Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế đất nước

Sáng 16/5, tại Hội thảo 'Phát huy tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững', các đại biểu tham dự đã chia sẻ những kết quả về khai thác tiềm năng, nguồn lực của các địa phương, đơn vị cũng như những kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các tiềm năng, nguồn lực trong phát triển kinh tế đất nước.

Hội thảo “Phát huy tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững” khai mạc sáng 16/5.

Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế gắn với công nghiệp, cảng biển

Chia sẻ những nội dung nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng “Đưa Khánh Hòa trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương và năm 2030”, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Khánh Hòa có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng, an ninh và kinh tế, là cửa ngõ hướng biển, liên vận quốc tế đường biển - hàng không… Trong đó, Khánh Hòa có 3 vịnh lớn được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới, đó là Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh; có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế; khu vực Bắc Vân Phong (thuộc Khu kinh tế Vân Phong) từng là một trong 03 khu vực trong cả nước được đề xuất thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ...

Khánh Hòa nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước; có các cảng biển nước sâu dễ dàng tiếp cận với tuyến giao thương sôi động nhất thế giới trên biển Đông; sân bay quốc tế Cam Ranh có lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước. Khánh Hòa có nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống các các cơ sở giáo dục và y tế phát triển... Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã tạo cho Khánh Hòa tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Với mục tiêu đặt ra là xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa xác định, cần phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững với công nghiệp, cảng biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển, dịch vụ vận tải biển - hàng không, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản có quy mô lớn là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng, dịch vụ logistics, kinh tế số là đột phá; du lịch là kinh tế mũi nhọn. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ tại Hội thảo.

Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, tăng trưởng xanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển huyện Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, cần tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, quốc tế, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng, nội vùng và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về các ngành, lĩnh vực tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết các loại quy hoạch với kế hoạch xúc tiến đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và mang tính chiến giúp doanh nghiệp bứt phá

Tham gia tham luận với chủ đề “Vai trò của nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sảng Việt Nam (TKV) trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Khuất Mạnh Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TKV cho rằng: Mỗi doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển ổn định phải có được sự đóng góp từ rất nhiều nguồn lực như: tài chính, vật chất, công nghệ… Trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, vai trò của nguồn nhân lực là nhân tố tiên quyết, mang tính chiến lược cao để thúc đẩy và là động lực giúp doanh nghiệp đạt được các bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TKV nêu rõ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TKV nêu rõ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Với ngành khai thác than ở Việt Nam là ngành có lịch sử truyền thống lâu đời cách đây hơn 180 năm; trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, Tổng công ty Than Việt Nam được thành lập (năm 1995) - nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Hơn 28 năm qua, TKV luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao; là doanh nghiệp nòng cốt chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng than cho nền kinh tế, một trong ba trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TKV khẳng định, từ nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng ủy và Ban lãnh đạo điều hành TKV đã hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý cán bộ, quản lý lao động và tiền lương, hướng dẫn định biên lao động theo mô hình mẫu; bộ tiêu chuẩn công nhân kỹ thuật; chuẩn hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2025; xây dựng phương án nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban thuộc Cơ quan Tập đoàn…

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp, các đơn vị trong TKV đã tích cực triển khai đổi mới cơ cấu lao động, thực hiện các giải pháp nhằm tinh gọn tổ chức, bộ máy, hợp lý hóa quy trình sản xuất, từng bước đưa tỷ lệ lao động giữa các khối về mức hợp lý. Tính đến ngày 31/12/2022, Tập đoàn còn 93.900 người lao động, trong đó nguồn nhân lực có trình độ từ trung cấp trở lên là hơn 43.000 người, trong đó, Đại học: 23.208 người (chiếm 53%); Cao đẳng và Trung cấp: 18.480 người (chiếm 42%).

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong Tập đoàn luôn đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý, đi đầu trong việc thực hiện phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.... Đặc biệt, phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” được cán bộ, công nhân lao động hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế lớn; trung bình hàng năm có từ 4.000 - 5.000 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, đề tài nghiên cứu khoa học đã được công nhận; số lượng sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực trong Tập đoàn được đưa vào áp dụng từ 3.500 - 4.000 (tỷ lệ 80-90%); giá trị làm lợi hàng năm đạt được từ 400 - 500 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự tại Hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TKV khẳng định, những con số trên cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Than - Khoáng sản đang từng bước phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng tích cực góp phần vào việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của TKV trong những năm qua.

Nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng và phát triển TKV trong giai đoạn tới đây, đồng chí Khuất Mạnh Thắng cho biết: TKV đã xác định rõ ba trụ cột chính trong cơ cấu nguồn nhân lực là chú trọng phát triển 3 đối tượng, gồm: cán bộ quản lý cao cấp, trung cấp; chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ, quản lý và công nhân kỹ thuật các ngành, nghề chính.

Vì vậy, Đảng ủy TKV tiếp tục xác định công tác phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao của các đơn vị thành viên và của Tập đoàn là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cấp ủy đảng, cơ quan chuyên môn các cấp; là khâu đột phá, nhân tố quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững của Tập đoàn; đồng thời chú trọng phát huy và trọng dụng nguồn nhân lực có phẩm chất tốt, có trình độ, năng lực công tác và bố trí công việc phù hợp; quan tâm việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người có khả năng và phát huy tài năng cống hiến của nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện nghiêm công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và cán bộ quản lý của các ban, đơn vị trong Tập đoàn đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và đồng bộ về cơ cấu; thực hiện tốt các chế độ, chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong đó, tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lương cho người lao động phải ngang bằng (nếu có điều kiện có thể trả lương cao hơn) các ngành nghề tương ứng của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam; quan tâm các chế độ hỗ trợ người lao động (đi lại, ăn giữa ca, chỗ ở…); bổ sung chính sách ưu đãi theo thâm niên làm việc của lao động nghề mỏ hầm lò nhằm thu hút, giữ chân lao động có kỹ năng nghề cao. Ngoài ra, trọng dụng, khen thưởng, tôn vinh kịp thời, thực chất, làm động lực để người lao động...

Phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết Vùng

Chia sẻ tại Hội thảo, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định: Phát triển vùng là chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững đất nước. Mỗi địa phương, mỗi vùng đều có những đặc điểm riêng do sự khác biệt về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, dân cư, văn hóa, lịch sử… Những yếu tố đó dẫn đến mỗi địa phương, mỗi vùng có những tiềm năng, lợi thế riêng, cũng như cần có định hướng, mục tiêu phát triển phù hợp.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, Bắc Giang xác định thống nhất quan điểm, nhận thức trong toàn Đảng bộ tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của phát triển liên kết Vùng, liên Vùng trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ: Là một địa phương trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và trong quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Giang được xác định là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã không ngừng phấn đấu, phát triển địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Vùng và cả nước.

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang phát huy lợi thế, tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng GRDP 10 năm gần đây của tỉnh tăng bình quân 13,7%/năm (trong đó năm 2022 đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước). Hết năm 2022, quy mô GRDP của tỉnh vươn lên đứng thứ 13 cả nước. Thu hút đầu tư, thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng qua các năm; đặc biệt, những năm gần đây tỉnh Bắc Giang thường xuyên duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song tỉnh Bắc Giang cũng như các tỉnh trong Vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" chậm phát triển, "lõi nghèo" của cả nước. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người còn chênh lệch khá lớn so với một số vùng trong cả nước.

Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy phát triển Vùng thời gian tới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 15/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định tỉnh Bắc Giang nằm trong khu vực động lực (cùng với tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ) và là trung tâm sản xuất công nghiệp của Vùng.

Theo đó, Bắc Giang xác định thống nhất quan điểm, nhận thức trong toàn Đảng bộ tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của phát triển liên kết Vùng, liên Vùng trong giai đoạn phát triển hiện nay. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết, cụ thể hóa trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển, khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” theo địa giới hành chính.

Để trở thành một cực tăng trưởng của Vùng thì một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông… Nhận thức rõ điều này, Bắc Giang đã nghiên cứu, quy hoạch tổng thể phương án phát triển giao thông và đang phối hợp chặt chẽ với 06 tỉnh, thành phố giáp ranh (gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội) đồng loạt triển khai đầu tư nhiều tuyến đường kết nối liên tỉnh quan trọng, thúc đẩy liên kết vùng, liên Vùng như: Phối hợp với thành phố Hà Nội đầu tư hoàn thiện tuyến đường đường vành đai IV để kết nối thuận tiện với sân bay Nội Bài; phối hợp với tỉnh Hải Dương xây dựng cầu Đồng Việt, kết nối với tuyến đường ven biển của tỉnh Quảng Ninh để tiếp cận cảng nước sâu Cái Lân; tích cực phối hợp với tỉnh Thái Nguyên đầu tư tuyến đường vành đai V (Hà Nội) kết nối cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh, công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, Bắc Giang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp lớn trong khu vực. Cùng với công nghiệp, Bắc Giang cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, đưa Bắc Giang trở thành trung tâm tiếp vận, trung chuyển hàng hóa tại khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc Hà Nội.

Bắc Giang xác định một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng những thành quà do phát triển kinh tế mang lại. Phối hợp tốt với các tỉnh trong Vùng để bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hóa đặc trưng của Vùng và hơn 30 đồng bào dân tộc thiểu số trong Vùng...

Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng

Tham luận với chủ đề “Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên”, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 đã chia sẻ: Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đồng thời thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, trong những năm qua, các đơn vị, đoàn kinh tế Quốc phòng, doanh nghiệp Quân đội, trong đó có Binh đoàn 15 đã tích cực thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về kinh tế, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, gắn với tạo thế bố trí quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, trên địa bàn vùng Tây Nguyên.

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 đã chia sẻ: Binh đoàn 15 đã tích cực thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về kinh tế, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, gắn với tạo thế bố trí quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, trên địa bàn vùng Tây Nguyên.

Những năm qua, Binh đoàn 15 thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế quốc phòng được Bộ Quốc phòng giao, khai thác, sử dụng nguồn lực sẵn có, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Với những chủ trương đúng đắn, trong thời gian qua, Binh đoàn 15 đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. Cụ thể, đảm bảo việc làm và thu nhập cho nhân dân trong vùng; tạo sự gắn kết quân – dân; tạo điều kiện cho nhân dân có đất sản xuất; xây dựng nhiều mô hình an sinh xã hội; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; cùng địa phương xây dựng, củng cố niềm tin trong nhân dân..

Thời gian qua, cùng với 2 sản phẩm chủ lực là cao su, cà phê, Binh đoàn 15 ừng bước mở rộng thêm các ngành nghề phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân trên địa bàn... thường xuyên tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 16.000 lao động, trong đó lao động là người DTTS chiếm gần 60%; hàng chục nghìn người có việc làm phụ. Binh đoàn tuyên truyền, vận động đưa người dân lên vùng dự án, ổn định nơi ở, việc làm, thu nhập cho trên 17.000 hộ dân thuộc 266 cụm điểm dân cư trên vành đai biên giới. Đồng thời, tạo việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho gần 1.000 người dân Campuchia, trên 500 người dân các bộ tộc Lào với thu nhập bình quân trên 5 triệu VNĐ/tháng.

Binh đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả “gắn kết hộ”, giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình người đồng bào DTTS địa phương. Từ 30 “cặp hộ gắn kết” ban đầu, đến nay Binh đoàn đã có hơn 4.000 cặp hộ gắn kết, qua đó, giúp các hộ gắn kết từng bước nâng cao đời sống.

Ngoài ra, các đơn vị trong Binh đoàn tham gia với các già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cùng nâng cao trách nhiệm vận động đồng bào nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hàng ngàn km đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, công trình nước sạch, trường mẫu giáo, điểm bán trú cho con em người lao động; phát động nhiều phong trào, mô hình sáng tạo, như: Vườn rau gắn kết, Hũ gạo gắn kết, Gắn kết hộ, Quỹ tấm lòng nhân ái, Thắp sáng đường quê, Bữa sáng đại đoàn kết... Xây dựng hằng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm công đoàn tặng công nhân, người lao động và hộ nghèo…

Trong thời gian tới, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết, Binh đoàn 15 tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải thực hiện tốt đồng thời cả 3 chức năng: “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 xác định, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn Binh đoàn triển khai nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững cho đồng bào trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, xây dựng đơn vị an toàn gắn với địa bàn an toàn./.

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-huy-toi-da-cac-tiem-nang-loi-the-trong-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-637881.html