Phật ở trên đầu

Phật không ở trong tượng, Phật không ở trong chùa, Phật không ở trên trời, Phật ở trong tâm ta. Không phải cứ đi tu là thành Phật, mà kiến tính thành Phật.

“Đi chùa thì dễ, đi đúng đường đạo thì khó.

Thành Phật tử thì dễ, thành Phật thì khó.”

Đường lên Yên Tử đất Phật giờ đã có hệ thống cáp treo hiện đại. Từ chùa Giải Oan chân núi thiêng lên chùa Hoa Yên là một tuyến, dài 1204m, gồm 25 cabin. Từ chùa Một Mái lên An Kỳ Sinh là tuyến thứ hai, dài 897m, gồm 36 cabin. Mỗi cabin hai ghế cho 6 khách.

Mùa Phật đản, tôi có được cơ duyên lên tận Chùa Đồng bằng cáp treo và bằng đôi chân bộ hành. Bước vào nhà ga cáp treo đã như lạc vào nhà ga tàu điện của đất nước nào bên tận châu Âu châu Mỹ văn minh, tiện nghi, nhanh chóng. Ngồi vào cabin, hệ thống cáp xoay ro ro, không đầy 10 phút “vân du" đã ga đến. Cabin lướt theo sườn núi, là đà trên thảm xanh Yên Tử còn dáng vẻ nguyên sinh với tầng tầng trúc rủ, lớp lớp thông nghiêng. Nhìn từ trên xuống, thấy hoa lá Yên Tử muôn màu. Nhiều loài hoa xếp lớp, khoe chùm, buông chùng trong gió. Lộc non biêng biếc, vàng, tím nõn nà, từ xa, trông chẳng khác màu hoa.

Cáp treo ở Yên Tử

Lên đất Phật bằng cáp treo thật tiện lợi. Nhưng phía dưới kia, con đường cheo leo nghìn bậc đá gập ghềnh vẫn cả trăm, ngàn người vai khoác túi vải, tay gậy trúc, ngược hết quành dốc cao, eo núi đứng, qua hết chùa này tháp nọ vãn cảnh Linh Sơn, chiêm bái Đức Phật. Trong đoàn người thành kính đếm bước bộ hành kia, có không ít người già tuổi bảy, tám mươi. Sự có mặt của hệ thống cáp treo dường như không tỏ ra bất hợp lý. Nó là biểu tượng của công nghệ hiện đại góp mặt ở vùng văn hóa tâm linh có từ ngàn năm trước. Con đường đất nghìn bậc đá dốc cao ghập ghềnh kia cũng không tỏ ra lạc hậu hết thời mà vẫn được ngàn vạn bàn chân ráng bước đặt lên, hướng lên phía đỉnh Phù Vân.

Giữa thời buổi hiện đại này để lên được tận cùng đỉnh Linh Sơn, để được tắm mây gội gió, thắp nén hương thành tâm nơi Chùa Đồng uy nghi mà gần gũi này ít nhất có hai con đường. Vẫn có không ít nhà sư ngồi cabin tay lần tràng hạt miệng tụng kinh, và rất nhiều thanh niên nam nữ, họ không phải Phật tử nhưng làm khách bộ hành đếm bước đến bậc đá cuối cùng. Thiết nghĩ, con đường nghìn bậc đá cheo leo và con đường bằng cáp treo hiện đại kia đều đưa con người ta đến đất Phật.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: giacngo

Phật không ở trong tượng, Phật không ở trong chùa, Phật không ở trên trời, Phật ở trong tâm ta. Không phải cứ đi tu là thành Phật, mà kiến tính thành Phật. Nên dù cùng tìm đường đến Tây Thiên, Ác Lai thành Phật còn nhà sư thì không./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phat-o-tren-dau-209550.htm