Phát huy truyền thống vẻ vang, giữ vững an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Cục Trinh sát BĐBP (23/4/1959-23/4/2024), Đại tá Võ Tiến Nghị, Cục trưởng Cục Trinh sát BĐBP đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng về truyền thống vẻ vang, thành tích đạt được thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Cục Trinh sát BĐBP. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này.

Đại tá Võ Tiến Nghị chủ trì Hội nghị triển khai Quyết định và giao nhiệm vụ đối với cán bộ. Ảnh: Đức Lộc

- Thưa đồng chí Cục trưởng, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống Cục Trinh sát BĐBP, đề nghị đồng chí cho biết khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của đơn vị?

- Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là BĐBP. Sau đó, ngày 23/4/1959, Bộ Công an ra Nghị định số 153/NĐ-CA thành lập Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Trinh sát và Cục Hậu cần thuộc Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương, BĐBP ngày nay.

Ghi nhận chiến công, thành tích xuất sắc của Cục Trinh sát BĐBP, 65 năm qua, Cục Trinh sát đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 13 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 148 Bằng khen; 3 năm nhận Cờ thi đua của Chính phủ, 6 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 12 năm nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng; 4 năm nhận Cờ thi đua của Bộ Tư lệnh BĐBP... Đặc biệt, tháng 12/2000, Cục Trinh sát được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong điều kiện cả nước tham gia kháng chiến chống Mỹ, bám sát sự lãnh đạo của cấp trên, Cục Trinh sát đã chủ động tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với lực lượng trinh sát các địa phương tiến hành toàn diện các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đấu tranh với các cuộc bạo loạn, hoạt động gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động trong vùng dân tộc, tôn giáo ở biên giới, bờ biển; vừa diệt ác, phá kìm, vừa giúp bạn tiễu phỉ, xây dựng cơ sở chính trị, phát hiện ổ nhóm phản động lưu vong từ sớm, từ xa, phục vụ tốt cho công tác phản gián Biên phòng và nội địa.

Sau khi đất nước vừa thống nhất, hòa bình chưa được bao lâu lại phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh biên giới. Cục Trinh sát đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo lực lượng trinh sát tăng cường công tác nắm tình hình trên các tuyến biên giới, đã kịp thời phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức phản động, dập tắt các vụ gây rối, gây bạo loạn; đồng thời, đã chi viện những cán bộ ưu tú làm nhiệm vụ quốc tế. Cục Trinh sát và trinh sát các địa phương đã điều tra, xác lập hàng trăm chuyên án đấu tranh chống phản động lưu vong xâm nhập, phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo, hoạt động của phỉ, các đường dây tổ chức đưa người vượt biên trái phép, chuyển giao tài liệu mật ra nước ngoài, mua bán phụ nữ, trẻ em, vận chuyển lưu hành tiền giả, chống buôn lậu...; bóc gỡ nhiều cơ sở ngầm của cơ quan đặc biệt nước ngoài, thu hàng ngàn tài liệu các loại. Khai thác triệt để tính năng, tác dụng của các loại trang bị kỹ thuật, thu được nhiều tin tức có giá trị, điển hình là tin tức liên quan đến vụ bạo loạn xảy ra ở Tây Nguyên những năm 2001, 2004...

Từ năm 2009 đến nay, sau khi chuyển giao nhiệm vụ phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội sang lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm, Cục Trinh sát đã chỉ đạo, phối hợp với trinh sát các tỉnh, thành phố đập tan kế hoạch “tháng tư đỏ lửa” của bọn phản động lưu vong xâm nhập ở Tây Nam bộ. Hằng năm thu thập, nghiên cứu, xử lý hàng chục ngàn tin có giá trị, thực hiện hàng trăm kế hoạch nghiệp vụ và đấu tranh thành công nhiều chuyên án; thường xuyên tăng cường 50 - 60% quân số tại các địa bàn trọng điểm.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, qua các thời kỳ, Cục Trinh sát không ngừng phát triển về mọi mặt, cơ cấu tổ chức ngày càng hợp lý; chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động phù hợp theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, chế độ công tác nền nếp chính quy, trình độ của đội ngũ cán bộ được nâng cao. Đến nay, hầu hết cán bộ, nhân viên Cục Trinh sát đều được đào tạo cơ bản, bố trí đúng chuyên ngành và được thử thách, rèn luyện qua thực tế công tác, chiến đấu, có nhiệt huyết, yêu nghề, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Thời gian qua, Cục Trinh sát BĐBP tiếp tục khẳng định là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng của BĐBP. Đề nghị đồng chí Cục trưởng cho biết những kết quả công tác quan trọng mà Cục Trinh sát đạt được thời gian qua?

- Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục Trinh sát đã chỉ đạo trinh sát các đơn vị tích cực, chủ động triển khai hàng trăm kế hoạch nghiệp vụ, tăng cường hàng ngàn lượt cán bộ trên các hướng, địa bàn trọng điểm; hằng năm thu thập, nghiên cứu, xử lý hàng chục ngàn tin có giá trị phục vụ kịp thời chỉ huy, chỉ đạo; xác lập và phối hợp đấu tranh thành công 51 chuyên án và 10.614 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ, xử lý 112 vụ với 345 người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép; khởi tố, hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao công an xử lý 54 vụ/122 đối tượng người Việt Nam có hành vi tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép..., góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đặc biệt, năm 2021, Cục Trinh sát đã chủ động nắm chắc tình hình hình, tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về chủ trương giải quyết nhà nổi, bè cá ở khu vực biên giới Tây Nam. Năm 2023, đơn vị đấu tranh thành công chuyên án môi giới khai thác hải sản bất hợp pháp...

Cán bộ Cục Trinh sát BĐBP tiến hành lấy lời khai đối tượng trong Chuyên án VBT6 đấu tranh với đường dây tổ chức môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Ảnh: Đức Lộc

- Đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trong thời gian tới. Từ đó, cần có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trinh sát biên phòng?

- Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, Quân đội như 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, cũng là năm kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP, 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến nước ta; có những vấn đề diễn ra gay gắt, phức tạp hơn, tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên các tuyến biên giới, vùng biển. Hoạt động của địch và các loại đối tượng phản động diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó dự đoán; nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động lợi dụng không gian mạng, lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu ngày càng cao về nhiệm vụ công tác trinh sát biên phòng hết sức toàn diện và nặng nề. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác trinh sát biên phòng trong thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy lực lượng trinh sát các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, thường xuyên quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP; các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên; nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và bám sát thực tiễn cơ sở, phát huy tính chủ động, sáng tạo để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện đúng, trúng, hiệu quả và kịp thời, nhất là những vấn đề lớn mang tính chiến lược, xác định được nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá, những vấn đề nổi lên ở từng tuyến biên giới, vùng biển và ở từng địa bàn.

Hai là, chủ động nắm, đánh giá, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu chủ trương, đối sách xử trí hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới, vùng biển, đảo, đảm bảo đúng yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, đối ngoại; chú trọng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, xử lý tin, nhận diện đối tượng, tập trung các địa bàn trọng điểm, phục vụ kịp thời công tác tham mưu chỉ đạo, thực hiện đúng chủ trương, đối sách, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Ba là, đổi mới và tiến hành đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; thực hiện tốt chức năng mũi nhọn trong nắm và đánh địch; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả các kế hoạch nghiệp vụ; tích cực, chủ động xác lập, đấu tranh chuyên án.

Bốn là, tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; thực hiện tốt dân chủ, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ. Đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến; quan tâm chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần đến từng cán bộ, chiến sĩ.

Năm là, xây dựng tổ chức Đảng các cấp trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; chấp hành nghiêm các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy chế, quy định; xây dựng nội bộ các cấp thực sự đoàn kết, thống nhất cao, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí, đồng đội, đề cao tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì các cấp.

Sáu là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nhiệt huyết và truyền thống say mê nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ; có ý chí quyết tâm cao, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, làm chủ trang bị kỹ thuật, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí Cục trưởng!

Trần Đức (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-truyen-thong-ve-vang-giu-vung-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-trong-moi-tinh-huong-post474735.html