nay, Vĩnh Phúc được đánh giá là "vùng đất vàng" cho phát triển du lịch. Tỉnh nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Địa hình như vậy tạo cho Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan hấp dẫn như: Dãy Tam Đảo, nơi có Khu du lịch Tam Đảo – điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách; các hồ Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh, Xạ Hương, đầm Vạc, đầm Rưng… là những tài nguyên du lịch quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc; vườn cò Hải Lựu, vườn cò Đạo Trù… là điểm du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu hấp dẫn gắn liền với những tour du lịch đồng quê.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú mang giá trị cao như: Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu…

Các lễ hội truyền thống (lễ hội Tây Thiên, lễ hội Chọi trâu, lễ hội đền Thính…); các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo (hát Trống quân, hát Soọng cô, hát Sình ca…) và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống; trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương của Vĩnh Phúc cũng là sức hút du khách.

Sẵn lợi thế về vị trí địa lý, lại có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa nổi tiếng, Vĩnh Phúc đã và đang là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế.

Trong kế hoạch phát triển, tỉnh đã đặt rõ mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách địa phương, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Quá trình phát triển kinh tế song hành với phát huy truyền thống bản sắc dân tộc, tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống, cảnh quan, môi trường. Triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện đến cán bộ, đảng viên, phổ biến rộng rãi trong nhân dân; công khai các quy hoạch, nhất là các dự án, đề án phát triển dịch vụ, du lịch.

Trong đó, gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm chính trị với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo; tạo môi trường phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng bền vững, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự phối hợp giữa các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và các phong trào thi đua yêu nước.

Phát triển du lịch bền vững của Vĩnh Phúc thể hiện rõ trong định hướng phát triển ngành được thể hiện trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025): “Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào phát triển du lịch tâm linh, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng có chất lượng cao. Làm tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc.

Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các khu, điểm du lịch trọng điểm; khuyến khích các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch khu vực Tam Đảo, Tây Thiên, Ngọc Thanh, Đầm Vạc, Sáu Vó, các khu vực lợi thế; hỗ trợ các hoạt động du lịch, các tuyến du lịch kết nối với các khu du lịch trên toàn quốc và khu vực…”.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững của địa phương: “Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho du lịch Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trước mắt và lâu dài. Phát triển du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, chiến lược phát triển vùng

Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với mục tiêu vì con người, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phát huy nội lực, đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và nguồn tài nguyên nhân văn. Xây dựng các khu du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc; bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, du lịch Vĩnh Phúc đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Thực hiện chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển của các cấp ủy Đảng và chính quyền, nhờ chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhiều công trình văn hóa - xã hội, hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại. Các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, lễ hội, tâm linh… ngày càng phát triển.

Vĩnh Phúc đã thu hút số lượng lớn nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào phát triển du lịch và đã đón hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch nhằm khơi dậy các tiềm năng cho ngành du lịch.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Tam Đảo, đã có nhiều dự án đầu tư, với số vốn hàng nghìn tỷ đồng vào khu du lịch Tam Đảo 1, 2; trung tâm văn hóa lễ hội, cáp treo Tây Thiên, sân golf, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, resort…

Trong 5 năm qua, tỉnh đã đón hơn 8,4 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân 5 năm 2015 - 2020 đạt 9,69% đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành dịch vụ của tỉnh tăng 6,21% trong 5 năm qua và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu đảm bảo phát triển bền vững, ngành du lịch của tỉnh đang còn một số hạn chế. Trước hết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, toàn diện như hiện nay, nhân lực ngành du lịch của tỉnh còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển ngành cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu; thiếu nhiều nhân lực thuyết minh, hướng dẫn viên; quản lý doanh nghiệp; quản trị kinh doanh; chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển ngành; các chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch.

Đặc biệt, trước những tác động mạnh mẽ của những làn sóng của đại dịch Covid – 19, ngành du lịch của tỉnh đang gặp phải nhiều khó khăn. Khoảng 95% doanh nghiệp rơi vào tình trạng khách hủy tour, hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn khiến doanh thu toàn ngành sụt giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn 42% so với tháng trước và giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt hơn 183 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú đạt hơn 10 tỷ đồng, dịch vụ ăn uống đạt hơn 172 tỷ đồng và dịch vụ lữ hành đạt 1,2 tỷ đồng…

Giải pháp phát triển du lịch bền vững

Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, đặt phát triển du lịch vừa là động lực, vừa là mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh và bền vững. Cần có những định hướng phấn đấu toàn diện hơn, xác định rõ các sản phẩm du lịch có thế mạnh. Đồng thời, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo hiệu quả kinh tế, tính cạnh tranh để các doanh nghiệp, người lao động và các điểm du lịch có khả năng phát triển, đạt lợi nhuận, thu nhập ổn định lâu dài; nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách để từng bước trở thành tỉnh thu hút và phân phối khách du lịch của vùng và khu vực phía Bắc.

Hai là, về quy hoạch và đầu tư: Trên cơ sở của quy hoạch tổng thể, tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị xanh. Quan tâm giải quyết tốt lợi ích Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp để tạo niềm tin thu hút các nguồn lực xã hội vào hoàn thiện các khu, điểm, cụm du lịch hiện có mang tầm cỡ khu vực phía Bắc để tạo sức hút và sự lan tỏa. Trước mắt, hoàn thiện các khu, điểm du lịch Tây Thiên, Tam Đảo 1, Đại Lải, Đầm Vạc, tập trung hỗ trợ tốt nhất cho triển khai dự án khu du lịch Tam Đảo 2...

Ba là, văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường phải được gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương, tại các điểm du lịch. Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, kể cả ở nông thôn và đô thị, tránh để môi trường xuống cấp. Du lịch Vĩnh Phúc phải là du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn. Hỗ trợ bảo tồn hệ động, thực vật. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng, phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.

Bốn là, về liên kết phát triển du lịch; là ngành kinh tế tổng hợp nên Nhà nước phải là chủ thể trong điều tiết các nguồn lực, kết nối nội vùng, liên vùng, giữa các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội... Tập trung khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao, có như vậy thì du lịch mới phát triển nhanh và bền vững.

Năm là, về nguồn nhân lực, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong cả quản lý ngành, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Rà soát, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và thực hành nghiệp vụ du lịch nhân lực hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, trong quản lý và phát triển du lịch, trong đào tạo nguồn nhân lực cần quan tâm đến yếu tố văn hóa của nguồn nhân lực, đây là cốt lõi để tạo ra được sự khác biệt trong nguồn nhân lực và nguồn lực của con người Vĩnh Phúc.

Sáu là, cần có cơ chế ưu tiên phát triển du lịch, nhằm thu hút các nguồn lực cho các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nhưng còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhân lực như huyện Tam Đảo. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch; Cần phải tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng; Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ số; phát triển thêm nhiều sản phẩm như du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc sử dụng các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, phát triển du lịch bền vững là yêu cầu và xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như ở mỗi địa phương. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường đầu tư nguồn lực vào du lịch, tạo nên lực đẩy cho kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Theo đó, ngành du lịch đã đạt được nhiều thành tựu nổi trội. Để đạt được những mục tiêu đề ra, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là có thể vượt qua những khủng hoảng do sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid – 19, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và ngành du lịch nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Phát triển sản phẩm du lịch; phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch; đầu tư và chính sách phát triển du lịch; hợp tác quốc tế về du lịch; quản lý nhà nước về du lịch…

Nguyễn Hồng Nhung

(PTBT Báo Vĩnh Phúc)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/73439/phat-trien-ben-vung-du-lich-vinh-phuc.html