Phát huy truyền thống văn hóa - động lực để Hồng Lĩnh bứt phá

LÊ HỒNG HẠNH - PHÓ TRƯỞNG BAN KINH TẾ - XÃ HỘI HĐND THỊ XÃ HỒNG LĨNH, HÀ TĨNHNgày 31.12.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-ThU về tăng cường lãnh đạo phát triển du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn đến năm 2025. Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di tích văn hóa tâm linh trên địa bàn được xác định các mục tiêu cụ thể, trong đó có chùa Đại Hùng. Từ năm 2022, Lễ hội Giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại Khu di tích văn hóa Đại Hùng được nâng lên quy mô cấp tỉnh. Đây vừa là niềm tự hào của Hồng Lĩnh, cũng là động lực quan trọng, giúp thị xã bứt phá vươn lên trở thành Trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía Bắc Hà Tĩnh.

Tọa lạc uy nghiêm trên Rú Miếu - một triền núi trên dãy non Hồng huyền thoại, Khu di tích Đại Hùng thuộc phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh được biết đến là địa điểm duy nhất ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương và các Hùng Vương. Lễ hội Giỗ Quốc tổ Hùng Vương hàng năm tại chùa Đại Hùng là minh chứng thể hiện sự gắn bó của tín ngưỡng dân gian thuần Việt thờ cúng Tổ tiên với đạo Phật, đó cũng chính là nét độc đáo, sự khẳng định giáo lý Nhà Phật có nhiều điểm tương đồng đối với văn hóa Việt Nam, thờ cúng Vua Hùng cũng chính là thờ cúng Thủy tổ Hùng Vương. Những hoạt động tâm linh, tình cảm của người dân nơi đây đối với vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng luôn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, vượt cả không gian và thời gian.

Lễ hội trong lòng Nhân dân

Gần nửa cuộc đời gắn bó với bao thăng trầm của chùa Đại Hùng, cụ Phạm Ngũ (người dân Đậu Liêu trìu mến gọi cụ là cụ Phiếm) luôn tự hào về lịch sử và sự linh thiêng của ngôi cổ tự thờ Thủy tổ Vua Hùng và Hùng Vương trên đỉnh non Hồng. Năm 1989, cụ Phiếm cùng người dân Đậu Liêu bắt đầu hành trình phục dựng chùa. Khi đó chùa chỉ là một ngôi nhà nhỏ thuộc hạng mục Tam Bảo, các hạng mục còn lại chỉ là phế tích còn in dấu thời gian. “Chùa Đại Hùng có được như ngày hôm nay thì công đức của cụ Phiếm cũng như người dân Đậu Liệu rất lớn. Tưởng nhớ Thủy tổ và Hùng Vương để làm lễ giỗ vào 10.3 hàng năm đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành lễ lớn hàng năm từ bao đời của người Đậu Liêu chúng tôi” - bà Thái Thị Điểm, Phó Chủ tịch HĐND phường Đậu Liêu cho biết.

Năm 2008, chùa Đại Hùng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, từ năm 2009 trở đi, nghi lễ giỗ Thủy tổ Hùng Vương và các Vua Hùng nơi đây được cấp ủy, chính quyền phường đứng ra tổ chức, chủ trì tế lễ được phân công cho Hội Người cao tuổi. Năm 2015, Giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại chùa Đại Hùng được nâng lên tầm Đại lễ Giỗ Quốc tổ, tạo điều kiện cho Nhân dân trong và ngoài địa bàn có dịp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến Quốc tổ và Quốc mẫu cùng các Vua Hùng có công dựng nước. Đồng thời, cũng thể hiện vị trí, vai trò to lớn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ Quốc tổ và Quốc mẫu Hùng Vương được xem như hoạt động văn hóa quan trọng của thị xã dưới chân ngàn Hống. Năm 2022, niềm vui đến với Nhân dân và Đảng bộ, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh khi UBND tỉnh quyết định nâng tầm Đại lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương và các vua Hùng lên quy mô cấp tỉnh.

“Chùa nay to đẹp và khang trang lắm rồi. Không khí lễ hội rất tưng bừng, náo nhiệt ngay từ những ngày đầu tháng ba âm lịch. Đây là dịp quảng bá hình ảnh về chùa Đại Hùng, đền thờ Kinh Dương Vương, các Vua Hùng và lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở Hà Tĩnh với các tỉnh bạn và du khách gần xa” - cụ Phiếm tự hào chia sẻ.

Toàn cảnh chùa Đại Hùng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ảnh: Bình Nguyên

Động lực phát triển thị xã Hồng Lĩnh

Đại hội XIII đã nhấn mạnh những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt khi phát triển văn hóa nhằm mục đích: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc… và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam...”. Đảng ta cũng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế.

Bám sát quan điểm, đường lối ấy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh thống nhất xuyên suốt quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực này, nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; khai thác các di tích danh thắng trên địa bàn, trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách thập phương...

Theo đó, ngày 31.12.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-ThU về tăng cường lãnh đạo phát triển du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn thị xã đến năm 2025. Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa tâm linh trên địa bàn được xác định các mục tiêu cụ thể, trong đó có chùa Đại Hùng - một trong các hạng mục chính của quần thể Khu di tích Đại Hùng, một trong 4 ngôi cổ tự nổi tiếng tọa lạc trên dãy núi Hồng.

“Đối với thị xã Hồng Lĩnh, các di tích cùng với các Lễ hội như Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương chính là tài sản tinh thần vô giá cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, bản sắc và nét riêng của đất và người Hồng Lĩnh với du khách thập phương. Phát huy truyền thống văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”, ý thức tâm linh cùng với tinh thần bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, Nghị quyết số 02 của Thị ủy Hồng Lĩnh đã mở cánh cửa cho du lịch văn hóa tâm linh cất cánh, tạo thế và lực để Đảng bộ và Nhân dân Hồng Lĩnh phát huy truyền thống văn hóa của quê hương ngàn Hống làm nền tảng, mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển của đô thị trẻ dưới chân núi Hồng trở thành Trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía bắc Hà Tĩnh” - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Thăng Long khẳng định.

Ai đã từng qua Hồng Lĩnh, sẽ thật thiếu sót nếu như chẳng dừng chân để ngắm đỉnh núi Hồng mây vờn trắng xóa, dừng chân rú Miếu để cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ được ví như Đà Lạt thứ hai ở xứ sở chim phượng bay về. Để rồi cùng với hàng ngàn phật tử, nhân dân thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Quốc tổ Kinh Dương Vương, Quốc mẫu Thần Long và các Vua Hùng đã có công dựng nước, cùng cảm nhận về tầng văn hóa đặc sắc của đất và người Hồng Lĩnh hội tụ về đây. Trong khí thiêng nghìn năm lịch sử ngưng tụ đất này, cùng Nhân dân Hồng Lĩnh nguyện cầu Thủy tổ, các vua Hùng cho Hồng Lĩnh ngày càng phồn thịnh phát triển, cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn, quốc thái dân an…

"Sông Lam vặn lưỡi gươm thần sáng quắc

Vung ngang trời sử xanh

99 đỉnh trầm hương thuở vua Hùng dựng nước

Ngát linh thiêng hồn Tổ quốc tụ về''

(Thơ Trần Công Bình)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/phat-huy-truyen-thong-van-hoa---dong-luc-de-hong-linh-but-pha-i323093/