Phát huy truyền thống cách mạng, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn đã đoàn kết, sáng tạo, đổi mới vượt qua khó khăn, thử thách, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực xây dựng huyện ngày càng phát triển, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mô hình trồng na cho thu nhập cao của nông dân xã Cò Nòi.

Mô hình trồng na cho thu nhập cao của nông dân xã Cò Nòi.

Hòa chung với khí thế cách mạng của cả nước, ngày 20/8/1945, nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn đã đứng lên giành chính quyền. Để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, ngày 20/11/1948, Tỉnh ủy Sơn La quyết định thành lập Ban cán sự đảng châu Mai Sơn. Trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Tỉnh ủy Sơn La ra Nghị quyết “nhận rõ tình hình, tích cực làm tròn nhiệm vụ”, được sự chỉ đạo của Châu ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính, quân và dân các dân tộc Mai Sơn phối hợp với 12 tiểu đoàn quân chủ lực nhất loạt đứng lên phá trại tập trung, diệt bọn tề gian; tấn công các cứ điểm xung quanh Nà Sản tiêu diệt và làm bị thương hơn 400 tên địch, bắt sống và gọi đầu hàng 266 tên, thu 218 khẩu súng các loại… Từ ngày 8 đến 10/8/1953, địch rút quân khỏi Nà Sản, đánh dấu thời điểm nhân dân Mai Sơn hoàn toàn được tự do, làm chủ vận mệnh của mình.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 14/6/1965, máy bay Mỹ dội bom xuống Hát Lót, Cò Nòi, Nà Sản, Chiềng Mung, Chiềng Mai. Cùng với nhiệm vụ phát triển sản xuất, hàng nghìn con em các dân tộc huyện Mai Sơn lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào. Ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho huyện Mai Sơn cùng ba xã Cò Nòi, Mường Chanh và Mường Bằng.

Đồng chí Nguyễn Việt Cường, Bí thư huyện ủy Mai Sơn, cho biết: Trải qua gần 75 năm hình thành và phát triển, 20 kỳ đại hội Đảng, cùng với sự phát triển của tỉnh, Đảng bộ huyện Mai Sơn đã có những bước trưởng thành vượt bậc, lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tổ chức cơ sở đảng và cấp ủy được kiện toàn củng cố, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Năm 1948, châu Mai Sơn chỉ có 11 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện đã có 47 tổ chức cơ sở đảng với trên 9.300 đảng viên. Từng giai đoạn, Đảng bộ đã đề ra các nghị quyết lãnh đạo phù hợp, quán triệt, triển khai và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng.

Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện quy hoạch vùng dọc quốc lộ 6 tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến, đẩy mạnh phát triển đô thị, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; vùng kinh tế dọc sông Đà đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; vùng cao, biên giới tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đi dọc quốc lộ 6, từ xã Chiềng Mung, qua Hát Lót, đến Cò Nòi, cảm nhận sự phát triển của vùng kinh tế động lực với màu xanh ngút ngàn của cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện có gần 10.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng quả ước đạt 45.000 tấn/năm. Nhiều mô hình hiệu quả, như: Nhãn chín muộn, xoài da xanh, thanh long ruột đỏ, na hoàng hậu, nấm linh chi, rau an toàn, trong đó sản phẩm na Mai Sơn được cấp chứng nhận thương hiệu sản phẩm của địa phương. Nhiều diện tích cây ăn quả cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển ổn định, bước đầu hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng.

Trung tâm thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn hôm nay.

Trung tâm thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn hôm nay.

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, bà Nguyễn Thị Ngọc, năm nay gần 80 tuổi, tiểu khu Bình Minh, xã Cò Nòi, phấn khởi: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo của quê hương thay đổi nhanh chóng, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng đều được bê tông hóa, cứng hóa. Không còn phải chịu bữa đói, bữa no, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục mở rộng cả về quy mô, giá trị sản phẩm được nâng lên. Từ năm 2015 đến nay, Mai Sơn thu hút 50 dự án đầu tư vào địa bàn. Một số sản phẩm công nghiệp ổn định, như: Xi măng, đường, tinh bột sắn, gạch, đá các loại... Các thành phần kinh tế phát triển đa dạng với 348 doanh nghiệp, 153 hợp tác xã đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 12.000 lao động, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chất lượng giáo dục được nâng lên. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng và nâng cao trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển đa dạng, phong phú. Công tác xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội thực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15%. Chương trình xây dựng NTM được Đảng bộ, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện; đến nay, huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các giải pháp; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, phấn đấu xây dựng huyện Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-huy-truyen-thong-cach-mang-xung-dang-voi-danh-hieu-anh-hung-llvt-54582