Phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp

Hiện nay, huyện Yên Châu có 64 hợp tác xã nông nghiệp, với hơn 1.000 thành viên. Các hợp tác xã thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

Công nghệ sấy chuối bằng năng lượng mặt trời của HTX nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.

Công nghệ sấy chuối bằng năng lượng mặt trời của HTX nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.

Hợp tác xã Thanh Sơn, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, thành lập từ năm 2018 với 7 thành viên, trồng 25ha rau màu các loại; trong đó, 17ha được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện nay, HTX đã thực hiện liên kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các loại rau, củ, quả cho các hộ thành viên; trồng 3ha bắp cải, 2,5ha bí xanh trái vụ theo hướng hữu cơ, sản lượng 110 tấn/năm, bán với giá từ 5.000-13.000 đồng/kg để cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối ở thành phố Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Thanh Sơn, cho biết: Rau màu thường chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, dễ phát sinh sâu bệnh. Vì vậy, HTX vận động các thành viên luôn áp dụng kỹ thuật trồng rau an toàn, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và phân vi sinh; việc phòng trừ sâu bệnh chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và đủ thời gian cách ly mới được thu hoạch. Đặc biệt, 100% nguồn nước tưới rau ở đây sử dụng nước giếng khoan, không bị ô nhiễm. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm rau, quả luôn đảm bảo, an toàn, được khách hàng đánh giá cao, nhiều thương lái liên hệ thu mua. Sản lượng rau của HTX đạt gần 400 tấn/năm, doanh thu gần 2 tỷ đồng.

Còn tại HTX nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, để nâng cao giá trị sản phẩm chuối địa phương, HTX đã áp dụng sấy chuối bằng năng lượng mặt trời và được Dự án cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh (GIZ) của Đức đánh giá cao, hỗ trợ xây dựng 70 m2 nhà sấy năng lượng mặt trời, gồm hệ thống mái mica tích tụ nhiệt theo hình vòm trên sàn xi măng, được trang bị hệ thống quạt hút ẩm, cửa ra vào có lưới chống côn trùng. Sử dụng nhà sấy bằng năng lượng mặt trời tận dụng được nguồn nhiệt sạch, tiết kiệm chi phí. Trong quá trình sấy, cách ly thực phẩm hoàn toàn với các yếu tố môi trường ngoài như mưa, bụi, côn trùng... nên sản phẩm vừa chất lượng, vừa đảm bảo sạch, an toàn.

Bà Quàng Thị Lả, Giám đốc HTX chia sẻ: Hiện nay, mỗi tháng HTX sấy 2 tấn chuối tươi, thu khoảng 800kg chuối khô, bán với giá 50.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chính tại các chuỗi cửa hàng trong tỉnh và thành phố Hà Nội; doanh thu đạt gần 500 triệu đồng/năm. Qua đó, giúp sản phẩm chuối tiêu thụ ổn định, tạo việc làm cho lao động, chủ yếu là phụ nữ tại địa phương.

Cũng như 2 HTX trên, các HTX trên địa bàn huyện Yên Châu đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đầu tư vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Một số HTX tích cực xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm rau, quả, như: Sản phẩm nhãn và long nhãn của HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng và HTX hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang; liên kết tiêu thụ xoài của HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, xã Chiềng Hặc; mận hậu của HTX Toàn Phát, xã Phiêng Khoài; rau của HTX nông nghiệp Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn và HTX Thanh Sơn, xã Yên Sơn... góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng giá trị thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, huyện tổ chức các lớp tập huấn; hỗ trợ bao bì, tem, nhãn truy xuất nguồn gốc cho các HTX, tổng trị giá gần 5,5 tỷ đồng. Tổ chức cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; triển khai các chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn, tổng số vốn đã giải ngân hàng tỷ đồng... Hằng năm, huyện còn phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp bồi dưỡng về năng lực quản lý, kỹ năng quản trị cho đội ngũ quản lý HTX, các thành viên HTX, tổ hợp tác và những người có nhu cầu về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên địa bàn.

Những chuyển biến tích cực về phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất, đầu tư, liên kết gắn với chuỗi giá trị của các HTX nông nghiệp ở Yên Châu đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho thành viên, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-cua-cac-hop-tac-xa-nong-nghiep-44v0JpRSR.html