Phát huy truyền thống cách mạng, đưa Cẩm Khê phát triển toàn diện, sớm trở thành huyện nông thôn mới

Là miền đất có bề dày lịch sử văn hóa, giàu truyền thống yêu nước, Cẩm Khê sớm tiếp nhận ánh sáng cách mạng, trở thành 'hạt giống đỏ' cho sự ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Cẩm Khê đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, vượt mọi khó khăn, thử thách, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, hội nhập và mở cửa đất nước, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa Cẩm Khê phát triển toàn diện, sớm đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới.

Thị trấn Cẩm Khê- trung tâm huyện lỵ ngày càng khởi sắc.

Địa danh Cẩm Khê (tên chữ là “Suối Gấm”) bắt đầu có từ năm 1841. Dưới triều vua Thiệu Trị (Nhà Nguyễn), Cẩm Khê là đơn vị hành chính trực thuộc phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây. Cuối thế kỷ XIX, khi sĩ phu yêu nước Ngô Quang Bích lãnh đạo phong trào Cần Vương, lập căn cứ ở Tiên Động (xã Tiên Lương ngày nay), Cẩm Khê trở thành trung tâm chống Pháp của miền thượng du Bắc Kỳ. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3/2/1930), dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, địa bàn huyện Cẩm Khê đã hình thành nhiều cơ sở quần chúng cách mạng. Cuối năm 1939, Chi bộ Cát Trù - Thạch Đê (bí danh Chi bộ Đọi Đèn) được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, đánh dấu mốc ra đời của tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của huyện và cũng là một trong bốn “hạt giống đỏ” đầu tiên hình thành nên Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (tháng 3/1940). Từ đây, mọi hoạt động cách mạng trong toàn vùng Tây - Nam Phú Thọ nói chung, huyện Cẩm Khê nói riêng đều do Chi bộ Cát Trù - Thạch Đê trực tiếp lãnh đạo.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đến tháng 12/1946, Tỉnh ủy Phú Thọ đã thành lập được 13 chi bộ, riêng huyện Cẩm Khê có bốn chi bộ gồm: Đọi Đèn, Cột Cờ, Núi Thông và Hiệp Thành. Tháng 1/1947, Cẩm Khê vinh dự được chọn là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ Nhất tại Chùa Trò, xã Cát Trù (nay thuộc xã Hùng Việt). Sau Đại hội, thực hiện Nghị quyết về xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, ngày 18/7/1947 Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban cán sự Đảng huyện Cẩm Khê (tức Huyện ủy lâm thời).

Đảng bộ huyện Cẩm Khê ra đời là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng tại địa phương. Từ đây, mọi phong trào cách mạng trên địa bàn huyện được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện. Từ bốn chi bộ với 70 đảng viên, qua 75 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đảng bộ huyện Cẩm Khê trên có gần 8.840 đảng viên với 39 chi, đảng bộ cơ sở.

Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Đảng bộ huyện Cẩm Khê đã lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Cẩm Khê đã mưu trí, dũng cảm đánh bại các cuộc càn quét chiếm đóng của địch, điển hình là trận Chủ Chè (ngày 4/3/1949) ngăn chặn được bước tiến, làm tiêu hao lực lượng lớn quân địch, khiến chúng phải rút lui khỏi địa bàn huyện. Đồng thời, tập trung cao độ chi viện cho kháng chiến, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt sự xâm lược của Thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, nhân dân huyện Cẩm Khê vừa tập trung phát triển kinh tế vừa nêu cao tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” phục vụ đắc lực cho tiền tuyến lớn. Trong 10 năm (1965-1975), toàn huyện đã có 8.562 tân binh cùng hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tình nguyện lên đường chiến đấu; chi viện hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và nhiều hàng hóa cho miền Nam ruột thịt, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 non sông thu về một mối.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Khê đã cùng cả nước vươn lên, tạo sức bật mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Những năm gần đây, kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 9,06%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế” và đạt được những kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.322,3 tỉ đồng/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 221,75 tỉ đồng/năm. Trên địa bàn huyện có hai khu, cụm công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động. Đến nay nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai như: Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C; khu tổ hợp văn hóa thể thao thị trấn Cẩm Khê; các khu nhà ở đô thị...

Mô hình trồng cây măng tây xanh ở xã Chương Xá cho hiệu quả kinh tế cao và đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Huyện đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, nâng tỉ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt 75,4%, kênh mương nội đồng đạt 36,2%. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện tích cực, hiệu quả, toàn huyện đã có 11 xã, 147 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; bốn xã đạt từ 15 đến18 tiêu chí, tám xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.

Toàn huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng, đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất, chất lượng cao, hiện có bẩy sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,86%. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới, huyện Cẩm Khê đã có 1.788 người con anh dũng hy sinh trên các mặt trận; 1.254 thương, bệnh binh. Ghi nhận, biểu dương những thành tích trong các cuộc kháng chiến, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Cẩm Khê cùng sáu xã: Đồng Lương, Điêu Lương, Phú Lạc, Tiên Lương, Tình Cương (nay thuộc xã Hùng Việt), Sơn Nga (nay thuộc thị trấn Cẩm Khê) danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; sáu cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 139 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 10.000 tập thể, cá nhân được tặng, phong tặng huân, huy chương các hạng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, chú trọng, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định về nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ... được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Hàng năm, tỉ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 100%, tỉ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 92,86%. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong huyện tích cực đổi mới hoạt động, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ huyện Cẩm Khê đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2017); nhiều năm được tặng Cờ thi đua; hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Cẩm Khê quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng; tập trung thực hiện tốt khâu đột phá: “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững; thu hút đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới”, phấn đấu xây dựng huyện Cẩm Khê đến năm 2025 cơ bản đạt huyện nông thôn mới như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX (nhiệm kỳ 2020- 2025) đã đề ra.

Nguyễn Mạnh Hùng

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Khê

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/phat-huy-truyen-thong-cach-mang-dua-cam-khe-phat-trien-toan-dien-som-tro-thanh-huyen-nong-thon-moi/185481.htm