Phát huy vai trò của báo chí trong quảng bá, phát triển văn hóa Bình Phước

TS. Nguyễn Thị Minh Nhâm
Tỉnh ủy viên, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

BPO - Báo chí là một sản phẩm văn hóa, một bộ phận cấu thành của văn hóa. Báo chí đã và đang góp phần đưa văn hóa thẩm thấu vào đời sống, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “soi đường cho quốc dân đi”.

Đồng hành với báo chí cả nước, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã thực hiện tốt các chức năng thông tin, tư tưởng, quản lý, giám sát, định hướng dư luận xã hội, là môi trường nâng cao tri thức, văn hóa đại chúng, là kênh giải trí, góp phần quảng bá, phát triển văn hóa tỉnh Bình Phước. Với tư cách là một sản phẩm văn hóa, báo chí làm phong phú một cách thống nhất văn hóa trên con đường Bình Phước phát triển.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Hơn 26 năm, kể từ khi thành lập và hoạt động, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, Báo Bình Phước trước đây và Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước hiện nay trở thành kênh truyền thông chính yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền toàn diện các lĩnh vực của tỉnh. Trong thực thi các nhiệm vụ đó, trọng trách đưa hình ảnh, gương mặt, tư chất văn hóa của vùng đất và con người Bình Phước đến với công chúng rộng rãi luôn là sự ưu tiên đặc biệt cả về thời lượng, dung lượng và không ngừng nâng cao chất lượng.

Báo chí đã và đang góp phần đưa văn hóa thẩm thấu vào đời sống. Trong ảnh: Đội cồng chiêng xã Bình Minh biểu diễn tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng

Trên sóng truyền hình, BPTV thực hiện các chương trình phóng sự, phóng sự tài liệu, phim ảnh, văn nghệ giải trí… về lịch sử của đất nước, về truyền thống dựng nước và giữ nước, về lịch sử hình thành đảng bộ các địa phương trong tỉnh và nét độc đáo của văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Phước. Đồng thời, tổ chức sản xuất các chuyên mục quảng bá giá trị văn hóa, hình ảnh đẹp về con người Bình Phước như: Hành trình Bình Phước (26 kỳ phát sóng/năm), Bình Phước đất và người (26 kỳ phát sóng/năm), Cuộc sống tươi đẹp (52 kỳ phát sóng/năm), Chào nhé yêu thương (26 kỳ phát sóng/năm), Văn hóa các dân tộc trong chương trình tiếng dân tộc thiểu số (52 kỳ phát sóng/năm)...

Xác định phát thanh là mảnh đất rộng lớn và giàu tiềm năng, hàng loạt chương trình ra đời giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, những sản phẩm văn hóa đến với thính giả, chủ động góp phần thực hiện hiệu quả chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ một cách đa dạng và sinh động cho công chúng rộng rãi. Theo đó, chương trình văn hóa, văn nghệ, giải trí chiếm 60% thời lượng phát sóng hằng ngày của phát thanh và truyền hình. Các chương trình mới về giải trí định kỳ hằng tuần, như: Tài tử phương Nam (52 chương trình/năm), Giai điệu Việt (52 chương trình/năm) và Bình Phước buổi sáng (365 chương trình/năm)... ra đời trên BPTV.

Từ khi hợp nhất (ngày 28-10-2019) đến nay, trung bình mỗi năm, BPTV duy trì phát sóng 6.000 chương trình về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, giải trí trên sóng phát thanh, gần 5.000 chương trình trên sóng truyền hình, thực hiện 260 chuyên trang về văn hóa trên báo in với hơn 1.000 tin, bài và khoảng gần 1.500 tin, bài trên báo điện tử mỗi năm. Sức lan tỏa của thông tin rất lớn khi hạ tầng số của BPTV đang rất phát triển và đi đúng hướng.

Đồng thời, báo in, báo điện tử duy trì và phát triển chuyên trang văn hóa trên các số ra hằng ngày, với các thể loại, tập trung vào việc khảo cứu, quảng bá và phát triển về văn hóa, du lịch, nhất là về nhịp sống và phát triển của Bình Phước.

Đặc biệt, ngoài chương trình tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số (S’tiêng, Khmer), sau khi hợp nhất, BPTV đã mở bản tin tiếng Anh trên sóng phát thanh, truyền hình và các hạ tầng số; sản xuất chương trình Hành trình Bình Phước bản tiếng Anh trên sóng truyền hình và hạ tầng số, để lan tỏa hình ảnh, gương mặt, phẩm giá đất và người Bình Phước đến với cả nước và bạn bè quốc tế.

ĐƯA GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẾN VỚI CÔNG CHÚNG

Đích đến của BPTV là hướng về và phục vụ công chúng. Từ sự khảo sát và tích hợp nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của công chúng, BPTV chủ động đổi mới mạnh mẽ, toàn diện bằng nhiều chương trình phù hợp, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền theo từng nhóm công chúng khác nhau, đảm bảo vừa sâu rộng vừa kịp thời. 6 tháng đầu năm 2023, trên sóng phát thanh thực hiện 2.980 chương trình/34 đầu mục chương trình văn nghệ - giải trí, trong đó có 277 chương trình trực tiếp. Trên sóng truyền hình, trong 6 tháng, phát sóng 1.575 chương trình, trong đó có 88 chương trình tự sản xuất; phát sóng 1.037 giờ phim truyện (706 giờ phim truyện nước ngoài, 331 giờ phim truyện Việt Nam); 206 giờ chương trình thiếu nhi.

Ê-kíp cán bộ, phóng viên, MC của BPTV ghi hình tại làng bè xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập để giới thiệu về vẻ đẹp sông nước và cuộc sống của người dân nơi đây

Thông qua các chương trình định kỳ mang đậm tính nhân văn, như “Chia sẻ nỗi đau”, “Chắp cánh ước mơ”, “Khát vọng sống”, BPTV giới thiệu một loạt hình ảnh những người con Bình Phước giàu lòng yêu thương, sẵn sàng sẻ chia, nâng đỡ những cảnh đời khốn khó với tinh thần “lá lành đùm lá rách”… đã tạo nên sự lan tỏa rộng rãi và có sức lay động sâu sắc. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, BPTV đã kết nối, vận động từ các tổ chức từ thiện - xã hội, các nhà hảo tâm, thông qua các chương trình nhân đạo gần 3,1 tỷ đồng, dành trao cho 19 nhân vật hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. Chương trình “Ấm áp tình xuân” đã vận động các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 850 phần quà, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng, trao đến các gia đình khó khăn trong tỉnh... Tất cả đã lan tỏa những thông điệp sống tích cực, nhân văn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thiện nguyện phát triển một cách sâu rộng và tự giác.

Trước sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội, với nhiều thông tin thất thiệt, BPTV chủ động đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, những lối sống thực dụng, phi văn hóa, để bảo vệ Đảng, chế độ, khẳng định những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân và nâng cao niềm tin xã hội. Mặt khác, BPTV lựa chọn thông tin tích cực, đây là dòng thông tin chủ lưu gắn dẫn dắt dư luận rộng rãi đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, phi văn hóa trong xã hội. Không chỉ ưu tiên tăng thời lượng những chương trình văn hóa, văn nghệ quảng bá về nét đẹp, truyền thống văn hóa của đất nước, của tỉnh Bình Phước, đồng thời BPTV không ngừng tìm tòi, đổi mới phương thức thực hiện các chương trình chính luận theo hướng đưa văn nghệ vào chính luận, chú trọng cổ vũ những hành động đẹp, những điển hình tiên tiến, những thông điệp văn hóa lành mạnh. Qua văn hóa, văn nghệ để hấp dẫn công chúng đến với báo chí và qua báo chí dẫn dắt công chúng đến với chính trị bằng văn hóa và thông qua văn hóa.

NHẬN DIỆN THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC MỚI

Những giá trị văn hóa sẽ được lan tỏa và tiếp nhận qua nhiều kênh khác nhau, trong đó, báo chí luôn là phương tiện chính yếu để cả nước biết và hiểu về Bình Phước, về vùng đất tươi đẹp, nơi hội tụ của 41 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Thuận lợi căn bản và to lớn nhất của BPTV chính là sự hiện diện của 40 thành phần dân tộc thiểu số với những đặc trưng khác nhau, văn hóa phong phú, nơi tương tác và giao thoa của các nền văn hóa độc đáo. Đây chính là nguồn đề tài vô tận, là chất liệu quý để sáng tạo những tác phẩm báo chí sinh động và hấp dẫn. Về phương thức tổ chức và phương tiện kỹ thuật tác nghiệp, việc ứng dụng hiệu quả mô hình tòa soạn đa phương tiện, đa sản phẩm, đa nền tảng trở thành chân trời sáng tạo thông tin trên cả nền tảng phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội một cách chủ động, đồng bộ và thống nhất trong tiếp cận đông đảo, đa dạng công chúng hơn so với trước.

Tuy nhiên, BPTV đang phải đối diện với nhiều khó khăn, trước hết là kinh phí sản xuất chương trình. Để sản xuất một chương trình giải trí truyền hình đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách vốn không tương xứng. Do đó, phải vận động kinh phí sản xuất. Nhưng, việc xã hội hóa vốn dĩ rất khó khăn, nhất là hiện nay sau đại dịch Covid-19, BPTV luôn thiếu nguồn lực. Vì những khó khăn đó, đơn vị chưa sản xuất được nhiều chương trình văn hóa - giải trí thực sự đặc sắc, mang tính định kỳ và xứng tầm với Bình Phước. Đây là thiệt thòi rất lớn không chỉ đối với BPTV và cả nhân dân Bình Phước. Ngoài chi phí sản xuất lớn, vấn đề tuân thủ bản quyền trên nền tảng số làm gia tăng chi phí sản xuất, trong khi kinh phí đang là rào cản lớn nhất. Thêm nữa, hệ thống thiết chế văn hóa chưa phát triển đúng tầm cũng là một khó khăn đối với báo chí và truyền thông Bình Phước trên phương diện này.

TIẾP TỤC PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA BÁO CHÍ TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

BPTV là cơ quan thuộc khối văn hóa, làm văn hóa, sản phẩm báo chí của mình là sản phẩm văn hóa, do đó, một cách tự nhiên phải nỗ lực xây dựng một cơ quan báo chí văn hóa, với những người làm báo thực sự ngang tầm văn hóa.

Đó là nhân tố quyết định căn bản và trước hết thành công trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BPTV nỗ lực không ngừng thực thi toàn diện trọng trách này, theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Khách tham quan tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng

Trên cơ sở đó, đơn vị đã chủ động đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, hướng vào xây dựng và phát triển con người toàn diện trên mảnh đất Bình Phước mang tầm văn hóa hiện đại trên nền móng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc truyền thống. Phương châm chủ đạo của các chương trình sẽ là truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, của con người Việt Nam nhưng cũng đấu tranh trực diện với những hành vi phản văn hóa, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Ưu tiên tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương, giá trị văn hóa - con người các vùng miền để nhân dân Bình Phước học tập, tiếp thu, lan tỏa những hành động đẹp, lối sống đẹp.

Những thông tin đăng phát trên 4 loại hình báo chí và hạ tầng số phải thực sự chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng công chúng, nhưng đảm bảo có định hướng, thông tin tích cực là dòng thông tin chủ đạo và quán xuyến.

Cùng với ưu tiên văn hóa dân tộc, BPTV tiếp tục tuyên truyền có chọn lọc những giá trị văn hóa của thế giới phù hợp với đặc điểm của văn hóa Việt Nam với tần suất vừa đủ và thích dụng. Lan tỏa hình ảnh đất và người, nét đẹp của văn hóa Bình Phước trong nước và ra nước ngoài.

BPTV mong mỏi được tỉnh Bình Phước tiếp tục đầu tư kinh phí, nguồn lực một cách xứng đáng hơn nữa và được đặt hàng thực hiện nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ xứng tầm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thông tin, giải trí và thẩm mỹ của nhân dân.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/147305/phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-trong-quang-ba-phat-trien-van-hoa-binh-phuoc