Phát huy truyền thống quê hương

Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1963, Trung tâm Huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa (nay thuộc thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), một trong những căn cứ quan trọng được Mỹ và chính quyền Sài Gòn thành lập với quy mô lớn nhất vào năm 1963 tại miền Nam đã bị quân, dân tỉnh Long An tiêu diệt gọn. Đến nay, 60 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về một thời 'hoa lửa' vẫn tiếp tục được lưu truyền qua nhiều câu chuyện kể về vùng đất anh hùng.

Đêm rực lửa

Theo nhiều tư liệu lịch sử, Trung tâm Huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa là căn cứ quân sự có quy mô lớn và hiện đại, khống chế vùng căn cứ cách mạng ở huyện Đức Huệ và án ngữ khu vực ngã ba của trục hành lang nối liền miền Đông Nam bộ - Đông Nam Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long, tầm ảnh hưởng rất rộng, gây nhiều khó khăn cho cách mạng.

Bia chiến thắng trận Hiệp Hòa được đặt tại khuôn viên UBND thị trấn Hiệp Hòa để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Phát huy khí thế của phong trào Ðồng Khởi, vào những năm 1962-1963, Tỉnh ủy đã đưa ra phương hướng chỉ đạo phá ấp chiến lược nhằm đánh bại âm mưu bình định của địch, với mục tiêu được chọn là căn cứ Hiệp Hòa, Trung tâm Huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa. Trận đánh Hiệp Hòa là điển hình của 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang. Đại đội 1 cơ động - tiền thân của Tiểu đoàn 1 Long An được giao nhiệm vụ chủ công trong trận đánh căn cứ Hiệp Hòa.

Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1963, trận tiến công căn cứ Hiệp Hòa diễn ra mở đầu cho cao trào phá ấp chiến lược của tỉnh. Trận đánh do đồng chí Huỳnh Công Thân, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo và đồng chí Nguyễn Hữu Nhơn (Tư ) - Tỉnh đội trưởng, chỉ huy trận đánh. Cùng với đó có đồng chí Nguyễn Văn Chiểu (Đại đội 1 cơ động) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy phối hợp bộ đội đặc công tỉnh và nội ứng đã tấn công tiêu diệt căn cứ Hiệp Hòa. Trận đánh diễn ra trong khoảng 45 phút, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ, diệt tại chỗ hàng chục tên địch, bắt trên 100 tên, trong đó có 4 tên cố vấn Mỹ, thu trên 500 súng các loại và nhiều đạn dược. Đây là những sĩ quan Mỹ đầu tiên và có số lượng lớn nhất bị ta bắt sống trên chiến trường Nam bộ.

Chiến thắng Hiệp Hòa đã cổ vũ mạnh mẽ quyết tâm chiến đấu của dân và quân trong tỉnh. Đây cũng là trận đánh mở đầu một chương oanh liệt trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân và quân Long An, góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Chiến thắng này còn khai thông hành lang chiến lược của cách mạng ở Nam bộ, chuyển thế, tạo đà để dân và quân Long An vùng lên phá tan toàn bộ hệ thống ấp chiến lược của địch trên địa bàn tỉnh. Chỉ mấy tháng sau đó, nối tiếp trận Hiệp Hòa, dân và quân Long An đã tiêu diệt và bức rút 60 đồn bót, giải tán khoảng 20.000 thanh niên chiến đấu của địch, phá tan 193/237 ấp chiến lược, mở một vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn trong toàn tỉnh,...

Thị trấn Hiệp Hòa trên đường phát triển

Nằm trong khuôn viên UBND thị trấn Hiệp Hòa, Bia chiến thắng trận Hiệp Hòa được xây dựng khá lớn cùng với nhà bia ghi danh liệt sĩ như nhắc nhở thế hệ mai sau về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Đường giao thông trên địa bàn thị trấn Hiệp Hòa được nhựa hóa khang trang

Những ngày này, thị trấn hoàn thành nâng cấp, sửa chữa nhà bia ghi danh liệt sĩ, Bia chiến thắng trận Hiệp Hòa, trồng thêm cây xanh, nâng cấp sân ngoài,... Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường cũng được tập trung thực hiện.

Hiệp Hòa là 1 trong 3 thị trấn của huyện Đức Hòa, có 5 khu phố. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chiếm 60%; tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chiếm 30%, các dịch vụ khác chiếm 10%. Nơi đây có Đường tỉnh 822 đi qua và có sông Vàm Cỏ Đông. Các tuyến đường giao thông nội ô thị trấn không ngừng được mở rộng, nâng cấp, sửa chữa, bêtông hóa hoặc rải đá thuận tiện cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân.

Hiện nay, thị trấn có Trường THCS Hiệp Hòa, Trường Tiểu học Hiệp Hòa và Trường Mầm non Vành Khuyên đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Bên cạnh đó, địa phương đang hình thành, phát triển 1 cụm công nghiệp với diện tích 50ha, đã đi vào hoạt động 1 công ty dệt vốn Trung Quốc với khoảng 800 công nhân.

Trên địa bàn thị trấn Hiệp Hòa hiện có 1 cụm công nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương

Bí thư Đảng ủy thị trấn Hiệp Hòa - Nguyễn Văn Hài cho biết, sau 44 năm hình thành, thị trấn Hiệp Hòa ngày nay có nhiều thay đổi. Kết cấu hạ tầng, hoạt động sản xuất nông nghiệp, thương mại - dịch vụ từng bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên. Hiện nay, cấp ủy Đảng, chính quyền thị trấn tiếp tục nâng chất các tiêu chí, hướng đến được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Để góp phần hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí, địa phương tập trung các nguồn lực đầu tư, xây dựng mới các công trình công cộng, nhất là chú trọng việc tuyên truyền, ra quân vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh, trật tự,...

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An ghi nhớ công lao, sự nghiệp và tấm gương các anh hùng, liệt sĩ, dân và quân trên mảnh đất Đức Hòa giàu truyền thống cách mạng. Để từ đó, tiếp tục phát huy truyền thống Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, truyền thống cách mạng; học tập những tấm gương yêu nước sáng ngời, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Long An giàu đẹp, góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Trạm Y tế thị trấn Hiệp Hòa được đầu tư xây dựng đạt chuẩn

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó tiêu biểu là Chiến thắng trận Hiệp Hòa là giai đoạn mà phẩm chất anh hùng cách mạng của nhân dân Long An được thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất. Thế hệ mai sau phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm

Không chỉ các bạn trẻ tại thị trấn Hiệp Hòa mà lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Đức Hòa cảm thấy may mắn, tự hào khi được sinh ra, lớn lên trên vùng đất có bề dày lịch sử và giàu truyền thống cách mạng. Xác định tầm quan trọng ấy, những năm qua, Huyện Đoàn có nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ, trong đó phải kể đến hành trình “Nối bước dấu chân anh hùng”. Qua đó, giúp các bạn trẻ hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình bằng việc thể hiện tinh thần biết ơn, tri ân các thế hệ đi trước, những người đã hy sinh máu xương, thanh xuân để gìn giữ hòa bình, độc lập cho dân tộc. Phát huy truyền thống của quê hương, tuổi trẻ trong huyện luôn ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu, góp sức trẻ xây dựng, phát triển huyện Đức Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đặc biệt, hướng đến kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Hòa, Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện chung tay vệ sinh môi trường cũng như thực hiện các phần việc liên quan đến sự kiện ý nghĩa này”.

Bí thư Huyện Đoàn Đức Hòa - Nguyễn Quốc Mẫn

Thị trấn bây giờ thay đổi nhiều lắm! Cuộc sống người dân không còn khó khăn như xưa. Nông nghiệp không còn là ngành nghề chính nữa mà lớp trẻ phần lớn đi làm trong các công ty, xí nghiệp. Tôi cũng như bao nông dân khác, không chỉ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình mà còn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, tôi còn tham gia công tác an sinh xã hội để chia sẻ, đóng góp cho địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Dứt, khu phố 1, thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-huy-truyen-thong-que-huong-a166798.html