Phát lộ những khúc cây triệu năm hóa đá quý ở Gia Lai

Cách đây vài triệu năm, một khu rừng nhiệt đới cổ đại bao trùm khu vực rộng lớn mà ngày nay là các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk...

Đây là một số mẫu vật thú vị được Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội giới thiệu với công chúng tại triển lãm "Lịch sử hình thành Trái Đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch", diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.

Thoạt nhìn, những vật thể này trông không khác gì khúc cây khô mà chúng ta thường dùng làm củi đun.

Nhưng quan sát kỹ, sẽ thấy bên trong chúng là một loại đá sáng bóng, có độ trong mờ, màu sắc đẹp như đá quý.

Những thứ đang được đề cập ở đây chính là gỗ mã não, một dạng hóa thạch độc đáo của các loài thực vật cổ đại.

Các mẫu gỗ mã não này được thu thập tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Chúng từng thuộc về một loài cây thân gỗ sống vào thời kỳ Pliocen – Pleistocen, cách đây 5,35-1,59 triệu năm.

Vào thời kỳ này một khu rừng nhiệt đới cổ đại bao trùm khu vực rộng lớn mà ngày nay là các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.

Trong những tháng ngày xa xưa đó, núi lửa hoạt động dữ dội khắp đại ngàn Tây Nguyên. Một ngày nọ, tại khu rừng nhiệt đới ở xã Chư A Thai, dung nham núi lửa phun trào với sức nóng lên đến hàng nghìn độ C.

Cả khu rừng bị bao phủ bởi nhiều lớp bazan. Lá cây cháy thành tro bụi, còn lại các thân cây gỗ bị cuộn trong nham thạch núi lửa.

Trải qua hàng triệu năm, các mô gỗ dần bị thay thế bằng oxit silic (SiO2) và các nguyên tố màu như Cu, Fe, Mg, Ti… rồi biến đổi thành đá mã não.

Mỏ gỗ mã não Chư A Thai đã được người dân phát hiện cách đây gần 20 năm và là mỏ gỗ mã não lớn nhất Việt Nam hiện tại.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2005, khi một vài người dân ở xã Chư A Thai phát hiện một gốc cây gỗ mã não có đường đường kính lên đến 1,4 mét.

Từ đó người dân tứ xứ đã đổ về nơi đây tìm những khúc gỗ mã não có giá trị để bán kiếm lời, khiến dãy núi Chư A Thai được mệnh danh là vương quốc của gỗ mã não.

Là một dạng đá bán quý, mã não đã được con người sử dụng phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc đá từ thời cổ đại.

Ngày nay loại đá này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như làm vật liệu trang sức, đồ nội thất, vật dụng sinh hoạt, thiết bị khoa học...

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-lo-nhung-khuc-cay-trieu-nam-hoa-da-quy-o-gia-lai-1982869.html